Thị trường

Nỗi lo thiếu điện cận kề, EVN trình Chính phủ gấp

01/04/2022, 09:30

EVN đánh giá việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, đơn vị này đã trình Thủ tướng nhiều giải pháp tháo gỡ...

Bao giờ thiếu điện?

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ khó khăn trong cung ứng điện toàn quốc giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, EVN tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc theo 2 kịch bản phụ tải.

Kịch bản phụ tải cơ sở xây dựng là đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% và dự báo nhu cầu điện tăng trưởng gần 9%/năm.

img

Nguy cơ thiếu điện, EVN đề xuất cơ chế thúc đẩy phát triển NLTT khu vực miền Bắc

Còn kịch bản phụ tải cao để chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh. Trong đó dự báo tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là 11,5% và các năm 2023-2025 bình quân 10,36%/năm.

Tuy nhiên, EVN đánh giá việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt đối với khu vực miền Bắc, nơi nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.

Trong khi đó, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.

"Do đó, việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5,6,7 - là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.

Trong khi, việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV Bắc - Trung", EVN thông tin.

Đối với khu vực miền Trung, miền Nam, dù đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022-2025 nhờ tập trung nhiều nguồn điện gió và điện mặt trời.

Song trong trường hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao, hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ thì vẫn tiềm ẩn khó khăn.

Như vậy, ngay cả việc đảm bảo cung ứng điện theo kịch bản thấp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều dự án nguồn điện lớn vào chậm tiến độ.

Cộng với việc thiếu than ngay từ quý I, khiến nhiều tổ máy của các nhà máy điện than đã dừng sản xuất điện, EVN cũng dự báo nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

Cần cơ chế thúc đẩy phát triển NLTT khu vực miền Bắc

Ngoài việc khẩn trương các nhóm giải pháp về vận hành, về bổ sung nguồn cung, về tăng cường năng lực truyền tải, EVN còn tính toán nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

Cụ thể, nhập khẩu khoảng 680 MW điện từ Lào về bổ sung cho miền Bắc.

Đối với Trung Quốc, đàm phán linh hoạt nhập khẩu điện qua các đường dây 220 kV hiện hữu, với công suất tối đa khoảng 550 MW đến năm 2025 và tăng công suất lên 2.000 MW từ năm 2025, qua các trạm Back-To-Back do phía Trung Quốc đầu tư.

Bên cạnh đó, EVN cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư các hệ thống pin tích trữ (BESS) tại miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh.

Đáng chú ý, kiến nghị sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc được EVN đánh giá là giải pháp nhanh nhất nhằm tránh nguy cơ thiếu điện khi nguồn điện này có thể đưa vào vận hành trước năm 2025.

Đồng thời, khuyến khích khách hàng đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ và tiết kiệm chi phí mua điện của khách hàng tại khu vực miền Bắc.

Về vấn đề thiếu than, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các nhà cung cấp than lớn Tập đoàn Than Khoáng sản TKV, Tổng công ty Đông Bắc tăng cường cung cấp than trong nước cho các đơn vị phát điện;

Không tăng giá than trong nước bán cho hoạt động sản xuất điện cũng như giá than trong nước tính toán trong phương án phối trộn than. Công khai minh bạch giá than nhập khẩu để có giá than pha trộn phù hợp, không tăng quá cao.

EVN cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành kiểm soát giá than trong điều kiện giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.