Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo đánh giá về tình hình hoạt động của liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Đây là dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam với 4 nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI; Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hoá chất Mitsui của Nhật Bản. Trong đó, nhà đầu tư Kuwait và Nhật Bản chiếm phần vốn lớn, PVN chỉ chiếm 25,1% vốn.
Báo cáo của PVN chỉ ra, trong năm 2018, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) lỗ kế hoạch 1.379 tỷ đồng, doanh thu đạt 29.323 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch năm. Ngoài ra, việc bù thuế do bao tiêu sản phẩm dự án cũng là vấn đề khiến PVN lo lắng nhiều năm nay. Cụ thể, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trong khi đó, theo thỏa thuận giữa Chính phủ (do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư), dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Do đó, mỗi năm PVN sẽ phải bù 1,5 - 2 tỷ USD cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong 10 năm đầu vận hành để bù lỗ cho dự án này, chưa kể số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho nhà máy để đầu tư các hạng mục công trình.
Theo PVN, hiện Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bù thuế do bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Lý do là chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết trong việc tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVN đối với các khoản thanh toán chi phí bù thuế nhập khẩu.
Trước đó, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng hồi giữa tháng 7/2018, PVN từng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan tới bao tiêu sản phẩm cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. PVN cũng kiến nghị nguồn để bù chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ với dự án này, cũng như cơ chế hoàn trả tiền PVN phải bù cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành cơ chế rõ ràng về nguồn tiền và cách thức triển khai để PVN thực hiện. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính và cơ chế hoàn trả số tiền PVN thực hiện để bù chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Được biết, liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được đầu tư với tổng số vốn 9 tỷ USD. Cuối năm 2018, dự án này chính thức vận hành thương mại với công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nếu chạy hết công suất thiết kế, sản phẩm của Nghi Sơn sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước và được kỳ vọng góp phần quan trọng đưa Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa cũng như thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của cả vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ và khu vực Bắc Trung Bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận