Chuyện dọc đường

Nỗi lo… mất Tết

25/01/2022, 06:51

Đối với người Việt, Tết là dịp đoàn viên. Niềm hạnh phúc đầu năm mới chỉ thật sự trọn vẹn khi mọi thành viên trong gia đình được sum vầy.

Từ Bình Dương, anh G. gọi điện về trạm y tế xã ở quê anh ngoài Bắc, hỏi xem nếu anh về quê nghỉ Tết thì cần những điều kiện gì.

Dù anh G. khai báo đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng cán bộ ở trạm y tế xã vẫn cho rằng trường hợp như anh nếu về quê vẫn phải cách ly 7 ngày.

img

Khi về quê, người dân cần nghiêm túc khai báo y tế đầy đủ trên app PC-Covid, thực hiện 5K ở mức cao nhất. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Năm nay công ty của anh cho nghỉ Tết được hai tuần, nếu trừ thời gian đi lại và thời gian cách ly, chỉ còn khoảng 5 ngày được ăn Tết đúng nghĩa. Anh G. nhẩm tính rồi hủy vé xe, quyết định ăn Tết xa quê một năm nữa.

Trường hợp như anh G. không phải hiếm. Nếu có dịp lân la ở những khu công nghiệp lớn mấy ngày gần đây, chúng ta sẽ thấy nhiều công nhân quyết định không về quê ăn Tết, nguyên do phần lớn là họ lo ngại các quy định về cách ly phòng dịch ở quê nhà.

Hồi đầu tháng Chạp, thời điểm những người dân xa xứ gắng sức làm việc những ngày cuối năm để có thể về quê đón một cái Tết ấm áp bên gia đình, thì chính quyền một số địa phương bắt đầu có những động thái nhằm hạn chế người dân về quê.

Có địa phương còn ra hẳn “thư ngỏ” để vận động, kêu gọi người dân không nên về quê ăn Tết. Việc một số hộ dân đã “trót lỡ” về quê để ăn Tết, sẵn sàng chấp nhận cách ly nhưng vẫn bị cán bộ xã đến khóa trái cổng nhà khiến người dân không khỏi bức xúc và ngần ngại hồi hương.

Mới đây, ngày 22/1, Bộ Y tế đã gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân về quê dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch và không phải cách ly y tế.

Trước đó, trong Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 11/10/2021 cũng nêu rõ, các tỉnh, thành “linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”.

Tuy Nghị quyết đã nêu rất rõ như vậy, nhưng đâu đó ở các địa phương vẫn xuất hiện tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, “phép vua thua lệ làng”. Dĩ nhiên, khổ nhất vẫn là người dân.

Năm ngoái, khi tình hình dịch bệnh có những diễn biến khó lường và cả nước chưa được tiêm vaccine nên nhiều người dân đã chấp nhận ăn Tết xa nhà nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng.

Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán năm nay, khi tỉ lệ bao phủ vaccine gần đạt 100% đối với mọi người dân trên 18 tuổi, thì việc cản trở, ngăn cấm người dân về quê ăn Tết hoặc buộc phải cách ly trong khi họ không hề nhiễm bệnh là điều hết sức phi lý.

Đối với người Việt, Tết là dịp đoàn viên. Niềm hạnh phúc đầu năm mới chỉ thật sự trọn vẹn khi mọi thành viên trong gia đình được cùng nhau sum vầy.

Những năm gần đây, hiện tượng di cư đi lao động tại các khu công nghiệp lớn diễn ra ồ ạt, hàng triệu người dân phải li hương xa xứ làm ăn, do vậy mà hầu như chỉ có dịp Tết nhiều gia đình mới đông đủ thành viên.

Mong rằng các địa phương tạo điều kiện cho bà con được về quê đón một cái Tết đúng nghĩa sau những tháng ngày vất vả nơi đất khách quê người, đừng để bà con mất Tết bởi vì các quy định chống dịch cực đoan.

Quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K, hạn chế đi chúc Tết, tụ tập chơi bời nhậu nhẹt, ăn uống… Chúng ta không nên quá hoang mang để rồi cấm cản người dân, nhất là trong một dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán.

Trương Chí Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.