Văn hóa - Giải Trí

Nỗi lo sáp nhập thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa cấp tỉnh

31/05/2018, 08:10

Nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng bày tỏ sự lo ngại khi sáp nhập thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa cấp tỉnh...

19

Hoạt động ngoại khóa của các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Phúc, TP Yên Bái được tổ chức tại Thư viện tỉnh Yên Bái

Đưa 3 củ khoai vào một rọ

Thời gian qua, một số địa phương trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có chủ trương và triển khai sáp nhập thư viện cấp tỉnh, huyện với các cơ sở văn hóa khác như: Bảo tàng, Ban quản lý di tích, trung tâm văn hóa...

Ông Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Thư viện tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, việc sáp nhập hiện nay chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 08/NQ-CP. Hai nghị quyết này chỉ đề cập đến việc kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có và việc thành lập mới chỉ được thực hiện tại các địa phương có nhu cầu và điều kiện cho phép. Mặt khác, trên thế giới cũng chưa thấy mô hình nào sáp nhập như vậy. Người ta chỉ sáp nhập những mô hình hoạt động có cùng chức năng và nhiệm vụ giống nhau.

Ở cấp tỉnh có Long An, Lai Châu và Kon Tum, Tỉnh ủy đã có nghị quyết, kế hoạch triển khai sáp nhập thư viện tỉnh với bảo tàng, Ban Quản lý di tích tỉnh; Lào Cai sáp nhập thư viện tỉnh với trung tâm văn hóa. Ở cấp huyện có huyện Cao Phong (Hòa Bình), TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), huyện Côn Đảo, Châu Đốc (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), quận Ninh Kiều (Cần Thơ) sáp nhập với trung tâm văn hóa, Đài Truyền thanh huyện. Riêng thư viện TP Bắc Kạn sáp nhập về thư viện tỉnh…

Ông Đỗ Đình Nguyên (Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Nguyên) lo ngại, văn hóa đọc của Việt Nam còn rất thấp so với mặt bằng chung thế giới. Khi chúng ta đang loay hoay chấn hưng văn hóa đọc bằng nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động thư viện phục vụ bạn đọc, việc sáp nhập thư viện với các đơn vị không cùng chức năng sẽ tạo nên nhiều hệ lụy và nguy cơ dẫn đến làm suy giảm, xuống cấp môi trường đọc và học tập suốt đời của người dân tại các địa phương.

Bên cạnh đó, thư viện, bảo tàng và trung tâm văn hóa là các thiết chế văn hóa có chức năng, nhiệm vụ, quy trình chuyên môn nghiệp vụ không giống nhau. Điều này đã được quy định tại Luật Di sản văn hóa và Pháp lệnh thư viện. Do vậy, khi tiến hành sáp nhập, các nhà quản lý cần nghiên cứu để lựa chọn các đơn vị có chức năng tương đương nhau.

Thực tế, việc sáp nhập thư viện huyện vào trung tâm văn hóa đã được một số địa phương thực hiện từ nhiều năm nay, còn việc sáp nhập thư viện tỉnh vào cơ quan khác mới triển khai gần đây. “Có thời kỳ nhiều thư viện tỉnh nằm dưới sự quản lý của cơ quan khác chứ không trực thuộc Sở VH,TT&DL. Điều này gây trở ngại lớn cho hoạt động thư viện nên Nhà nước đã có điều chỉnh để thư viện tỉnh trở thành cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng”, ông Kiều Văn Hốt (nguyên Phó giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam) nói và cho biết thêm. “Nếu cứ sáp nhập một cách ồ ạt, mang tính cơ học, thư viện tỉnh sẽ mất vị trí vài trò đối với bạn đọc và tổ chức hoạt động sẽ khó khăn”, ông Hốt nhấn mạnh.

Nguy cơ thất lạc tài liệu

Thực tế, đã có những bài học khi một số thư viện sau bị sáp nhập đã không còn thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, không phát huy được hiệu quả phục vụ nhu cầu khai thác và sử dụng thông tin của người dân; dẫn đến hiện tượng thất thoát, hư hỏng, mai một khối lượng lớn sách, tài liệu khá phổ biến. Điển hình là có hàng chục nghìn tài liệu của Thư viện Y học Việt Nam thuộc Bộ Y tế bị cất kho không khai thác được, hàng vạn bản tài liệu của Thư viện Uông Bí bị hư nát phải tiêu hủy.

Mặt khác, tại các thư viện huyện đã sáp nhập vào trung tâm văn hóa, thời gian dành cho hoạt động chuyên môn thư viện bị cắt xén, cán bộ thư viện bị điều động làm các việc bề nổi như phục vụ các triển lãm và hoạt động văn hóa văn nghệ của trung tâm. Tuy nhiên, với biên chế một, hai người, việc sáp nhập thư viện huyện vào trung tâm văn hóa là có thể chấp nhận. Còn ở cấp thư viện tỉnh lại khác, vì quy mô hoạt động và tổ chức bộ máy lớn hơn.

Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, triển khai đề án đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập, thư viện là một môi trường đọc cần phải được quan tâm, không thể sáp nhập với thiết chế khác.

Ngày 11/5, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản yêu cầu Bộ VH,TT&DL khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống thư viện công cộng hiện nay trên tất cả các mặt hoạt động, đề xuất cụ thể việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng theo tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2018. Đồng thời, yêu cầu các địa phương trong cả nước chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ VH,TT&DL trong xây dựng chủ trương, kế hoạch kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng của địa phương mình

Nghĩa là chỉ còn một ngày nữa là hết tháng 5, Bộ VH,TT&DL và các đơn vị phải trả lời Thủ tướng việc sáp nhập. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, người đứng đầu các đơn vị bị sáp nhập vẫn đau đáu nỗi lo sáp nhập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.