Chuyện dọc đường

Nổi tiếng giá bao nhiêu?

08/11/2019, 07:06

Ngày nay không thiếu người dám khoe thân, chém gió ngông cuồng, tự tạo khủng hoảng cho bản thân... làm bất cứ chuyện kỳ dị gì miễn để nổi tiếng.

img
Khoa Pug, Hiếu Orion, Khá bảnh... nổi tiếng trên mạng xã hội với những phát ngôn và hành động nhận nhiều chỉ trích

Nổi tiếng ở thời nay đi cùng với cơ hội và tiền bạc, rất thực tế, chứ không hề rồ dại như những việc họ làm.

Sự khác biệt giữa các thế hệ là điều chúng ta phải mở lòng chấp nhận. Cái mới luôn phủ định cái cũ và cái mới sẽ bị thay thế bằng cái mới hơn.

Nói vậy, nhưng không có nghĩa cái mới nào cũng đủ chân giá trị để phủ nhận những nền tảng đã được thử thách theo thời gian.

Chỉ 10-20 năm trước đây thôi, nếu một cá nhân mắc vào một việc xấu xa tội lỗi sẽ cảm thấy khổ sở, lương tâm cắn rứt, thì ngày nay không thiếu người dám làm bất cứ việc gì từ việc khoe thân, chém gió ngông cuồng, tự tạo khủng hoảng cho bản thân... không từ bất cứ chuyện kỳ dị gì miễn để nổi tiếng.

Để làm được những việc này, nói công bằng, cũng phải có chút bản lĩnh. Dù là người xuất thân từ “những người anh em xã hội” như Khá bảnh làm mấy việc điên xuẩn như đốt xe, đổ trứng lên đầu mẹ mình hay những “em gái ngành” không mời mà đến, xông thẳng vào các sự kiện trang trọng để hở ngực, hở đùi khoe thân... Thậm chí có cả những người thông minh, có học thức, cởi truồng để tự tạo scandal xong đi dạy làm giàu và xử lý khủng hoảng.

Khác nhau về trình độ học vấn, văn hoá, xuất thân, nhưng để đạt đến “cảnh giới” này cần phải nằm lòng khẩu quyết “vô sỉ”, không ngại dư luận xã hội.

Cùng một “môn phái” nhưng đẳng cấp khác nhau. Trình độ thấp thì chỉ một phản đòn của luật pháp và dư luận xã hội là tạm giam, phục hồi nhân phẩm hay đơn giản là “chìm xuồng”, mất tích, không ai thèm nhớ tới.

Nhưng trình độ cao, “có học có hơn” thì hẳn là trước khi quyết định làm, họ đã xem xét mọi khía cạnh, lợi dụng những vùng trống chưa được quy định bởi pháp luật, và trên hết bằng khả năng ăn nói, ngụy biện, bẻ lái dư luận, tiếp tục ảnh hưởng không ít.

Mặc dù mỗi ngày chúng ta đang chứng kiến những chuyện dị kỳ, tưởng chừng như giá trị đạo đức suy yếu không còn sức phản kháng, lấn át những tiêu cực nhưng thực ra cộng đồng, xã hội nào cũng có bộ lọc của nó.

Sớm hay muộn sức đề kháng tự nhiên này cũng giúp phân biệt rõ ràng đúng-sai.

Tuy nhiên, điều nguy hại là ảnh hưởng của trào lưu dám-làm-mọi-điều-không-ngại-liêm-sỉ này đặc biệt dễ dẫn dắt thế hệ trẻ đi vào con đường sai lầm. Khiến người ta dám làm cả những việc vô đạo đức, đi quá giới hạn của cảm xúc và lương tâm xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Chắc chắn chúng ta đều nhận thấy gần đây xảy ra quá nhiều vụ án mà mức độ nhẫn tâm, tàn ác đều vượt quá sức chịu đựng của con người như hạ thủ người thân, giết người vô nhân tính, chà đạp lên trẻ em, phụ nữ, người già - những đối tượng yếu đuối, dễ tổn thương nhất trong cộng đồng.

Điều gì đã dần dần tha hoá lương tâm của những kẻ ác đó, mặc dù không ít đối tượng khi tìm hiểu về lai lịch, thân thế đều được cộng đồng, làng xóm cho biết là “người hiền lành”?

Khi ngay cả những “người hiền lành” xung quanh ta cũng thành không đáng tin, là những kẻ sát nhân vô nhân tính thì cần phải giật mình xem xét lại giáo dục và rường cột đạo đức xã hội đã bị tha hoá nghiêm trọng đến mức nào?

Những trường hợp câu view, làm chuyện rồ dại thuần giải trí đã độc hại, nhưng nguy hiểm hơn là những con người có học có tài nhưng dấn thân vào scandal tự tạo trong mọi lĩnh vực văn hoá, chính trị, xã hội... sẽ định hướng giới trẻ đi tới đâu?

Cái giá chúng ta phải trả sẽ như thế nào?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.