Tài chính

Nợ xấu vẫn âm thầm tăng

28/05/2015, 05:05

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi nợ xấu tăng, ngân hàng cần giảm lương, tăng trích lập dự phòng.

42
Năm 2015, VAMC đặt chỉ tiêu thu hồi được 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Ảnh: Trần Hải

Con nợ chây ỳ, chủ nợ do dự

Từ đầu năm tới nay, tỷ lệ nợ xấu lại có dấu hiệu tăng lên. Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 2 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 3,59%. Thống kê của NHNN TP HCM cho thấy, con số nợ xấu tăng lên mức 5,53% vào cuối tháng 3.

Đáng chú ý là tại các ngân hàng lớn, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% nhưng lại đang có dấu hiệu tăng lên: Vietcombank tăng tỷ lệ nợ xấu từ 2,3% cuối 2014 lên 2,66%, thời điểm ngày 31/3/2015; Sacombank tăng từ 1,18% lên 1,55%; SHB tăng từ 2,02% lên 2,66%; Techcombank tăng từ 2,38% lên 2,58%... Dù NHNN giải thích, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ là mang tính quy luật bởi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm, nhưng vẫn dấy lên nhiều lo ngại về tỷ lệ nợ xấu và khả năng khó có thể đạt được tỷ lệ 3% vào cuối năm nay như mục tiêu của NHNN.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 17/4, VAMC đã mua 13.708 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng với giá mua nợ 13.408 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay, VAMC đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, vừa rồi khi VAMC làm việc với Ngân hàng Maritime Bank và DongA Bank để xử lý một trường hợp nợ xấu liên quan tới một dự án đã được khách hàng trả 250 triệu USD. Thế nhưng phía ngân hàng lại không được nhóm cổ đông phối hợp nên VAMC đành “bó tay” không thể xử lý được mặc dù khả năng thu hồi nợ cả gốc và lãi trong trường hợp này là rất cao.

Hay như trường hợp xử lý nợ xấu của dự án Happy Land, có đối tác đồng ý mua nhưng phía doanh nghiệp lại kiên quyết từ chối bán vì hy vọng sẽ bán được với mức giá cao hơn. Có nhiều trường hợp, tài sản đảm bảo khi phát mại lại còn ở tình trạng kiện cáo nên cũng không được xử lý. “Đây là những ví dụ điển hình về khó khăn trong xử lý nợ xấu mà VAMC gặp phải. Nhiều trường hợp đã tìm được người mua nhưng doanh nghiệp không đồng ý bán nên chúng tôi cũng không thể xử lý được”, ông Hùng nói.

Theo thống kê của VAMC, trong bốn tháng đầu năm 2015, đơn vị này đã thu hồi được 3 nghìn tỷ đồng nợ xấu (con số này trong năm 2014 là 4,8 nghìn tỷ đồng). ông Hùng cho biết, trong năm 2015, VAMC đặt chỉ tiêu thu hồi được 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Ngân hàng phải giảm lãi, giảm lương

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, nợ xấu tăng nhanh do thay đổi cách phân loại nợ theo tiêu chuẩn mới và việc thu hồi nợ hiện đang khá kém khiến nợ xấu ứ lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (con nợ) cần có thời gian để phục hồi.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng thì khẳng định, sẽ thực hiện được chỉ tiêu NHNN giao đến ngày 30/6 phải mua được 75% nợ xấu của các ngân hàng và đến 30/9 phải mua được 100% để đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm về 3%. Nhưng ông Cao Sỹ Kiêm lại cho rằng, hiện các khoản nợ đã được các ngân hàng bán dần cho VAMC đi đôi với biện pháp tăng mạnh tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, việc tăng mạnh tín dụng để nợ xấu giảm chỉ là biện pháp kỹ thuật, không giải quyết triệt để được vấn đề.

Trước thực trạng nhiều ngân hàng dù nợ xấu nhích tăng nhưng vẫn báo lãi, trả lương nhân viên cao, ông Kiêm cho rằng, hiện nay không phải thời điểm các ngân hàng làm ra lợi nhuận để hưởng thụ mà cần quyết liệt trong việc chia lãi để dành nguồn lực bù đắp rủi ro. “Các ngân hàng nên ăn lãi ít đi, chia lương thưởng và nộp ngân sách ít đi mà phải tăng trích lập dự phòng”, ông Kiêm nói.

Nói về tiêu chí 3% nợ xấu vào cuối năm nay của NHNN, ông Kiêm cho rằng, các ngân hàng chỉ còn cách tăng trưởng tín dụng, bớt các thủ tục rườm rà. “Phải làm tích cực thì mới có thể cán đích, còn nếu cứ như hiện nay thì khó”, Chủ tịch DongA Bank nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.