Xã hội

Nóng “cát tặc” ở Quảng Ngãi: Lập bãi không phép, vô tư bán không hóa đơn

12/10/2021, 14:00

Cát tập kết trái phép, vô tư buôn bán không hóa đơn… tồn tại công nhiên ngay bên sông Trà Khúc, trung tâm TP.Quảng Ngãi, “qua mắt" công quyền.

“Núi cát” bên đường, bán không hóa đơn

Chỉ cần đi dọc đường Bà Triệu (QL1), đường Trường Sa ngay trung tâm TP Quảng Ngãi sẽ dễ dàng nhận thấy gần chục điểm tập kết, mua bán cát sỏi diễn ra ồ ạt chẳng khác gì điểm mỏ.

img

Điểm tập kết cái ngay bên đường Trường Sa đoạn giáp ranh giữa xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) công nhiên hoạt động thời gian qua (ảnh chụp ngày 5, 6/10)

Chiều 6/10, tại khu vực gần ngã ba Bà Triệu - Trường Sa, bãi tập kết cát “mọc” ngay bên bờ kè đường Trường Sa. Hai chiếc máy xúc thay nhau hoạt động hết công suất đưa những khối cát lên thùng xe tải chờ sẵn. Cuối giờ chiều, bãi cát vơi dần. Nhưng đến sáng hôm sau (6/10), cát tại đây lại được chất thành ngọn lớn.

Từ điểm tập kết này, PV ám theo con đường đất chạy thẳng xuống lòng sông Trà Khúc. Dọc đường, cát còn vương vãi dấu hiệu vận chuyển. 1 chiếc máy xúc được “ngụy trang” dưới tán lau sậy. Dưới sông, những chiếc ghe thuyền gắn máy hút cát đang chuẩn bị hoạt động.

Theo người dân địa phương, nguồn cát khai thác trái phép trên sông Trà Khúc được “cát tặc” tập kết vào bờ, vận chuyển lên các bãi chứa và buôn bán trái phép. Thực tế “mục sở thị” bên bờ sông những ngày tuần đầu tháng 10/2021, PV dễ dàng bắt gặp hàng chục ghe thuyền lắp máy hút công nhiên “mở hội” hút cát trái phép trên sông.

Chưa đầy 30 phút, các ghe hút đầy cát “có ngọn” lên thành thuyền, ước chừng 3-4 khối, rồi nhanh chóng chạy về phía cầu Trà Khúc, tấp vào bờ (Báo Giao thông đã phản ánh)

Sáng 6/10, trong vai người mua cát, PV được người đàn ông xưng tên Việt đang điều khiển xe múc cát lên xe tải BKS 76C-048.20 tại bãi chứa ngã ba Bà Triệu- Trường Sa cho biết, giá bán 1m3 cát tại bãi có giá 150 ngàn đồng. Ông này yêu cầu, nếu mua khối lượng lớn thì sẽ bán cát vào sáng sớm mỗi ngày và “chỉ bán cát không có hóa đơn, chứng từ”.

img

Ngày 5/10, những xe tải trọng lớn vô tư ra vào nhận cát

img

Đến ngày 6/10, núi cát này tái diễn, có cả chục xe tải trọng lớn, cơi nới thành thùng, hầu hết mang logo Tiến Trang nối đuôi nhau nhận cát ngay giữa thanh thiên bạch nhật (ảnh Xuân Huy)

Tương tự, cách đó chừng vài trăm mét về phía đường Bà Triệu, 2 điểm tập kết cát lớn tồn tại nhiều năm qua, nhưng không bị xử lý triệt để. Ngay hộ lan cũng có dấu hiệu bị tháo dỡ để phục vụ xe tải ra vào. Ban ngày, một số điểm lấy tấm bạt che chắn phía ngoài con đường đất dẫn xuống lòng sông Trà Khúc.

Tại điểm kinh doanh vật liệu xây dựng Chín Sinh (đường Bà Triệu - QL1, phường Lê Hồng Phong), PV được người đàn ông nhận quản lý bãi cho biết, giá bán lẻ 250 ngàn đồng/khối cát, còn mua khối lượng lớn thì giao động từ 200-220 ngàn đồng/1m3.

Thấy PV hỏi hóa đơn, ông này quả quyết: cát trái phép lấy đâu hóa đơn chứng từ. Anh cần thì tôi mua hóa đơn khác đưa vào, anh phải chịu tiền thuế hóa đơn. Còn nếu mua cát ở đây thì bao nhiêu cũng có.

Lại “con voi chui lọt lỗ kim”

Dọc đường Trường Sa đoạn giáp ranh 2 xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Hà, một “núi cát” lớn được tập kết ngay bên đường. Mỗi ngày cả chục xe tải loại 2-3 chân (trục) vô tư ra vào nhận cát. Không phải ngẫu nhiên, người dân gọi đây là “bãi cát Thạch Sanh” bởi sau mỗi đêm, cát ở đây lại “mọc" cao như núi.

img

"Những coi voi": khai thác cát trái phép, chở quá tải... lại vô tư chui qua lỗ kim quản lý (ảnh chụp trưa ngày 6/10)

Trưa 6/10, cả chục xe xe tải BKS 76C - 094.22, 76C - 003.82, 76C-138.99, 76C-130.27, 76C049.70, 76C - 080.68... hầu hết gắn logo Tiến Trang (Công ty TNHH Tiến Trang, trụ sở TP.Quảng Ngãi) nối đuôi nhau vào nhận cát.

Quan sát mắt thường dễ thấy, các xe này hầu hết cơi thùng, chất đầy cát “có ngọn”, che chắn tạm bợ, dấu hiệu quá tải rõ ràng. Theo cánh tài xế, xe loại 3 chân có thể chở gần 20 khối cát (tương đương 22-24 tấn), trong khi trích xuất dữ liệu đăng kiểm, trọng tải cho phép chỉ khoảng 13-15 tấn (tùy từng phương tiện)…

Không chỉ vi phạm quy định khoáng sản, hoạt động vận chuyển cát tại đây có dấu hiệu vi phạm tải trọng, pháp luật giao thông… Đáng nói mọi việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, ngay giữa trung tâm TP.Quảng Ngãi nhưng không thấy bóng dáng cơ quan chức năng.

Trưa cùng ngày (6/10), PV điện thoại thông tin cho lãnh đạo Công an TP.Quảng Ngãi để báo tin nhưng không được hồi âm.

img

Cát được tập kết, buôn bán như một điểm mỏ tại khu vực gần ngã ba Bà Triệu - Trường Sa (ảnh chụp sáng 6/10)

img

Phía sau bãi cát này là con đường đất chạy thẳng xuống lòng sông. Trên sông cả chục chiếc thuyền đang "mở hội" hút cát trái phép. Trong khi đó, lãnh đạo TP.Quảng Ngãi lại bảo "không đáng kể" (ảnh chụp chiều 5/10)

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Nhật Minh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng xác nhận, trên địa bàn xã không có bãi tập kết cát được phê duyệt. Địa điểm này có thể giáp ranh giữa 2 xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Hà nên cần kiểm tra, xác minh lại.

Theo ông Minh, việc xử lý “cát tặc”, vi phạm kinh doanh khoáng sản khó khăn do thẩm quyền của xã chỉ xử lý hành chính, số tiền chỉ vài trăm ngàn, nên các đối tượng “nhờn luật”. Xã đã báo cáo lên trên thành phố.

PV cung cấp thông tin, hình ảnh về các địa điểm tập kết trên đường Bà Triệu (P. Lê Hồng Phong) đã tồn tại nhiều năm nay và đang có dấu hiệu hoạt động rầm rộ những ngày qua, nhưng điều ngạc nhiên. Ông Phạm Viết Ất - Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong lại tỏ ra ngạc nhiên, không biết được tên tuổi cụ thể và các điểm tập kết buôn bán này có được cấp phép, đăng ký hoạt động kinh doanh hay không?

“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh lại”, ông Ất nói.

Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Lai Thành, Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra số 1, Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Cục thuế tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị, chính quyền địa phương có giải pháp hữu hiệu trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, xác định khối lượng khoáng sản khai thác, buôn bán và trữ lượng khoáng sản thực tế tại mỏ. Tuy nhiên, những vấn đề này gần như chưa được thực hiện hiệu quả.

“Đơn giá mà tỉnh quy định để tính thuế đối với cát vàng là 105 ngàn đồng/1m3, thực tế thị trường có giá cao hơn rất nhiều. Việc tính thuế trên cơ sở các đơn vị mỏ tự kê khai. Đặc biệt, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều nơi, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhưng chưa được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm làm "chảy máu", thất thoát tài nguyên khoáng sản, mà còn gây thất thu nguồn thuế, phí cho ngân sách nhà nước”, bà Thành nói.

Trao đổi với PV, luật sư Đỗ Pháp - Trưởng VP luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho biết, với những thông tin báo chí đăng tải, cát tặc gây thất thoát tài nguyên, khai thác không phép, buôn bán vật liệu không hóa đơn chứng từ... cùng một loạt hệ lụy khác về ô nhiễm mỗi trường, biến dạng dòng chảy (do khai thác cát vị trí chưa được đánh giá tác động môi trường), hành lang cầu, bờ kè...

Với những tính chất, mức độ này, cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh, cần thiết khởi tố vụ án hình sự để điều tra, mở rộng các đối tượng, thậm chí "nhóm lợi ích nếu có". Người dân, các cơ quan giám sát tăng cường chức năng giám sát của mình. Chính quyền địa phương nói đã xử phạt thì phải có hồ sơ vụ việc. Pháp luật hiện hành quy định, các trường hợp đã lập biên bản hành chính 1 lần tái phạm, thì đây là căn cứ để khởi tố vụ án để điều tra liên quan hoạt động cát tặc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.