Tài chính

Nơi thổi lửa cho đồ thủ công mỹ nghệ “siêu sang”

31/07/2022, 07:05

Trại Cá được nữ kỹ sư SN 1988 Đào Lê Hồng Mỹ rẽ ngang khởi nghiệp từ năm 2015 với mô hình cửa hàng bán lẻ gồm 5 mặt sàn trên phố Trần Đại Nghĩa.

Dáng người cao gầy, bận quần jean, áo sơ mi xám nhạt, buộc tóc đuôi gà, vai đeo balô, Đào Lê Hồng Mỹ có mặt ở Trại Cá buổi sáng mùa hè gắt nắng. Trại Cá là tên cửa hàng bán lẻ đồ thủ công mỹ nghệ mà Mỹ là người sáng lập cách đây 6 năm.

img

Hàng thủ công mỹ nghệ từ Trại Cá theo chuyến ngoại giao châu Âu mới đây

Những đơn hàng đặc biệt

Rót trà vào cốc gốm Hiên Vân đãi khách, Đào Lê Hồng Mỹ kể, cách đây chưa lâu, chị bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một nhân viên Bộ Ngoại giao đặt 50 bộ quà tặng cho chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao tới châu Âu vừa qua.

Khi nhận được đơn hàng đặc biệt này, Mỹ cùng cộng sự đặt ra yêu cầu, không chỉ quà tặng mà ngay từ khâu đóng gói cũng phải tinh tế, để món quà mang lại cảm xúc và biểu trưng văn hóa Việt.

Trại Cá mang lại cho mình công việc yêu thích và rất thỏa mãn, có thời gian cho gia đình, cuộc sống rất ổn dù không giàu về tiền bạc. Mình được chủ động cuộc sống, đồng thời tạo công ăn việc làm không chỉ nhân viên Trại Cá mà còn cho các lao động ở các làng nghề. Nếu có một thị trường rộng hơn thì đồ thủ công mỹ nghệ sẽ phổ biến hơn.

Đào Lê Hồng Mỹ


Chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam kết thúc, đại diện Bộ Ngoại giao đã gửi các bức ảnh chụp phía Việt Nam trao quà tặng cho chính khách quốc tế, kèm theo phản hồi rất hài lòng về bộ quà tặng.

Đây không phải sản phẩm đầu tiên của Trại Cá được “công du” theo các cán bộ ngoại giao. Trước đó mấy tháng, một vị đại diện của Bộ Ngoại giao đi nhậm chức tại châu Âu cũng đặt hàng một số bộ sản phẩm của Trại Cá để làm quà tặng.

Vị đại sứ sau đó cũng đã gửi lời cảm ơn Mỹ vì các vị khách quốc tế khi nhận được món quà đều bất ngờ và thích thú với sản phẩm văn hóa truyền thống Việt Nam của Trại Cá.

Ngoài hai đơn hàng nói trên, người sáng lập Trại Cá khoe còn nhận được không ít đơn hàng “siêu sang” cho khách sạn, hay dịch vụ bay phục vụ các vị khách đặc biệt khác. “Vui vì được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Vui hơn nữa là khi nhận được phản hồi tích cực của khách hàng”, chị Mỹ chia sẻ.

Chị Đinh Thị Hồng Nhung, đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, một khách hàng thân thiết của Trại Cá kể: Mỗi lần về quê rồi trở lại Nhật Bản, trong nhà và văn phòng làm việc tại Nhật của chị lại có rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Trại Cá. Rất nhanh, những sản phẩm này đã chinh phục nhiều bạn bè, đồng nghiệp người Nhật của chị.

“Mẫu mã thiết kế hài hòa, thân thiện, phù hợp với nhiều không gian. Nguyên liệu sản xuất sạch, an toàn với môi trường. Chất lượng bền, giá cả hợp lý. Đó là lý do nhiều người bạn Nhật của tôi nhờ tôi đặt hàng. Ban đầu chỉ là một số sản phẩm trang trí như tượng gốm, bình hoa... khách Nhật dần lựa chọn nhiều đồ gia dụng khác, từ nồi niêu, ấm chén, bát đũa tới gối, chăn chiếu, thảm…”, chị Nhung nói.

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện

img

Khách hàng quen của Trại Cá tới chọn mẹt đựng bún để mở cửa hàng kinh doanh

Không chỉ những món đồ tinh xảo để trang trí và làm quà tặng đặc biệt, mỗi món hàng bày bán trong Trại Cá đều là một câu chuyện khi Mỹ lang thang khắp ngóc ngách làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước.

Cầm trên tay một chiếc rổ đan tre, Mỹ nhớ lại, đó là cuộc gặp giữa Mỹ và sản phẩm của làng mây tre đan Bao La, Thừa Thiên - Huế thời gian đầu khi Trại Cá mới ra đời: “Lần đó, lang thang khắp nơi nhưng chưa tìm được sản phẩm ưng ý. Rồi bất chợt trong lúc ngồi giữa chợ thì bắt gặp một chiếc rổ tre khác biệt. Ngay khi nhìn thấy chiếc rổ ấy mình đã “phải lòng”. Vành chắc chắn, nan tre đều, mẫu mã đẹp và phải nói là thực sự khéo léo, tinh tế”.

Mỹ ngay lập tức đã tìm đến làng nghề. Sau chuyến đi đó, những chiếc rổ, giỏ, lồng bàn… đan khéo léo bằng tay đã được chuyển ra Hà Nội và lên kệ ở Trại Cá.

Một câu chuyện khác làm khách hàng thích thú là con dao Học Kiều của nghệ nhân Học Kiều. Con dao gỉ thép truyền thống của anh lại được rất nhiều đầu bếp chuyên nghiệp tại các khách sạn lớn lựa chọn, thay vì những sản phẩm sáng loáng, đắt giá nhập khẩu.

“Tuy nhiên, để con dao này đến với các căn bếp phổ thông của các bà, các mẹ, các chị em nội trợ, tôi đã phải thuyết phục anh Học thay đổi con dao truyền thống này. Kích thước dao phải được tính toán để tạo ra sự chính xác đến từng milimet cho vừa tay người cầm mà không gây nguy hiểm trong mỗi trường hợp sử dụng”, Hồng Mỹ cho hay.

Một sản phẩm khác được khách hàng rất ưa chuộng là chiếc nồi gốm Trơn. Nồi gốm có chất liệu dai, bền, men tự nhiên không pha bất kỳ hóa chất nào. Nó đặc biệt ở chỗ, khi đặt lên bếp đun thì nhiệt tăng từ từ và đều từ trên xuống dưới. Trong khi nấu không may chạm tay vào cũng không bị bỏng như các nồi bằng kim loại hay nồi gốm khác.

“Chiếc nồi mấy trăm nghìn này có thể dùng ít nhiệt vẫn tạo ra các món ăn tinh tế”, Mỹ nói và cho biết, đây là sản phẩm của nhóm thợ ở Bát Tràng. Họ làm để kiếm thêm thu nhập và không muốn bí quyết làm chiếc nồi này bị mai một.

Góp phần mang đến phong cách sống “xanh”

img

Các sản phẩm mây tre đan rất được yêu thích

Trại Cá được nữ kỹ sư sinh năm 1988 Đào Lê Hồng Mỹ rẽ ngang khởi nghiệp từ năm 2015 với mô hình cửa hàng bán lẻ gồm 5 mặt sàn trên phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội với các sản phẩm gia dụng từ các làng nghề thủ công truyền thống.

Các sản phẩm của Trại Cá phải đáp ứng các tiêu chí từ nguồn gốc (từ các làng nghề thủ công tự sản xuất); nguyên liệu (thân thiện với môi trường); quy trình sản xuất (không độc hại, an toàn cho người nghệ nhân); thiết kế (mang tính ứng dụng cao, hợp lý để sử dụng mỗi ngày); chất lượng; giá cả…

Theo chia sẻ của người sáng lập, trong mấy năm đầu doanh thu của Trại Cá gần như chỉ đủ duy trì hoạt động và chi trả thu nhập nhân viên. Cho đến khoảng hai năm gần đây, Trại Cá mới bắt đầu có lợi nhuận, đủ để đảm bảo thu nhập cho cả người sản xuất lẫn nhân viên cửa hàng.

Đến nay, Trại Cá được biết đến rộng rãi như một địa chỉ về đồ gia dụng thủ công mỹ nghệ theo phong cách sống “xanh”, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm của Trại Cá có giá đa dạng, từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng và cả các sản phẩm trên 5 triệu đồng.

“Trại Cá muốn cho nhiều người biết được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống không phải chỉ để trang trí mà công dụng thực tế rất cao, có thể theo kịp được sự phát triển của thời đại mà giá cả lại vừa phải”, người sáng lập Trại Cá nói.

Chính vì thế, Mỹ cho biết qua 6 năm và trong thời gian tới Trại Cá sẽ vẫn không mở thêm cửa hàng như các chuỗi bán lẻ khác mà chỉ mở rộng quy mô nơi này thành một siêu thị đồ gia dụng có nguồn gốc từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Để kiên trì theo mục tiều này, Mỹ và đồng nghiệp chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ khác.

“Nhưng điều đó không phải khó khăn lớn nhất. Khó khăn là từ một người học kiến trúc khi khởi nghiệp phải tính toán luân chuyển dòng tiền. Phải mất đến mấy năm loay hoay và tìm một người chuyên phụ trách vấn đề này mới được giải quyết”, Mỹ nói và cho biết đây cũng là một bài học mà những ai khởi nghiệp phải tính được và xử lý được để không bị áp lực tâm lý.

So sánh với các chuỗi bán lẻ khác, Mỹ cho biết sẽ chọn cách làm chậm mà chắc, lan tỏa một cách từ từ để phù hợp với khả năng quản trị và quan trọng nhất vẫn là tập trung nâng cao hơn chất lượng của sản phẩm mà không làm tăng giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.