Đời sống

Nông dân An Giang xoay xở ra sao khi lũ chưa về?

Hàng năm, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 (âm lịch), khu vực đầu nguồn thị xã Tân Châu nước lũ đã đạt đỉnh. Nhưng giờ đây, mực nước rất thấp…

Không còn kỳ vọng vào mùa nước nổi

Hiện tại, trên những cánh đồng giáp biên thuộc 2 xã Phú Lộc và Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) mực nước rất thấp so với những năm trước. Điều đó đồng nghĩa không có lũ (nhiều người gọi là mùa nước nổi).

Lũ không về khiến những cư dân mưu sinh nhờ vào con nước gặp vô vàn khó khăn. Để có sinh kế, bà con phải tìm cách chuyển nghề, tìm mô hình làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.

img

Bao lâu nữa, mùa nước nổi ở vùng ĐBSCL chỉ còn trong ký ức?

Ông Huỳnh Văn Tùng, ngụ xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu là một trong những ngư dân chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ. Tuy nhiên, 2 năm nay, ông Tùng không còn kỳ vọng nhiều về lũ để kiếm sống.

Những tay lưới được ông chuẩn bị khi lũ về, xem như là kỷ niệm của mấy mươi năm theo nghề khai thác cá mùa lũ. Hiện nay, ông được chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn trong bồn, vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả khá cao. Với 4 bồn nuôi khoảng 2.000 con lươn, sau gần 7 tháng, ông Tùng thu lợi nhuận hơn 35 triệu đồng.

img

Mô hình chăn nuôi lươn của ông Huỳnh Văn Tùng, xã Phú Lộc.

Còn anh Trần Vũ Phong, cùng ngụ xã Phú Lộc, cũng là ngư dân chuyên mưu sinh vào mùa lũ. Nhưng giờ, thay vì trông chờ nước lũ như những năm trước, anh lại chọn cho mình mô hình nuôi dê và có thu nhập khá hơn.

Anh tận dụng đồng cỏ mênh mông trên những cánh đồng không có lũ làm nguồn thức ăn cho dê. Hiện chuồng dê của gia đình anh đã phát triển lên hơn 70 con. Lợi nhuận mỗi năm thu về gần cả trăm triệu đồng.

img

Mô hình chăn nuôi dê của anh Trần Vũ Phong, xã Phú Lộc.

2 năm gần đây, nước lũ không về tràn đồng như trước, một số ngư dân hành nghề truyền thống đánh bắt thủy sản không còn mặn mà với việc mưu sinh theo con nước nữa, đã chuyển đổi nghề khác.

Mạnh dạn chuyển nghề

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất làm ăn trong mùa lũ như: chăn nuôi, học nghề và hỗ trợ vốn làm ăn, nhằm mang tính ổn định và bền vững hơn.

Một số cột nước của Ủy hội Mê Kông Quốc tế (MRC) cho thấy, mực nước thấp kỷ lục do lượng mưa thấp ở phần hạ lưu vực Mê Kông và do sự tích nước của các đập trong toàn lưu vực, trong đó có sự tích nước quan trọng ở đập Nouzhadu (Trung Quốc).

Mô hình dòng chảy tự nhiên (Natural Flow Model) của Tổ chức Eyes on Earth ước lượng thiếu hụt 26% so với dòng chảy tự nhiên ở trạm Chiang Saen (Thái Lan), 20% ở Vientiane (Lào)... Lượng nước này có thể sẽ được giữ lại đến mùa khô mới được xả ra để phát điện.

Điển hình tại xã đầu nguồn Phú Lộc, sau khi được hỗ trợ nguồn vốn, đa phần các hộ chọn mô hình chăn nuôi dê, lươn… Bởi đây là mô hình phù hợp với thổ nhưỡng địa phương hiện nay và thực hiện chăn nuôi theo hình thức “lấy công, làm lời”.

Nhiều hộ gia đình đã tận dụng tìm kiếm nguồn thức ăn từ thiên nhiên, để làm thức ăn cho lươn, cho dê… Nhờ vậy mà giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Tân Châu có hàng chục mô hình chăn nuôi giúp nông dân chuyển đổi sinh kế sau nhiều năm lũ cạn, giúp bà con không phải sống phụ thuộc vào con nước ngày càng ít đi.

Ông Phạm Văn Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu cho biết: “Với mực nước thấp như hiện nay, địa phương cũng quan tâm đối với hộ nghèo và những hộ chuyên sống trong mùa nước nổi bằng cách giúp chuyển đổi nghề, thông qua mô hình chăn nuôi dê rất phát triển.

Thứ hai là nuôi các loài thủy sản trong bồn, ví vụ như lươn hoặc cá lóc, để chuyển dần khai thác thiên nhiên qua mô hình nuôi, để làm sao có công ăn việc làm, tạo thu nhập mang tính bền vững hơn”.

img

Cá linh là đặc sản ở An Giang, chỉ có vào mùa nước nổi. Nay cá này đã hiếm dần.

Nhìn chung đời sống người dân khu vực biên giới Vĩnh Xương và Phú Lộc, thị xã Tân Châu bây giờ, điều kiện sống tốt hơn xưa rất nhiều và không ngừng được nâng lên.

img

Nhiều ngư dân đã bỏ tay lưới, chuyển đổi nghề.

Mỗi năm lũ về, người dân đã có nơi sinh sống an toàn trên các cụm, tuyến dân cư. Hộ gia đình chính sách cũng như hộ nghèo được Nhà nước chăm lo rất chu đáo. Hạ tầng nông thôn từng bước đầu tư hoàn thiện, xe 4 bánh đã chạy đến trung tâm xã, đi về các ấp một cách dễ dàng.

Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, điện nông thôn được phủ kín toàn xã. Hiện người dân nơi đây đang cùng chính quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới để địa phương sớm được công nhận là xã nông thôn mới theo lộ trình.

Giờ đây, những cánh đồng mênh mông nước sau khi lũ tràn về ở vùng đầu nguồn đã trở thành quá khứ. Nhưng thay vì lo lắng chuyện cá không về theo con nước, nhiều nông dân vùng đầu nguồn Tân Châu đã có thể chuyên tâm vào các mô hình sinh kế mới, có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương.

Đây cũng mà cách thích ứng của người dân vùng đầu nguồn, dẫu rằng bà con vẫn luôn đau đáu ngóng trông con nước về mỗi khi vào mùa lũ.

Đập thủy điện Sê Kông A chặn sông Sê Kông phía Nam của nước Lào cũng đang khởi động, có thể làm giảm 20% lượng thủy sản tự nhiên của lưu vực sông Mê Kông. Sinh kế của hàng triệu người vùng ĐBSCL sẽ chịu tổn thất không thể bù đắp được nếu đập này hình thành.

Trước đó, rất nhiều con đập ở Trung Quốc, Lào, Campuchia… cũng đã tích nước, khiến lượng nước và phù sa đổ về vùng ĐBSCL ngày càng ít.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL cũng cho rằng, công suất phát điện của Sê Kông A là rất ít trong khi tác hại lại vô cùng lớn, đặc biệt trong bối cảnh sự gia tăng biến đổi khí hậu và thiên tai.

Về thuỷ văn, công trình đập thuỷ điện này sẽ làm đảo lộn các quy luật tính liên tục của dòng chảy theo mùa (mùa mưa và mùa nắng), theo tháng và thậm chí theo ngày giờ.

Môi trường xáo động, biến vùng nước trước đập từ trạng thái sông sang trạng thái hồ. Các trầm tích sông sẽ tích tụ trong hồ chứa, trong khi ở phần hạ lưu như ĐBSCL sẽ mất phù sa, xói lở ngày càng gia tăng.

“Và cuối cùng gánh chịu hậu quả là hàng triệu người dân ĐBSCL khi nguồn cá giảm, phù sa mất, nguồn nước thất thường…”. Do đó, chuyển đổi nghề để thích ứng là lựa chọn đúng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.