Chực chờ nguy cơ sạt lở, chia cắt
Tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công là một trong những tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm TP Uông Bí (Quảng Ninh) với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Yên Tử và ngược lại.
Dài khoảng 10km, tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công được nhiều người lựa chọn trên hành trình hành hương về chùa Ba Vàng kết nối vào Yên Tử.
Tuy nhiên, mỗi khi có mưa lớn, thì một đoạn taluy dài hàng trăm mét, cao hàng chục mét trên tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công lại xảy ra tình trạng sạt lở, gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Sáng 2/10, PV Báo Giao thông có mặt tại Km 4+342 đến Km 4+693 trên tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công. Vị trí này chỉ cách tuyến đường vào trung tâm xã Thượng Yên Công chừng nửa km và đang bị sạt lở sau trận mưa lớn ngày 26 và 27/9 vừa qua.
Clip: Toàn cảnh điểm nguy cơ sạt, lở gây hiểm nguy cho người, phương tiện trên tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công.
Tại đoạn đường này, cả một khu vực taluy dương dài hàng trăm mét đất đá nứt toác, thường trực muốn đổ ụp xuống tuyến đường. Ven đường còn có hàng chục m3 đất đá đổ xuống chưa được xúc dọn, có chỗ đất đá tràn ra giữa đường.
Phía bên trên, những tảng đất, đá đã bị há hàm ếch, nguy cơ tiếp tục đổ xuống.
Đặc biệt, tại khu vực này, có hệ thống cột điện khá dày. Tuy nhiên, do đất đá bị sạt lở sau các trận mưa lớn, nên chân một số cột điện đã trở nên chênh vênh bên bờ vực. Nếu không có biện pháp xử lý sớm, nhiều cột điện có thể bị kéo sập xuống tuyến đường.
Cùng với đó, hệ thống mái bê tông trên taluy được thiết kế, xây dựng không phù hợp, nên đã bị sạt lở mất chân, không còn tác dụng. Hệ thống rãnh thoát nước thì bị đất, đá vùi kín, khiến nước và bùn tràn ra đường lênh láng.
Anh Trương Văn Nam, ở thôn Năm Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, cho biết: Để ra trung tâm thành phố thì đi đường qua Khe Giang là thuận lợi nhất. Bởi đường vào xã hiện nay thì có nhiều, nhưng một tuyến thì phải vòng sang phường Vành Danh, qua phường Trưng Vương. Tuyến còn lại thì phải vòng sang phường Phương Đông, tuyến nào cũng xa hơn rất nhiều.
"Mỗi khi có mưa lớn, bà con trong thôn, trong xã đều rất lo lắng bị núi lở, đá đè khi đi trên tuyến đường Khe Giang. Bà con đã kiến nghị nhiều lần lên các ngành, các cấp ở địa phương là sớm đầu tư nâng cấp, khắc phục tình trạng sạt lở trên tuyến đường này", anh Nam nói.
Vì sao chưa triển khai biện pháp khắc phục?
Theo thông tin từ UBND xã Thượng Yên Công, thì nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông kết vùng trung tâm với xã đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tháng 5/2018, chính quyền địa phương đã triển khai thi công tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công. Dự án có chiều dài gần 10km với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2020. Khi đưa vào sử dụng, đường Khe Giang - Thượng Yên Công không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân địa phương, kết nối các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP Uông Bí mà còn tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải rác vào nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Khe Giang.
Thế nhưng, từ khi khánh thành, đi vào sử dụng đến nay, mỗi khi có mưa lớn, trên tuyến đường đã xuất hiện vị trí sạt lở rất nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông. Điển hình như sau trận mưa ngày 26 và 27/9 vừa qua, tại đây đã xảy ra điểm sạt lở hàng trăm m3 đất đá, gây ách tắc cục bộ toàn tuyến.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng sạt lở thường xuyên trên tuyến đường này được xác định do quá trình thi công, mái ta luy đào cao, qua nhiều tầng lớp địa chất khác nhau, xen kẹp giữa các lớp phong hóa là lớp đất sét, than, nên gây sạt lở tại nhiều điểm, đặc biệt là mùa mưa lũ.
Điều đáng nói, nhiều năm nay, việc khắc phục sạt lở trên tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công lại bị "khoán trắng" cho chính quyền xã Thượng Yên Công. Trong khi địa phương này thuộc diện khó khăn nhất của TP Uông Bí, trên địa bàn lại ít doanh nghiệp, nên rất khó trong việc huy động nguồn lực để xử lý mỗi khi có sạt lở.
Ông Lê Tuấn Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công cho biết: Mỗi khi xảy ra sự cố trên tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công, chính quyền địa phương đã bố trí đặt biển cảnh báo nguy hiểm và trực 24/24h để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu. Cùng với đó, chính quyền cũng phối hợp huy động xã hội hóa phương tiện, nhân lực để tuyến đường không bị ách tắc kéo dài.
Theo ông Vinh, trước kiến nghị của cử tri và nhân dân, cuối năm 2022, UBND TP Uông Bí đã bố trí nguồn vốn 11 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt, trượt trên tuyến đường và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay việc thi công vẫn chưa thực hiện được do khu vực này có diện tích đất rừng sản xuất. Muốn chuyển đổi được mục đích thì phải chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới triển khai được.
"Do vậy, trước mắt, chính quyền vẫn phải xử lý tạm thời việc xúc, dọn đất đá mỗi khi có sạt lở", ông Vinh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận