Quản lý

Nơi trực tuyến, chỗ thủ công gây khó doanh nghiệp

24/05/2017, 08:40

Sự thiếu đồng bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các bộ, ngành đang khiến hiệu quả chưa được mong muốn.

12

Dù đã được trả kết quả đăng kiểm trực tuyến, người dân vẫn phải đến lấy bản kết quả giấy để xuất trình khi đi đăng ký xe

Số doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT theo cơ chế một cửa quốc gia nhiều nhất so với các bộ, ngành khác. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các bộ, ngành đang khiến hiệu quả của công tác này chưa được như mong muốn.

Dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rào cản

Từ tháng 10/2015 đến nay, việc tiếp nhận, trả kết quả các thủ tục hành chính công trong lĩnh vực đăng kiểm được thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ông Lê Văn Vệ, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VN cho biết, việc áp dụng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng kiểm trực tuyến đã tạo sự chuyển biến lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp.

“Từ khi làm thủ tục trực tuyến, chúng tôi giảm được rất nhiều thời gian đi lại, lập hồ sơ… Chi phí cũng vì thế mà giảm rất nhiều”, ông Vệ nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Vệ, giá như các thủ tục trực tuyến giữa các ngành, lĩnh vực đồng bộ hơn, doanh nghiệp mới “sướng” thực sự.

"Bộ GTVT sẽ xây dựng thông tư về thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực GTVT để pháp lý hóa, thống nhất thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Bộ cũng sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hiện kết nối với nhau trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, để công tác này đi vào thực chất, giúp doanh nghiệp, người dân hưởng lợi”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Hồng Trường

Cụ thể, theo ông Vệ, giấy chứng nhận đăng kiểm dù đã được cấp trực tuyến, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đến cơ quan đăng kiểm để xin bản cứng Giấy chứng nhận đăng kiểm. “Điều này vô hình trung mất hết ý nghĩa của việc trả kết quả trực tuyến”, ông Vệ nói và cho biết thêm: Sở dĩ như vậy là do khi đi đăng ký xe, cơ quan công an vẫn yêu cầu bản chứng nhận bằng giấy. Không cách nào khác, doanh nghiệp lại phải đến cơ quan đăng kiểm lấy một bản chứng nhận có dấu đỏ để giao cho khách hàng đi làm thủ tục đăng ký xe.

Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, kết quả thủ tục đăng kiểm trực tuyến đã được các ngành như: Hải quan, Thuế sử dụng. Cục Đăng kiểm cũng cung cấp hóa đơn điện tử cho khách hàng. Duy chỉ còn thủ tục đăng ký xe vẫn chưa chấp nhận kết quả trực tuyến, nên vẫn phải cấp bản chứng nhận bằng giấy cho doanh nghiệp.

Cũng như đăng kiểm, hiệu quả của việc triển khai trực tuyến thủ tục hành chính công trong lĩnh vực hàng hải đang bị hạn chế rất nhiều do sự thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành.

Khẳng định cơ chế khai báo trực tuyến một cửa quốc gia và giải quyết thủ tục của ngành cảng vụ hàng hải cho tàu biển đi tuyến quốc tế rất tốt, song ông Trần Văn Hưng, đại diện Công ty Vận tải biển Hưng Hải nói: “Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu công ty của ông không phải khai báo tiếp trên cổng thông tin của Bộ Quốc phòng. Cùng một nội dung nhưng 2 hệ thống này lại không liên thông với nhau, không tự cập nhật thông tin của nhau được”.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN, khó khăn hiện nay là cảng vụ hàng hải chỉ là một trong 4-5 mắt xích làm thủ tục cho tàu ra vào cảng và phải liên quan đến các ngành khác như: Hải quan, Biên phòng trong khi các ngành này chưa cập nhật các thông tin về cảng biển. Bên cạnh đó, phần mềm trực tuyến của hàng hải được sử dụng từ năm 2005 nhưng chưa được nâng cấp.

Cần sự thống nhất, đồng bộ

Ông Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, ngành GTVT đang cung cấp 234 dịch vụ trực tuyến mức độ 3-4, trong đó có 12 dịch vụ công vận hành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về Cơ chế một cửa quốc gia), tính đến tháng 11/2016 số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia của Bộ GTVT là 4.610 doanh nghiệp, chiếm 53% số doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia; số lượng hồ sơ của Bộ GTVT giải quyết trên cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm 47,63% tổng số hồ sơ.

Đến ngày 19/5/2017, Bộ GTVT đang cung cấp 234 dịch vụ trực tuyến mức độ 3 - 4 trên tổng số 551 thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT. Từ năm 2014 đến nay, đã có 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được thực hiện  trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (lĩnh vực: Hàng hải, Đăng kiểm, Đường thủy nội địa).

Tuy nhiên, phải thừa nhận, các doanh nghiệp vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi tối đa. “Đến nay chưa có các quy định đầy đủ về tính pháp lý dữ liệu điện tử, việc sử dụng dữ liệu điện tử để giảm các thành phần hồ sơ. Bên cạnh đó, chưa có sự liên thông, phối hợp liên ngành trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, ông Tùng nói và cho biết thêm, mỗi dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ trực tuyến của Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia cần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị tham gia. Tuy nhiên, hiện nay công tác này chưa được các bộ, ngành khác quan tâm đúng mức.

Bên cạnh các dịch vụ công tham gia cơ chế một cửa quốc gia, Bộ GTVT cũng đã triển khai 59 dịch vụ công trực tuyến (đường bộ, đường thủy) có quy mô từ Trung ương đến địa phương. Thế nhưng tính liên thông, thống nhất toàn quốc đang gặp vướng mắc do nhiều địa phương hiện nay cũng xây dựng các dịch vụ công theo mô hình Hệ thống thông tin chính quyền tập trung toàn tỉnh.

“Nếu không triển khai công tác kết nối, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT với các hệ thống thông tin chính quyền địa phương sẽ gây khó khăn cho người làm thủ tục và cán bộ của Sở GTVT khi giải quyết thủ tục trực tuyến”, ông Tùng cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.