Xã hội

Nơi học sinh từng chui túi nilon vượt suối

23/05/2020, 06:24

Từ ngày có cây cầu bê tông cốt thép, cảnh học sinh chui túi nilon vượt suối Huổi Hạ chỉ còn là ký ức.

img
Cây cầu Huổi Hạ vừa được đầu tư xây dựng

Cây cầu khang trang giúp giao thông kết nối, thông thương khiến cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày.

Chuyện chui túi ni lông chỉ còn là ký ức

Ngày đầu tháng 5, PV Báo Giao thông cùng đoàn công tác Sở GTVT tỉnh Điện Biên di chuyển trên QL12, rồi men theo con đường bê tông đang được xây dựng về hướng trung tâm xã Na Sang (huyện Mường Chà). Kết thúc quãng đường khoảng 45km là một con dốc cao, từ đây về bản Huổi Hạ còn khoảng 20km nữa nhưng đường nhỏ lại khúc khuỷu nên chỉ ô tô con mới có thể đi qua.

Tại điểm dừng này, ba cán bộ xã đang chờ sẵn để đưa đoàn vào bản Huổi Hạ. Sau khoảng gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy trên con đường đất quanh co, khúc khuỷu nhiều dốc nguy hiểm, đoàn đã có mặt bên dòng suối Nậm Chim.

Chỉ tay vào dòng nước suối cuồn cuộn dâng cao sau cơn mưa lớn đêm qua, ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho hay: “Bình thường lòng suối chỉ rộng chừng 20m, nước lên rộng tới 50m, nước sâu lút đầu người lớn, chảy xiết. Nhưng giờ, có cầu bắc qua suối rồi thì nước lên không còn đáng sợ nữa”.

Quả thật, đoàn xe máy dễ dàng bon bon vượt qua cây cầu bê tông cốt thép khang trang rộng khoảng 3,5m, dài khoảng 100m vừa được đưa vào sử dụng. Cùng thời điểm này, một tốp trẻ em vừa tan trường về, vừa cười nói vừa tung tăng bước qua cầu.

Vừa qua cầu, chúng tôi bắt gặp anh Sùng A Lầu, Trưởng bản Huổi Hạ đang chở một bao khoai sang trung tâm xã bán. Anh Lầu cho biết, khi chưa có cầu người dân đi lại rất khó khăn, khi mưa lũ nước dâng cao thường xuyên có khi đến 5-6m, không thể đi qua, nông sản và vật nuôi làm ra không mang đi bán được, thậm chí nhiều ngày không thể vận chuyển ra ngoài được.

“Giờ có cầu đi lại đỡ hơn rất nhiều, các mặt hàng nông sản như ngô, khoai, sắn được vận chuyển thuận tiện hơn nên giá cao hơn, giúp bà con được ổn định hơn trước. Trẻ con không phải chui túi nilon, người lớn cũng không phải lội qua suối nữa. Có cây cầu, trẻ an toàn đến trường, chúng tôi cũng an tâm sản xuất”, anh Lầu nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, thầy Lò Văn Yên, giáo viên Trường tiểu học số 1 Na Sang cho biết đã công tác tại trường được 6 năm. Ở trong bản có 9 thầy, cô giáo đang công tác tại 2 điểm trường của cấp mầm non và tiểu học. Vào mùa lũ, thầy cô phải chèo bè qua suối, mỗi lần đi qua chỉ có thể đi một người nên mất rất nhiều thời gian, trung bình mỗi lần qua suối mất đến 30 phút, có hôm nước to phải mất cả ngày chờ nước rút. Nhiều người và xe từng rơi xuống suối, rất may chưa ai làm sao.

“Nhưng thương nhất vẫn là các em học sinh. Bọn trẻ đội sách vở trên đầu lội qua suối, ngày nắng cũng đánh rơi sách vở, ướt quần áo thường xuyên. Ngày mưa lũ nước suối dâng cao, bọn trẻ không lội qua được nên phụ huynh phải cho con chui vào túi nilon rồi bơi đẩy qua suối. Phụ huynh đẩy con qua sông rồi lại bơi về cũng ướt hết quần áo, lại nguy hiểm nên nhiều người muốn con nghỉ học”, thầy Yên kể.

Hết cô lập nhờ cầu mới

img
Toàn cảnh cầu Huổi Hạ

Theo thầy Yên, trước kia đi từ trung tâm xã vào bản Huổi Hạ rất khó khăn, tuy chưa đầy 20km nhưng phải đi mất 5 tiếng vì đường nhỏ khó đi và phải lội suối. Nay vừa có cầu mới, con đường lại được đơn vị thi công mở rộng nên thời gian từ trung tâm xã vào bản chỉ mất khoảng 1 tiếng.

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Nang Sang, huyện Mường Chà (Điện Biên) cho biết, người dân bản Huổi Hạ chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp như trồng ngô, khoai, sắn, trồng rừng và nuôi trâu, bò. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của bản trong năm vừa qua là khoảng 70%.
Liên quan đến con đường từ trung tâm xã vào bản dài khoảng 20km, hiện nay đã được đầu tư đổ bê tông 50%. Đoạn đường còn lại tuy là đường đất nhưng đã được mở rộng và làm nền để chờ UBND huyện đầu tư sau.


Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết, thời điểm trước khi có cây cầu, vào mùa mưa tất cả bà con bản Huổi Hạ bên suối Nậm Chim hoàn toàn bị cô lập. Trong bản có 76 hộ với 514 nhân khẩu.

“Vào mùa khô, người dân, học sinh sử dụng bè, mảng, thậm chí lội bộ qua suối khiến việc học hành và phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, hàng hóa nông sản sản xuất không thể tiêu thụ được. Đã có nhiều người và phương tiện như xe máy của người dân rơi xuống suối, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây thiệt hại không nhỏ. Còn về mùa mưa thì có tình trạng học sinh chui vào túi nilon như báo chí đã phản ánh và nước lũ dâng cao thì chẳng ai qua lại suối được”, ông Pó nói và cho biết những ngày ấy, người dân nơi đây sợ nhất là trong bản có người ốm đau, nhất là vào ban đêm thì không cách nào vượt suối đi bệnh viện được.

Đến năm 2019, khi có dự án làm cầu bắc qua suối Nậm Chim, bà con nhân dân và chính quyền địa phương rất phấn khởi và ủng hộ nhiệt tình, nhiều người dân còn hiến đất để công trình được sớm hoàn thành. Tháng 2/2020, khi cầu được hoàn thành, mọi người đi lại rất thuận tiện.

Vẫn mong một con đường

img
Hình ảnh học sinh phải chui túi nilon vượt suối chỉ còn là ký ức

“Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đường bê tông đi vào bản nên việc đi lại, nhất là vào mùa mưa vẫn còn khó khăn. Chúng tôi mong muốn Nhà nước mở cho dân bản một con đường mới để an tâm sản xuất, ổn định đời sống”, ông Pó nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đạt Long, Giám đốc Ban Bảo trì đường bộ Điện Biên (Sở GTVT tỉnh Điện Biên) cho biết, cầu Huổi Hạ ở xã Na Sang huyện Mường Chà thuộc dự án Lramp, được khởi công xây dựng vào ngày 25/10/ 2019, có số vốn là 5,7 tỷ đồng do Tổng cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban QLDA chuyên ngành là Ban QLDA4 có ký hợp đồng với Ban Bảo trì đường bộ tỉnh Điện Biên để phối hợp thực hiện quản lý dự án Lramp tại địa bàn tỉnh Điện Biên. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại và Xây Dựng Số 6, đến tháng 2/2020 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Thanh Kiên – Phó Giám đốc Phụ trách Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết: “Đối với các công trình cầu Huổi Hạ nói riêng và các công trình cầu nói chung, sau khi hoàn thành, các công trình góp phần to lớn về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh. Cơ bản giải quyết được vấn đề cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có điều kiện khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ”.

“Điện Biên là một trong tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước, có nguồn thu thấp, chưa cân đối được ngân sách. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu là rất cần thiết và cấp bách, trong đó đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông liền mạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội là điều tất yếu. Hiện, tỉnh đã tổ chức rà soát và có văn bản đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án. Đồng thời quan tâm, xem xét chấp thuận bổ sung danh mục cầu và hợp phần đường vào dự án LRAMP tại tỉnh Điện Biên. Trong đó hợp phần cầu kiến nghị bổ sung 108 công trình cầu, cống. Hợp phần đường kiến nghị đầu tư 360,75km.” Ông Kiên cho biết thêm.

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Điện Biên, thực hiện chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020, tỉnh Điện Biên được phê duyệt với tổng mức đầu tư 350,34 tỷ đồng. Trong đó, có 6 cầu treo tương đương với 35,34 tỷ đồng; cầu thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương - dự án LRAMP là 68 cầu, cống với số vốn 247,66 tỷ đồng, số cầu còn lại chưa có nguồn vốn 14 cầu/67,35 tỷ đồng.

Đến nay, qua 5 năm triển khai thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt thiết kế 63/74 cầu, cống. Trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 6/6 cầu treo. Hiện đã có 57/68 cầu đưa vào sử dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.