Xã hội

Nói "nuôi heo xây biệt phủ" là khinh nhờn pháp luật, coi thường dân

05/09/2017, 18:58

Với những cán bộ công chức giải thích có biệt phủ do "buôn chổi đót, nuôi heo" cho thấy sự khinh nhờn pháp luật.

DB nguyen ba son - da nang

ĐB Nguyễn Bá Sơn - Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.

ĐB Nguyễn Bá Sơn - Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp đã thẳng thắn phát biểu như vậy khi cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, diễn ra chiều 5/9.

Báo cáo đánh giá của Chính phủ cho thấy, kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng. Tuy nhiên, dù tạo được sự thay đổi tích cực, nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá, tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi.

Góp ý vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, ĐB Nguyễn Bá Sơn – Uỷ viên uỷ ban Tư pháp nhận định còn nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chưa được nêu trong báo cáo.

Ông Sơn cho rằng, mỗi khi nhân dân, cử tri phản ánh về biệt phủ của quan chức thì thường đó là ở những tỉnh nghèo, vẫn phải nhận hỗ trợ ngân sách từ T.Ư.

Đặc biệt, khi có vấn đề, các cơ quan thanh tra vào cuộc, cán bộ lại có những giải thích coi thường dư luận, coi thường nhân dân như “bán chổi đót, đi nuôi heo mà có biệt phủ”. “Đây chính là thái độ khinh nhờn pháp luật, coi thường nhân dân. Nếu giải thích thế thì cách đây 30 năm tôi thành đại gia rồi. Là công bộc của nhân dân mà thái độ trả lời trước dư luận thế thì chắc nên cho nghỉ việc chứ không nên để tồn tại”, ông Sơn thẳng thắn.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cũng cho rằng cách lý giải "nhiều tiền là nhờ bán chổi, nuôi heo", chỉ cần nghe thì ai cũng bình luận rằng họ đang coi thường tổ chức, coi thường dư luận, và chỉ như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên.

"Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản “khủng” thì trả lời là do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Dư luận đâu có “mù” mà tin vào những giải thích như vậy. Cái mất lớn nhất là dư luận mất niềm tin" – ông Sáu lưu ý.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng báo cáo “quá cô đọng”, chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân không phải do thể chế, do chủ trương, pháp luật của ta thiếu, nhiều sơ hở nên dẫn đễn tham nhũng, mà nguyên nhân chính là ở khâu tổ chức thực hiện và kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm minh. Vì thế, cần chỉ rõ địa chỉ nơi nào, người nào vi phạm, như thế mới có tính thực chất, răn đe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.