Thị trường

Nông dân dốc sức cứu nhãn lồng, vải thiều

12/03/2017, 16:17

Mùa đông ấm bất thường khiến người nông dân trồng vải thiều, nhãn lồng đứng trước nguy cơ mất trắng...

27

Chủ vườn nhãn lồng Hưng Yên lo lắng nhìn cây trơ lá, không ra hoa

Vào vụ, vải thiều, nhãn lồng vẫn trơ lá

Thông thường khoảng tháng 2 -3, hàng loạt trang trại nhãn lồng tại huyện Khoái Châu và Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã phủ kín hoa. Thế nhưng, năm nay nhiều vườn hoa mới chỉ lác đác. Bà Nguyễn Thị Lộc, chủ vườn nhãn tại thôn Cao Đoài, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ cho biết: “Mọi năm vào vụ chỉ cần về đến đầu làng là đã ngửi thấy hương hoa thơm ngát, nhưng năm nay cả 3 mẫu nhãn nhà tôi nhiều gốc chưa có hoa hoặc mới chỉ lác đác hoa”. Theo bà Lộc, để đón vụ nhãn năm nay, gia đình bà đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng phân bón, chưa tính công chăm sóc.

Lặng nhìn cả vườn nhãn vẫn đậm lộc xanh rì, ông Nguyễn Văn Cương, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ xót xa than phiền: “Thời tiết lúc nóng lúc lạnh, mùa đông thì ấm, cây không cằn vào để tích nhựa, nên rất khó để nở hoa. Nhà tôi bỏ hơn 30 triệu đồng mua phân bón cho cây, mà tình cảnh này chỉ lo năm nay lại mất trắng. Cây ra lộc đỏ thì còn thúc hoa được chứ nhiều cây ra lộc xanh mà tốt thế này thì đành bỏ chứ không thúc nổi.”

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình trong 3 tháng (3, 4 và 5) trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-10C. Không khí lạnh trong tháng 3, 4 vẫn tác động đến khu vực phía Bắc nhưng cường độ yếu và tần suất thấp hơn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tráng, Trưởng phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: “Không như nhãn miền Nam ưa khí hậu nóng, nhãn tại Hưng Yên phải có một mùa lạnh để ủ hoa cho nên việc được mùa hay không phụ thuộc rất lớn vào việc thời tiết có thuận hay không thuận. Như vụ trước, có đợt rét đậm thì lại rất thuận để ra hoa, ngược lại vụ này thời tiết bất thường, việc cây ra hoa muộn không thể tránh khỏi, dễ dẫn đến nguy cơ mất trắng”.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra đối với cây vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các vườn vải tại “kinh đô vải thiều” vẫn trong tình trạng trơ lá. Nhiều diện tích vải đã “phát lộc” khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng trước nguy cơ mất mùa. Ông Tăng Văn Huy, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho hay, toàn huyện hiện có hơn 16,2 nghìn ha vải thiều. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 10% lượng vải sớm ra hoa, còn lại 90% diện tích vẫn “bất động”. “Lúc này có thể xác định mùa vải năm nay đến muộn, chủ yếu do tác động biến đổi thời tiết. Nền nhiệt độ năm nay chênh lệch so với vụ đông năm trước từ 2,2 - 2,40”.

Năm 2016, vải thiều Lục Ngạn “được mùa, được giá” với tổng sản lượng quả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt hơn 91.508 tấn. Tuy nhiên, đến nay, rõ ràng con số này là một điều… không tưởng! “Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện còn 12 xã giáp ranh khu vực miền núi, cây vải thiều được trồng trên nền nhiệt độ thấp hơn. Tổng diện tích trồng vải ở khu vực này ước tính đạt khoảng 4 nghìn ha. Chúng tôi hy vọng, khu vực này sẽ không mất mùa, kèm theo các biện pháp khắc phục khác, phấn đấu vụ vải chính đạt được từ 40-50% năng suất so với mọi năm”, ông Huy cho hay.

Tìm mọi cách cho cây trổ hoa

Việc ra hoa muộn của nhãn khiến nhiều hộ trồng nhãn lồng tại Hưng Yên chủ động tìm nhiều biện pháp ứng phó. Có mặt tại đất nhãn tổ dưới trời mưa lạnh, nhưng theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, không một vườn nào vắng bóng người chăm. Theo đó, để cứu mùa nhãn, hầu hết các hộ đều phải chấp nhận tốn thêm một phần chi phí để phun tưới thuốc kích hoa. Ông Thành, một chủ vườn tại Khoái Châu cho biết: “Xuân muộn nên muộn hoa là đúng rồi, việc cần làm nhất bây giờ là tưới thuốc thúc hoa. Khi thúc hoa thì những lộc đỏ sẽ tự rụng mầm, hoa sẽ trồi lên. Cả tuần qua,  nhà tôi đã mất hơn 3 triệu đồng tiền thuốc tưới. Thời tiết không thuận thì mình phải chịu tốn kém một chút còn hơn là mất trắng.”

Là một chủ vườn có nhiều năm kinh nghiệm trồng và gây giống nhãn, ông Nguyễn Văn Cương cho biết thêm: “Việc cây không ra hoa không hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết mà còn phụ thuộc và đợt thu hoạch. Nếu thu hoạch nhãn quá muộn, tháng 9 mới bẻ xuất vườn thì cây sẽ không kịp thời gian ủ hoa và ra hai đợt lộc dẫn dến việc không có hoa, cho nên việc tính toán thời gian thu hoạch rất quan trọng cho vụ mùa”.

Cùng thời điểm, tại Bắc Giang, nông dân trồng vải huyện Lục Ngạn cũng đang dốc sức, dồn lực để tác động cho cây trổ hoa, đậu trái. Ông Giáp Văn Thành, thôn Kép, xã Hồng Giang cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, gia đình ông đã thử nghiệm phun một loại chế phẩm để ủ mầm hoa, diệt lộc trên khoảng 80 gốc vải: “Sau gần 1 tuần phun, vải có trổ hoa nhưng số lượng rất ít, chỉ lơ thơ một vài cành. Theo hướng dẫn của kỹ sư cũng như nhà sản xuất, chúng tôi phải chờ tới hơn 10 ngày mới có thể khẳng định được kết quả”. Trong nhóm sản xuất vải sạch tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap do ông Thành làm trưởng nhóm, hiện đang có 3/15 hộ đang tiến hành thử nghiệm phun thuốc. Phương pháp này đang được kỳ vọng thành công để cứu vãn diện tích vải vẫn đang “trơ lá”. “Chúng tôi giờ chỉ cố gắng hết sức, mặc dù biết rằng nếu thành công, cũng chỉ “cứu” được một phần nào, bù vào công chăm bẵm vườn vải suốt một năm trời, đặc biệt là với vải đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap”, ông Thành nói.

Trước nguy cơ mất mùa vải, huyện Lục Ngạn đã thành lập đoàn kỹ sư nông nghiệp, mở 127 lớp tập huấn tới từng xã, từng hộ nông dân, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tưới tiêu cũng như sử dụng các loại chế phẩm để phun, kích thích mầm hoa trước biến đổi khí hậu. Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn thừa nhận, sự vào cuộc của địa phương đang ở thế bị động. “Qua mùa vụ và những lớp tập huấn này, người nông dân và địa phương cũng sẽ nắm được những biện pháp hiệu quả, tác động sớm lên cây vải để chủ động hơn trong thời gian tới, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu”, ông Tăng Văn Huy khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.