Xã hội

Nỗi lòng tiếp viên hàng không trong mùa dịch

16/03/2020, 08:34

Có không ít bình luận kỳ thị, thậm chí mang tính tẩy chay, khiến tiếp viên đầu tiên của Vietnam Airlines nhiễm Covid-19 không khỏi mủi lòng.

img
Tiếp viên Lưu Phương Anh bế và dỗ dành một em bé hộ bà của em trên chuyến bay VN36 ngày 10/3/2020 từ Paris (Pháp) về Hà Nội

Việc tiếp viên hàng không đầu tiên của Vietnam Airlines từ châu Âu trở về được xét nghiệm dương tính với Covid-19 khiến cả cộng đồng tiếp viên của hãng này “choáng váng”.

Càng đau đớn hơn, đằng sau thông tin này, bên cạnh những sẻ chia, cảm thông, lo lắng, cũng có không ít những bình luận kỳ thị, thậm chí mang tính tẩy chay, khiến người trong cuộc không khỏi mủi lòng.

Một tiếp viên của Vietnam Airlines chua xót viết những dòng này trên trang facebook cá nhân của mình: “Có những chuyến bay dài, tiếp viên phải đeo khẩu trang liên tục mười mấy giờ đồng hồ, tính từ khi ra khỏi nhà đến khi lên máy bay, hạ cánh và về khách sạn. Vệt khẩu trang xước hằn lên má, thậm chí làm rách cả mang tai”.

“Tới châu Âu giữa lúc dịch bệnh đang lan tràn, đeo khẩu trang bảo vệ bản thân khi đi mua đồ ăn thì bị kỳ thị, bị quay phim, chụp ảnh, bị lườm nguýt, thậm chí là dọa đánh, đuổi. Còn “bỏ khẩu trang ra, hoặc là hãy ra khỏi đây”, trong khi thực phẩm thì nước bạn không cho mang vào, ngoài mỳ tôm. Đến khi lên máy bay về nước lại đối diện với mối lo bị “bốc” đi cách ly 14 ngày, chẳng kịp gặp chồng con, bố mẹ. Và giờ đây là sự kỳ thị, dằn hắt, thậm chí cả chửi rủa”.

Tâm sự của nữ tiếp viên hàng không được viết ra khi hình ảnh một tiếp viên khác vừa bế vừa dỗ dành một em bé 2 tháng tuổi giúp bà của em trên suốt chuyến bay đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội; Hay hình ảnh một nữ tiếp viên trưởng quỳ xuống bên một vị khách lớn tuổi đi xe lăn để an ủi khiến nhiều người trào nước mắt…

Thậm chí, mới đây thôi, họ còn là những người hùng xung phong bay vào tâm dịch Vũ Hán với 9 giờ đồng hồ liên tục không ăn uống, thậm chí không cả đi vệ sinh, mồ hôi ròng ròng trong bộ đồ bảo hộ kín mít để đưa công dân Việt Nam về nước.

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để yêu thương, chia sẻ, để bao dung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.