Điện ảnh

Vấn nạn uống rượu, bia lái xe từ đời lên sân khấu

21/09/2020, 06:38

Là một vở diễn gửi gắm và mang thông điệp cụ thể nhưng “Như thế là tội ác” không làm theo kiểu khô cứng đơn điệu mà đánh vào trái tim người xem.

img
Cảnh trong vở kịch “Như thế là tội ác”

Vở kịch “Như thế là tội ác” không chỉ đề cập, lên án vấn nạn uống rượu bia lái xe, gây ra tai nạn thảm khốc, để lại những hậu quả đáng tiếc mà còn là câu chuyện tình người đầy xúc động.

Khán giả tự hình dung về tai nạn

Tháng 5/2019, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại hầm Kim Liên, Hà Nội do một tài xế say xỉn gây ra đã khiến hai người phụ nữ thiệt mạng. Vụ tai nạn gây chấn động dư luận vào thời điểm đó.

Một trong hai nạn nhân của vụ tai nạn thương tâm ấy là nữ nhân viên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Đau xót trước sự ra đi của đồng nghiệp cũng như ám ảnh bởi tình trạng uống rượu bia lái xe gây tai nạn thảm khốc đang diễn ra hiện nay, đạo diễn Trịnh Mai Nguyên đã cùng tác giả Lê Chí Trung bắt tay thực hiện dự án vở diễn với mong muốn lên tiếng cảnh tỉnh tất cả mọi người.

Đây không phải một đề tài dễ thực hiện trên sân khấu như một vở mang tính nghệ thuật. Bởi thế nên phải mất nửa năm thực hiện, chỉnh sửa kịch bản tác phẩm mới có thể hoàn thành. Dù đã tập luyện xong từ đầu năm 2020 nhưng vì dịch bệnh, vở đã phải hoãn lại và mới bắt đầu được công diễn trong khoảng thời gian gần đây.

“Như thế là tội ác” là câu chuyện kể về một vụ TNGT thương tâm do một kẻ say rượu gây ra. Hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng đã khiến một gia đình rơi vào cảnh bất hạnh. Trớ trêu thay, người gây ra vụ tai nạn ấy không ai khác chính là con của một vị lãnh đạo cấp cao, người luôn ra sức ủng hộ thông điệp “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Từ đây, những người trong cuộc phải đứng trước những lựa chọn khó khăn.

Không có máu me, không có hình ảnh những chiếc xe nát tươm, đạo diễn khôn khéo “lồng” vào trí tưởng tượng của người xem những điều ấy thông qua âm thanh. Tiếng phanh két của xe, tiếng va chạm xe cộ, tiếng xe cấp cứu và cả tiếng lè nhè của một gã say xỉn bên đường… dẫn khán giả tới những hình dung của một vụ tai nạn nghiêm trọng.

Theo đạo diễn Trịnh Mai Nguyên, anh không đưa những hình ảnh mô phỏng về tai nạn trên sân khấu bởi chắc chắn sẽ không mô phỏng được. Vở cũng không đề cập một vụ tai nạn cụ thể nào mà để khán giả tự gợi mở suy nghĩ của mình. “Tôi muốn mỗi khán giả sẽ tự hình dung về một vụ tai nạn kinh hoàng riêng. Bởi, không có vụ nào giống vụ nào nên để diễn tả trên sân khấu sẽ không thể chất lượng”, anh chia sẻ.

Sân khấu được thiết kế đơn giản nhưng mang nhiều hàm ý. Một số đạo cụ thiết kế trong vở cũng đều được vẽ hình ảnh của các biển báo giao thông nhưng theo một cách tinh tế, không quá thô và cứng nhắc. Chỉ với phông nền là hình ảnh một ngã 5 với những vạch kẻ đường, biển báo đã nói lên chủ đề chính.

Tuy nhiên, đó không đơn giản chỉ là một ngã rẽ trên đường để nói về giao thông mà còn gợi nên suy nghĩ của mỗi người về những ngã rẽ, các con đường mình lựa chọn trong cuộc sống.

Lời cảnh tỉnh không nặng tính tuyên truyền

“Như thế là tội ác” nằm trong kế hoạch vở đặt hàng trong năm từ Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, có sự tham gia của các nghệ sĩ như: NSND Trung Anh, NSƯT Quế Hằng, Minh Hiếu, Phú Đôn, Minh Hoàng… và được chia thành hai kíp để thay nhau diễn xuất. Được biết sắp tới, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ kết hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia đưa vở đi lưu diễn ở nhiều địa phương trên cả nước.


Đạo diễn Trịnh Mai Nguyên tâm sự, anh không muốn vở diễn mang tính tuyên truyền quá nhiều. Bởi, nếu chỉ đơn giản là tuyên truyền, hô hào như mọi người vẫn làm thì hiệu quả sẽ không cao. Quan trọng nhất là cần phải thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người.

“Do đó, tôi muốn đánh vào tâm lý để sau khi xem, dù mỗi người ở bên gây tai nạn hay bị nạn đều không muốn gia đình và những người thân của mình phải rơi vào hoàn cảnh tương tự. Muốn làm điều đó, họ phải thay đổi”, anh nói.

Có lẽ bởi thế, là một vở diễn gửi gắm và mang thông điệp cụ thể nhưng “Như thế là tội ác” không làm theo kiểu khô cứng đơn điệu mà đánh vào trái tim của người xem thông qua diễn xuất của nghệ sĩ và cách xử lý tình huống của nhân vật. Suốt 90 phút của vở diễn, khán giả trôi theo những cung bậc cảm xúc của nhân vật, rơi nước mắt thương cảm cho số phận của một gia đình êm ấm bỗng chốc phải rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn.

Trong vai Giám đốc Công an - người phải đứng trước những lựa chọn khó khăn khi con trai của mình gây ra tai nạn cho một gia đình vô tội, rằng phải bảo vệ đứa con trai duy nhất hay bảo vệ công lý, NSND Trung Anh khiến người xem đồng cảm. Anh thể hiện khả năng diễn xuất dày dặn kinh nghiệm qua nhiều phân đoạn giằng xé nội tâm.

Theo lời NSND Trung Anh, việc phải diễn hình ảnh của một quan chức ngành công an không đơn giản, bởi nếu diễn hơi quá sẽ phản tác dụng trong cái nhìn của khán giả. Phải diễn sao để khán giả thấy có chút hợp lý, chấp nhận được. Do đó, anh không nhấn vào mảng quan chức hoặc ngành nghề mà chỉ coi nhân vật là một con người có sự đồng cảm.

“Với tôi, diễn vai này thực sự khó trong cách thể hiện. Nếu diễn lên gân lên cốt, người ta sẽ nghĩ rằng mình đang ca ngợi ngành nghề. Ngoài ra, nếu chỉ hô hào khẩu hiệu thì vở sẽ thô cứng và khó chấp nhận. Do đó, tôi cố gắng đưa nhân vật trở thành con người có sự đồng cảm với người khác, với các bậc cha mẹ và đặt yếu tố con người lên trên những vấn đề khác”, NSND Trung Anh thổ lộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.