Chất lượng sống

Nỗi lo “ngáo đá” chưa có phác đồ điều trị

18/06/2017, 10:05

Số lượng người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy đá đang dần tăng lên.

16

Học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Cai nghiện Thủy Nguyên - Hải Phòng - Ảnh: Duy Đăng

Khó kiểm soát ma túy tổng hợp

Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, Việt Nam hiện có hơn 200 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, tuy nhiên phần đông trong số đó là người nghiện heroin. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng người nghiện ma túy tổng hợp nhiều hơn hình thức nghiện truyền thống.

“Tại các cơ sở cai nghiện của Bộ LĐ,TB&XH, có tới 60-70% người nghiện đang cai có sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Do Bộ Y tế chưa ban hành được phác đồ điều trị đặc hiệu, nên công tác cai nghiện cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Biện pháp hiện nay được các trung tâm cai nghiện áp dụng chủ yếu là tư vấn, giáo dục, nâng cao kỹ năng sống, tăng cường sức khỏe”, ông Hiền nói. Mặt khác, ông Hiền cũng thừa nhận, khả năng nhận biết, phân biệt người dùng ma túy thường hay ma túy đá rất khó. Chỉ một số ít trường hợp điển hình, sau khi dùng ma túy đá sẽ có hiện tượng phê ma túy, gặp ảo giác và có những hành vi như: Trèo lên cột điện, đâm chém người thân, tự hủy hoại bản thân, chui xuống cống…

Theo ông Lê Tiến Trung, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ pháp luật, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), ma túy tổng hợp được bào chế ở nhiều loại, nhiều tên gọi khác nhau và ra đời hàng tuần, hàng tháng mà các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa kịp liệt kê vào danh mục cấm, đang từng ngày, từng giờ đầu độc giới trẻ.

Thay đổi phương thức cai nghiện

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ,TB&XH thực hiện đổi mới toàn diện công tác cai nghiện. Để làm được việc này, Bộ LĐ,TB&XH đang tiến hành quy hoạch lại mạng lưới trung tâm cai nghiện; Thay đổi cách tiếp cận đối tượng; Thực hiện đẩy mạnh công tác cai nghiện tại cộng đồng. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua Bộ LĐ,TB&XH đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện. Dự thảo đề cập tới nhiều điểm mới như: Đơn giản hồ sơ để thực hiện cai nghiện tự nguyện, bắt buộc. Đề nghị hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, mức hỗ trợ có thể bằng 70% mức cai nghiện bắt buộc tại trung tâm (hiện là 960 nghìn đồng/người/tháng).

Thủ tướng Chính phủ đã giao TAND Tối cao nghiên cứu về mô hình “Tòa án ma túy” - một mô hình về tư vấn, quản lý, giảm hại cho người nghiện. Khi người nghiện được phát hiện thì tòa án sẽ hỗ trợ cai nghiện, trong trường hợp người nghiện phạm tội hoặc vi phạm thì sẽ bị xử lý. Điểm đặc biệt của mô hình này chính là việc mọi vấn đề đều được xem xét công khai, mọi sự hỗ trợ, tư vấn, cai nghiện, giảm hại hay xử lý đều được thực hiện trong một vòng tròn khép kín.

Ông Trần Quốc Thông, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa cho biết, hiện toàn tỉnh đang quản lý gần 1.200 hồ sơ của người nghiện ma túy ở 85 xã, phường, thị trấn. Tính tới thời điểm hiện tại, Khánh Hòa đã thành lập ba cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, 30 xã, phường, thị trấn ở Khánh Hòa đã thực hiện mô hình hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị ngay tại cộng đồng. “Qua thực hiện, hoạt động cai nghiện tại cộng đồng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người dân, đặc biệt là người nghiện và gia đình của họ. Kết quả thực hiện cũng cho thấy, hoạt động cai nghiện tự nguyện đạt hiệu quả cao bởi có gia đình và cộng đồng hỗ trợ”, ông Thông nói.

BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) nhận định, công tác cai nghiện cho nhóm nghiện ma túy tổng hợp vẫn chưa đạt hiệu quả, bởi chưa có phác đồ điều trị mới. “Việc cai nghiện còn thực hiện đại trà, chưa có tư vấn phân loại cụ thể. Ví dụ, với mỗi đối tượng cần xác định họ là người mới sử dụng chất gây nghiện hay đã bị nghiện, như vậy mới có phương án cai nghiện và dự trù được thời gian phục hồi của bệnh nhân chính xác”, BS. Oanh nói và cho rằng, việc gia đình xa lánh, hàng xóm tránh mặt cũng là nguyên nhân đẩy người nghiện tới chỗ phải sử dụng ma túy nhiều hơn. Việc cai nghiện tại cộng đồng đòi hỏi sự quyết tâm cao độ của bệnh nhân và cả người thân của họ. Chính vì vậy, bác sĩ cũng kêu gọi gia đình, cộng đồng, đơn vị có liên quan chung tay hỗ trợ giúp các đối tượng cai thành công”, BS. Oanh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.