Chuyện dọc đường

"Nỗi sợ" ngành Y và nỗi lo của bệnh nhân nghèo

16/06/2022, 10:39

Thiếu thuốc điều trị, một phần là lãnh đạo các bệnh viện sợ làm sai, một phần do các công ty dược “ngại ngần” sau khi nổ ra vụ Việt Á...

Một buổi sáng, trong hành lang Khoa Tim mạch của một bệnh viện ở trung tâm TP Cần Thơ, bà T., gần 70 tuổi, ngồi bệt bên hành lang, bà vuốt, tỉ mẩn xếp từng tờ giấy bạc nhàu nát và đếm...

Bà nói, chồng bà vừa mấy lần ngưng tim, suýt chết. Giờ đã qua cơn thập tử nhất sinh, ông đã tỉnh táo. Ông bà làm vườn, không dư giả mấy, thời may ông có cái thẻ bảo hiểm y tế.

img

Hai mẹ con bà T. đang gom từng đồng tiền lẻ đi mua thuốc cho người thân đang nằm viện.

Đợt phẫu thuật vừa rồi, chi phí hơn 80 triệu đồng, tính ra ông bà vẫn phải bỏ ra hơn 20 triệu. Ráng mà lo thôi.

Nhưng giờ, thuốc điều trị cho ông, bệnh viện nói đã hết. Bác sĩ cho toa, bà tự ra nhà thuốc mua, bảo hiểm y tế tất nhiên không thể thanh toán.

Mỗi toa thuốc tính ra cả triệu bạc. Bà rối rắm, điện thoại cho con, hết đứa này đến đứa khác, gom tiền, nợ nần tính sau…

Tâm sự thật bên ly cà phê sáng, lãnh đạo một bệnh viện lớn ở miền Tây nói với người viết rằng, tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện đã phát sinh từ hồi đầu năm, chứ không phải bây giờ mới có.

Ông nói, một phần là lãnh đạo các bệnh viện “ngại ngần” sau khi nổ ra vụ Việt Á, làm thì sợ sai khi mở thầu thuốc. Nhưng thực tế, có gói thầu mở công khai song các công ty dược cũng tham gia quá ít.

Ông nói, một số công ty dược khó khăn sau đại dịch, nhưng nguyên nhân chính là các sản phẩm thuốc nhập khẩu của họ chưa được Bộ Y tế gia hạn cấp phép lưu hành.

“Có khoảng 60.000 loại thuốc, nhưng mới có khoảng 10% được gia hạn visa lưu hành, mà chưa được thì làm sao tham gia đấu thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện?

Mặt khác, những sản phẩm được gia hạn visa lưu hành, cũng chỉ có thời hạn đến cuối năm nay. Đến năm tới, lại sẽ dồn ứ. Bộ Y tế đang rối rắm mà…”, vị bác sĩ này trầm tư.

Vị này cũng cho hay, những sản phẩm dược nội địa, các công ty tham gia đấu thầu nhiều nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Rồi cũng có gói thầu, như gần đây Bệnh viện Y học Cổ truyền Cần Thơ chào mời, nhưng không có bất cứ công ty nào tham gia cung cấp (thuốc Nam, bốc theo thang)! Vậy lấy đâu cung cấp cho bệnh nhân?

Thiếu thuốc, người bệnh là những người thiệt thòi nhất, nhất là những bệnh nhân nghèo, chỉ biết bám víu vào chiếc thẻ bảo hiểm y tế khi hữu sự.

Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ họp bàn với lãnh đạo các bệnh viện, cố tìm cách giải quyết khó khăn cho các bệnh nhân nghèo có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, lối ra chưa có. Phương án chỉ là đẩy nhanh việc mời thầu, xúc tiến để có thuốc…

“Giá như có trung tâm mua sắm, cung cấp thuốc, vật tư y tế tập trung, và các bệnh viện chỉ nhận và lo cứu chữa, lo chuyện chuyên môn. Đấu thầu, chúng tôi rối lắm, chúng tôi chỉ biết chữa bệnh”, lãnh đạo một bệnh viện ở miền Tây nói vậy.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người thực hiện rất dễ bị quy kết vi phạm, là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa…

Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện một cách “an toàn”, đâu là “lằn ranh đỏ” không được phép vượt qua.

“Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này.

Đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý, bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, ông Quang cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.