Hạ tầng

Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước xưa và nay

18/05/2020, 11:46

Từ bến cảng này, cách đây 109 năm trước, anh Ba Nguyễn Tất Thành mới ở độ tuổi ngoài 20 đã rời Việt Nam bôn ba châu Âu, châu Mỹ...

img
TP. Hồ Chí Minh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông dọc theo sông Sài Gòn đã tạo nên nét độc đáo của đô thị phát triển nhất cả nước

Từ nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Những năm 1860, với tên gọi thương cảng Sài Gòn, cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn gồm 5 khu vực: Hàm Nghi, Nhà Rồng, Khánh Hội và Chợ Cá. Bây giờ dọc theo sông, ngoài cảng Sài Gòn, còn có một hệ thống các cảng biển, bao gồm các cảng: Tân Cảng, Bến Nghé, Hiệp Phước và Cát Lái. Nhưng cụm cảng Sài Gòn vẫn đóng vai trò là một cảng quốc tế, cảng chính của miền Nam Việt Nam, trong đó bao gồm cả khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tất cả các bến cảng Sài Gòn từ xưa cho đến nay, nổi tiếng vẫn là bến cảng Nhà Rồng. Đứng từ cột cờ Thủ Ngữ cao vút, lá cờ Tổ quốc tung bay, bóng soi tới tận dòng sông, chênh chếch phía bên phải là đại lộ Đông - Tây và cầu Khánh Hội mới đồ sộ, sẽ thấy khá rõ tòa nhà 2 tầng được xây theo lối kiến trúc Pháp, bây giờ là Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cột cờ này được xây dựng sau một năm thành lập bến cảng Nhà Rồng và sau 2 năm tòa Nhà Rồng được xây dựng.

Sự đổi thay của vùng đất Sài Gòn xưa, bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ là những tòa nhà chọc trời với những trung tâm tài chính, thương mại, những công trình cầu đường, những cơ sở công nghiệp, những bến cảng hiện đại hay những khu chung cư cao tầng… Điều lớn nhất, đó chính là theo chiều dài lịch sử, từ làng chài hoang sơ, tới thành phố thuộc địa và một đô thị hiện đại lớn nhất ngày nay, TP. Hồ Chí Minh đã và đang được xây dựng để xứng đáng là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và đầu mối giao thương quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Bến tàu có tên gọi là Nhà Rồng khởi đầu là một bến cảng lớn của Thương cảng trên sông Sài Gòn, mà sau này gọi là cảng Sài Gòn. Bến cảng này được xây dựng từ 1864, do gần sát với trụ sở công ty vận tải đường biển của Pháp mà dân vẫn gọi là nhà Rồng nên bến cảng cũng có tên là bến cảng Nhà Rồng.

Chính từ bến cảng này, cách đây 109 năm trước, vào ngày 5/6/1911, anh Ba Nguyễn Tất Thành mới ở độ tuổi ngoài 20 đã rời Việt Nam bôn ba châu Âu, châu Mỹ trên con tàu buôn của Pháp, nơi anh làm phụ bếp, để đi tìm hướng đi đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. 64 năm sau, năm 1975, khi kháng chiến giải phóng dân tộc thắng lợi, đất nước thống nhất, thành phố Sài Gòn có vinh dự lớn, được lấy tên Người - Hồ Chí Minh để đắt tên cho thành phố.

Cho đến hôm nay, sông Sài Gòn được “đánh thức” bởi rất nhiều công trình xây dựng, trong đó cây cầu Thủ Thiêm và hầm đường bộ Thủ Thiêm - hầm chìm vượt sông Sài Gòn có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nối đại lộ Võ Văn Kiệt từ phía tây đến đầu phía đông thành phố, kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây… Nơi đây, tại khúc sông Sài Gòn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến bến cảng Nhà Rồng lịch sử đã đổi thay rất nhiều.

img
Tòa cao ốc Landmark 81 bên sông Sài Gòn được coi là biểu tượng mới cho sự phát triển hiện đại, năng động của TP. HCM

Chặng đường mở cõi...

Từ tuyến đường bộ Bắc - Nam, để vào TP. Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ đi qua con đường mang tên Hà Nội ở trung tâm đồng bằng Nam bộ và cũng là cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố. Năm 1984, nhân dịp kỉ niệm 30 năm giải phóng, Hà Nội - Thủ đô, trái tim của cả nước được đặt tên cho xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, vốn là một trục đường nối Sài Gòn với Biên Hòa, được hoàn thành năm 1961.

Đứng trên cầu Sài Gòn cũ, từ đây nhìn dọc theo dòng sông, chúng ta có thể quan sát và hình dung được những bến cảng ven sông, với những cầu trục cao ngất, những bãi chứa container hàng dọc hàng ngang tầng tầng lớp lớp và tàu thủy đủ loại neo đậu san sát…

Trên tầm cao hơn bên bờ sông là những tòa nhà cao tầng với nhiều kiểu dáng, cao thấp khác nhau, mới thấy tự ngày xưa cho đến bây giờ, sông Sài Gòn và toàn bộ vùng đất ven sông Sài Gòn - Gia Định đã có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt như thế nào đối với sự phát triển kinh tế, cũng như phát triển đô thị của một thành phố lớn nhất, đông dân nhất Việt Nam.

Lịch sử còn ghi lại, vào năm 1674 vùng đất ven sông Sài Gòn còn hoang sơ lắm. Khi đó vùng đất này chỉ có làng chài bé nhỏ ven sông của người Khmer. Sau này theo lệnh của Chúa Nguyễn, người Việt mới đến đây "khẩn hoang lập ấp". Chính nhờ công cuộc khai phá, vùng đất này đã có nhiều cư dân đến sinh sống rồi trở thành xóm ấp đông đúc. Đến Xuân Mậu Dần 1698, Chúa Nguyễn cử ông Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai (gồm cả Sài Gòn - Bến Nghé), đã phát triển vùng đất này càng ngày càng trù phú.

Khi đó, phủ Gia Định gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình. Sài Gòn sau này thuộc huyện Tân Bình. Lúc đó vùng đất Gia Định - Sài Gòn mới chỉ là một đô thị nhỏ tọa lạc tại khu vực giới hạn bởi sông Sài Gòn ở phía Đông, rạch Thị Nghè ở phía Bắc, rạch Bến Nghé ở phía Nam. Cư dân sinh sống ở đây ước tính khoảng 100.000 người, phần lớn tập trung tại Sài Gòn và Chợ Lớn. Sau đó, Sài Gòn mau chóng trở thành thủ phủ của cả Nam Kỳ lục tỉnh. Sau này, trục đường lớn ven sông được chính quyền thành phố đặt tên đường Nguyễn Hữu Cảnh là để tri ân với vị Thống suất đã có nhiều công lao tạo dựng vùng đất này trở nên trù phú tự ngày xưa.

img
Bến cảng Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát ra đi tìm đường cứu nước vẫn giữ nguyên những giá trị lịch sử trên chặng đường phát triển của thành phố

Khu phố cũ ngày xưa giờ đua vóc dáng hiện đại

Trên trục đường ven sông Sài Gòn sẽ dẫn ta qua các khu vực rộng lớn bao gồm Tân cảng Sài Gòn, nhà máy đóng tàu Ba Son, qua cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè để nối vào trục đường Tôn Đức Thắng. Từ con phố này ta có thể đi dọc theo sông Sài Gòn, lần lượt qua điểm đầu của nhiều tuyến phố được người Pháp quy hoạch từ những năm cuối thế kỷ 19, để vào trung tâm thành phố như các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Hàm Nghi… Đặc biệt, trục đường hoa Nguyễn Huệ là truyến phố đi bộ đầu tiên của nước ta, sầm uất bậc nhất của thành phố, được nối với công viên Bạch Đằng, khuôn viên của tượng đài Trần Hưng Đạo, bến tàu du lịch Bạch Đằng.

Cũng tại điểm cao này, chúng ta có thể nhìn thấy trung tâm thành phố với nhiều địa danh nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Đó là chợ Bến Thành, ở vị trí trung tâm thành phố, có đường Hàm Nghi nối ra sông Sài Gòn. Trước đây, khi quân Pháp xâm chiếm Sài Gòn, nơi đây đã có một cái chợ nhỏ nằm giữa sông Bến Nghé và Thành Sài Gòn, vì thế chợ có tên ghép là Bến Thành.

Còn từ đỉnh tòa cao ốc Landmark 81, được xây dựng ngay tại trung tâm khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh, phóng tầm mắt về hướng Đông - Nam, chúng ta có thể ngắm trọn trung tâm thành phố với các tòa nhà cao tầng tại quận 1, dọc bến Vân Đồn như Bitexco, The One Tower, mảng xanh còn lại là Thanh Đa - Bình Quới trở nên nổi bật giữa mây trời… Đó chính là biểu tượng của một đô thị đang trên đà phát triển với vóc dáng hiện đại, hướng đến bền vững.

Đó là nhà thờ Đức Bà, một trong những công trình văn hóa và cũng có thể coi là một trong danh thắng của thành Sài Gòn xưa, vì đã được xây dựng cuối thế kỷ 19, sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Sài Gòn. Xa hơn nữa là hội trường Thống nhất, người dân quen gọi là dinh Độc lập, thấp thoáng giữa những hàng cây. Rồi cả khu Chợ Lớn, một khu vực có đông người Hoa, thường được gọi là người Minh Hương, sinh sống. Từ thời xa xưa họ đã trốn chạy triều đình Mãn Thanh - Trung Quốc, được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho ngụ cư ở vùng đất Nam bộ, trong đó Sài Gòn - Gia Định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.