Xã hội

Nỗi lòng những chiến binh áo trắng nơi tâm dịch

24/05/2021, 10:00

Số ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang vẫn tăng từng ngày, những “chiến sĩ áo trắng” vẫn ngày đêm lăn xả, “gác tình riêng” đi kiểm soát dịch…

img

Các y, bác sĩ ngày đêm lấy mẫu xét nghiệm giữa tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang

Tới thời điểm này, đã có hơn 900 ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang. Những con số vẫn tăng từng ngày, những “chiến sĩ áo trắng” vẫn ngày đêm lăn xả, “gác tình riêng” kiểm soát dịch…

Thường xuyên đi qua nhà mà chưa về được

Chưa bao giờ hình ảnh các “chiến sĩ áo trắng” lại xuất hiện nhiều đến thế tại Việt Yên, Bắc Giang, bất kể ngày đêm, mưa nắng… Được phân công phụ trách lĩnh vực truy vết dịch Covid-19, dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên ngày nào cũng làm việc từ sáng tinh mơ đến đêm muộn.

“Từ hôm địa phương có ca dương tính ở khu công nghiệp, đêm nào ngủ nhiều thì được 3 tiếng nhưng cũng chập chờn vì công việc còn chưa dứt…”, chị Kim Anh cho hay.

Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên kể, chỉ riêng công việc báo cáo các ca bệnh, truy vết các trường hợp tiếp xúc trên địa bàn mà 3 người làm không xuể. “Công việc cứ quay cuồng. Điện thoại cấp trên chỉ đạo liên tục, nhiều lúc nghe số ca bệnh tăng thêm từng giờ, từng ngày mà tim đập mạnh, lồng ngực như muốn vỡ ra”, chị Kim Anh nói.

Cường độ công việc cao nhưng BS. Hoàng Văn Luận (Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế Việt Yên) vẫn tranh thủ tếu táo để quên bớt nỗi mệt nhọc. “Đợt dịch ập đến huyện Việt Yên khiến mỗi người lại có cơ hội giảm đi được vài cân bởi ăn uống thất thường, ngủ thì ít, việc nối việc không ngừng nghỉ”, anh Luận nói.

Là Trưởng khoa Xét nghiệm, từ khi có dịch, anh Luận vừa phải đi làm, vừa nghe điện thoại phối hợp với cơ quan chuyên môn kể cả nửa đêm hay sáng tinh mơ. Cứ thêm các ca dương tính, anh lại cùng các cán bộ của Trung tâm Y tế chuẩn bị máy móc, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, bình phun, đồ bảo hộ… lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Còn theo chia sẻ của BS. Diêm Đăng Đích (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên), đều đặn 5h sáng hàng ngày, các bác sĩ và điều dưỡng đã có mặt, quần áo bảo hộ đầy đủ để chuẩn bị bắt đầu công việc.

Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được mọi người thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự.

“Công việc của mình là vậy, dịch bệnh ập đến, không còn cách nào khác. Mình bảo vợ, chẳng may có trở thành F0 trong quá trình làm việc cũng phải chấp nhận”, anh Đích nói.

Nhà chỉ cách Trung tâm Y tế huyện chừng 1km, nhiều ngày lướt qua nhà mà anh chưa có giây phút nào ghé qua. Có chăng chỉ là những cuộc gọi vội vàng về cho gia đình khi tranh thủ ngưng nghỉ công việc trong chốc lát.

Cùng với chị Kim Anh, anh Luận, anh Đích, các cán bộ Trung tâm Y tế huyện Việt Yên đều lần đầu tiên đối mặt với đợt dịch bệnh “khủng” nhưng tất cả gác lại chuyện riêng lăn xả trong trận chiến này với mong mỏi “Bắc Giang sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19”.

Nhận lệnh lên đường, chưa biết ngày nào về nhà

Cũng tại vùng tâm dịch Việt Yên, chị Trần Thị Thùy Dung, điều dưỡng của Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang được điều động về đây để hỗ trợ các đồng nghiệp khi dịch bệnh đang lan chóng mặt trong các khu công nghiệp.

Tập huấn ngày hôm trước, sáng sớm hôm sau chị Dung và các đồng nghiệp đã nhận được thông báo khẩn về Việt Yên lấy mẫu bệnh phẩm Covid-19 cho công nhân.

“Thời gian quá gấp, nhận lệnh xong chỉ có 15 phút chuẩn bị là lên xe. Mọi người còn không kịp mang cho mình thứ gì, chỉ nghĩ đến đó lấy mẫu bệnh phẩm xong rồi về.

Không ngờ, ổ dịch ở Công ty Hodisen Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) quá nhiều và tần suất lấy mẫu lớn”, chị Dung kể.

Ngày đầu đến làm, Dung kể cô và đồng nghiệp chưa chuẩn bị được gì. Vừa đói, khát nước và lại mang đồ bảo hộ kín mít, đến thở còn khó và mệt nhưng suốt cả buổi phải liên tục đứng lấy mẫu bệnh phẩm.

Dù chia làm 2 ca mỗi ngày (từ 7h sáng và từ 7h tối) nhưng có ngày kỷ lục Dung và các đồng nghiệp làm một mạch tới khi giãn bớt công nhân, ngẩng đầu nhìn đồng hồ đã gần 5h sáng.

Sau 1 tuần lấy mẫu triền miên, số ca dương tính cũng tăng nhanh, được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Hải Dương, Quảng Ninh, đội của Dung được nghỉ, hiện đang cách ly và chờ xét nghiệm để xác định nếu âm tính mới tiếp tục được “ra trận”.

Thế nhưng, cách ly mới được 2 hôm, Dung chia sẻ: “Em bứt rứt chân tay lắm, mọi người còn đang đến hỗ trợ Bắc Giang mà mình phải cách ly, em chỉ mong được lấy mẫu thật nhanh, nếu âm tính em sẽ làm tiếp, ngồi im khi tỉnh đang có dịch sốt ruột lắm”.

Không thuộc nhóm điều động đi lấy mẫu, đồng nghiệp của chị Dung, BSCK.II Hoàng Vân Yến, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang bám trụ lại bệnh viện. Những công việc nơi đây cũng không kém phần cam go. Bởi, chính tại khoa của chị đã trở thành nơi cách ly cho hơn 30 sản phụ đều là F1, F2.

“Đợt dịch này xảy ra ở Bắc Giang đều là những người trẻ, rất nhiều người đang trong độ tuổi sinh đẻ nên khoa cũng phải có khu cách ly cho sản phụ. Nếu sản phụ dương tính sẽ được chuyển sang khu điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, dù chỉ là F1, F2 nhưng nguy cơ lây nhiễm luôn hiện hữu. Hơn nữa, bình thường bà bầu chỉ cần hắt hơi, sổ mũi đã lo thót tim nhưng đây là đại dịch Covid-19 nên ai cũng lo sợ ảnh hưởng tới cả mẹ và em bé”, BS. Yến chia sẻ.

Cũng chính vì đặc thù như vậy nên các bác sĩ trong khoa phải đi động viên, tư vấn từng người để mọi người ổn định tâm lý. Vừa chăm sóc sức khỏe, tinh thần vừa sàng lọc, phân luồng chống nhiễm khuẩn chéo... trong những ngày qua, chị cùng các đồng nghiệp cách ly tại bệnh viện nên mọi việc gia đình phó mặc lại cho chồng con tự lo liệu.

Không nói nhiều về những vất vả của mình, BS. Yến cho hay: “Ngày ngày tôi vẫn nhận những thông tin từ đồng nghiệp của mình đang lấy mẫu dưới khu công nghiệp gửi về. Có em nhắn vội: “Con em ốm, quấy quá mà em không về được…”, “Có lúc khát khô họng mà việc nhiều không dừng được…”.

Chỉ nghĩ tới những đồng nghiệp đang xa con, xa gia đình, quấn mình trong bộ bảo hộ mà thấy thương vô cùng. Chỉ mong dịch nhanh chóng qua đi để bình yên trở lại”.

Không chỉ 100% lực lượng y tế Bắc Giang đã được huy động, đến thời điểm này đã có 5 tỉnh, thành chi viện cho tỉnh Bắc Giang về nhân sự để chống dịch. Cụ thể, gần 600 y, bác sĩ từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên và Yên Bái đã được điều động, tình nguyện vào tâm dịch.

Cùng đó, là hàng ngàn bộ sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch… được gửi đến để cùng ngành y tế Bắc Giang, cán bộ và nhân dân Bắc Giang đẩy lùi dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.