Thời sự

Nóng: Dân Đồng Tâm không ra đối thoại với Chủ tịch Chung

20/04/2017, 16:24

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có mặt tại Mỹ Đức đối thoại với người dân Đồng Tâm nhưng người dân không đến.

nguyen-duc-chung-ivyk-1487407659039

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Chiều nay, 20/4, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã về huyện Mỹ Đức để giải quyết các vấn đề liên quan tới vụ vi phạm, gây rối trật tự ở xã Đồng Tâm. Đi cùng ông Chung có Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Đỗ Văn Đương, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức, Đại biểu HĐND, ĐBQH TP Hà Nội...

Đến 19h6", sau khoảng hơn 2 giờ chờ đợi, chỉ có đại diện chính quyền xã Đồng Tâm tới dự mà không có người dân nào, đoàn công tác vẫn tiến hành đối thoại. 

Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, tình hình trên địa bàn diễn ra nghiêm trọng, trong nhà văn hoá còn 20 cán bộ, công an bị giữ. Theo ông Sỹ, sự việc xảy ra là do người dân không tin đó là đất quốc phòng. Đa số người dân nói đó là đất nông nghiệp, họ nói những việc chúng ta làm vừa rồi là sai. Vì thế, đề nghị trung ương vào làm rõ khu đất giải tỏa là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp.

Phát biểu trước đại diện chính quyền xã Đồng Tâm và đông đảo báo chí, ông Nguyễn Đức Chung nói:

"Thành phố nhận được nguyện vọng của cán bộ cũng như nhân dân xã Đồng Tâm cần gặp lãnh đạo TP để đối thoại. Đến giờ phút này chỉ có mặt đại diện Ban chấp hành Đảng ủy, đại diện UBND, HĐND xã Đồng Tâm, không có đại diện nào là bà con nhân dân xã. Tuy nhiên, đoàn công tác thành phố, Ban Dân nguyện Quốc hội vẫn quyết định gặp gỡ cán bộ chủ chốt của xã Đồng Tâm.

Đề nghị các đồng chí vận động bà con giải tỏa chướng ngại vật vì chính chúng ảnh hưởng đến bà con; Vận động bà con thả cán bộ chiến sỹ, bởi trong số ấy có những người chính là người thân của bà con.

Từ ngày 15/4 đến nay, chúng tôi ghi nhận bà con vẫn đảm bảo cho cán bộ chiến sỹ ăn uống, tắm giặt. Nhưng bà con nên thực hiện theo đúng khẩu hiệu bà con treo ở đồng Sênh là "Sống và làm việc theo pháp luật".

Xem video phát biểu của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại điểm nóng Mỹ Đức tối 20/4

Đề nghị các đồng chí tuyên truyền bà con, không để con em người thân mình tiếp tục có những hành động trái pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn các đối tượng bên ngoài đến đây làm các việc phi pháp...

Tôi sẵn sàng tiếp tục chờ đợi để đối thoại trực tiếp với người dân xã Đồng Tâm..."

"Thành phố sẽ thanh tra toàn diện việc sử dụng quản lý và quá trình xử lý từ trước đến nay toàn bộ diện tích khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính của xã Đồng Tâm. Sau 45 ngày sẽ có kết luận.

Chúng tôi yêu cầu Viettel tạm dừng thi công tại khu vực này. Tôi cũng đã nói với người dân giữ nguyên hiện trạng, có tài liệu gì cung cấp cho đoàn thanh tra.

Thời gian qua bà con có kiến nghị, đã được xem xét xử lý nhưng cấp cơ sở xử lý chưa kịp thời, có việc chưa khách quan chưa đúng. Nhưng lần này Hà Nội sẽ trực tiếp làm và làm cho ra kết quả đúng đắn nhất, cá nhân tập thể nào vi phạm sẽ bị xử lý.

Nhiều người băn khoăn liệu công an có tấn công giải cứu con tin không? Chúng ta sống trong môi trường pháp luật, chính quyền tôn trọng người dân, lực lượng chức năng là để bảo vệ chứ không phải để đàn áp dân. Nhưng mọi việc làm đều có giới hạn nhất định, nên bà con cần suy nghĩ.

Ngày mai ngày kia, tôi lại chờ để có thể đối thoại, mong bà con sớm thực hiện những điều chúng tôi đề nghị ở trên.

Tôi cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo xã về tuyên truyền với bà con. Lần này Hà Nội đã mời đại diện Ban Dân nguyện của Quốc hội, Cục Cảnh sát Hình sự, thanh tra Chính phủ giám sát, bà con yên tâm, mọi việc sẽ được xử lý đúng đắn, khách quan.

Chúng tôi sẽ thông báo địa điểm thời gian sớm nhất để tiếp tục mời bà con đến đối thoại".

Tại cuộc đối thoại, Phó Chánh thanh tra Hà Nội đọc quyết định Thanh tra toàn diện quá trình sử dụng, quản lý đất khu vực Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Quá trình thanh tra sẽ diễn ra trong 45 ngày, kết quả thanh tra được thông báo rộng rãi cho bà con. 

Xem video công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất đai và quá trình xử lý từ trước đến nay toàn bộ diện tích khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính của xã Đồng Tâm

19h20, cuộc đối thoại kết thúc.

Trao đổi với báo chí ngay sau khi kết thúc cuộc đối thoại, ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm lý giải việc người dân đã không tới dự đối thoại là có thể họ chưa tin tưởng.

"Chủ tịch Hà Nội nói thế là rất rõ rồi, nhưng quan trọng là người dân có nhận thức được không. 

Tôi mong muốn nhiều cấp ngành vào cuộc chứ chỉ xã thì rất khó. Mong muốn của bà con là sớm ổn định trở lại, làm rõ đúng sai.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Vì sao người dân vẫn "đóng cửa" không đón người ngoài, không đến dự cuộc đối thoại, Ông Sỹ nói có thể vì họ lo lắng, chưa tin tưởng, họ sợ ra ngoài.

Trước khi rời hội trường, ông Sỹ cho biết "Đến thời điểm các cán bộ, chiến sỹ bị giữ ở nhà văn hóa thôn Hoành hiện vẫn được chăm sóc ăn uống đầy đủ. Và việc tuyên truyền chủ trương, cách xử lý của thành phố có thể thông qua hệ thống loa truyền thanh". Những loa này tiếp sóng của huyện, ông Sỹ nói.

Xem video Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Phạm Hồng Sỹ trả lời phỏng vấn về sự việc ở Đồng Tâm

18052272_1949651318603643_1035716193_o

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự- Bộ Công an có mặt tại hội trường Huyện ủy Mỹ Đức chờ đối thoại với người dân xã Đồng Tâm.

19h6", chỉ có đại diện chính quyền xã Đồng Tâm dự cuộc đối thoại mà không có người dân nào.

18h55", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã xuất hiện tại Hội trường huyện ủy Mỹ Đức, dù đến thời điểm này vẫn chưa người dân nào tới. Trước đó, ông làm việc với các cán bộ huyện ủy trong phòng làm việc.

Đến 18h35", dù lúc này trời đã tối nhưng cuộc đối thoại vẫn chưa thể diễn ra do người dân xã Đồng Tâm chưa tới.

PV Báo Giao thông đang có mặt tại UBND huyện Mỹ Đức cho biết, đến 18h5, vẫn chưa có người dân nào tới hội trường UBND huyện- nơi dự kiến diễn ra cuộc đối thoại.

Nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, đến 17h10, cuộc đối thoại vẫn chưa được diễn ra. Lãnh đạo huyện đang thuyết phục đại diện người dân lên đối thoại.

"Dân muốn Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trực tiếp xuống xã Đồng Tâm đối thoại, thay vì lên huyện. Hiện huyện vẫn đang tiếp tục vận động", nguồn tin cho biết.

18053294_1949651578603617_1741659453_o

Chỉ có đại diện Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Tâm dự đối thoại mà không có người dân nào.

Trước đó, người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã chịu tiếp xúc với một số phóng viên. Thậm chí một vài phóng viên được dân làng cho phép ngủ lại với điều kiện không tiếp cận khu vực nhà văn hóa, nơi 20 cán bộ, cảnh sát đang bị giữ. 

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời cụ Bùi Văn Nhạc, thôn Hoành cho biết người dân nơi đây vẫn đang mong muốn lãnh đạo cấp cao về phân định rõ giúp người dân về mốc giới xem đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp của dân.

Hoi truong doi thoai o My Duc, chu tich Chung

Hội trường UBND huyện Mỹ Đức - nơi dự kiến diễn ra cuộc đối thoại giữa người dân Đồng Tâm và Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Thông tin Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm gặp dân là tin nóng nhất trong ngày hôm nay và trong suốt diễn tiến vụ việc người dân Mỹ Đức bắt giữ 38 cán bộ chiến sỹ khi họ làm nhiệm vụ tại đây, kể từ ngày 15/4.

Ông Nguyễn Đức Chung đã được Thành ủy TP Hà Nội giao chỉ đạo trực tiếp giải quyết vụ việc, sớm ổn định tình hình tại Mỹ Đức. Tuy nhiên, những ngày qua, người dân thôn Hoành không tiếp tục thả người, họ  vẫn còn giữ 20 người trái phép với mong muốn sớm được đối thoại với lãnh đạo chính quyền.

Theo câu chuyện của người dân thôn Hoành trao đổi với báo chí, 20 người bị giữ ở nhà văn hóa hàng ngày được ăn, uống đầy đủ. Một số người được cung cấp quần áo để thay.  

Thông tin chính thức từ Hà Nội cho biết, ngày 15/4/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an TPHN đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ 4 công dân ở Đồng Tâm về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra.

Ngay sau khi Công an thành phố triển khai bắt giữ các đối tượng trên, người dân xã Đồng Tâm đã tập trung bao vây, không cho xe ô tô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn xã; giữ, đập phá 5 xe ô tô của lực lượng chức năng (gồm 1 xe chở quân, 3 xe Innova, 1 xe cứu thương); giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành.

Thành phố tổ chức 2 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động, tuy nhiên, các đối tượng không hợp tác, ném cát sỏi, đá làm một số cán bộ, chiến sỹ Công an Thành phố bị thương.

Doi thoai o my duc, chu tich nguyen duc chung

Lãnh đạo TP Hà Nội đã có mặt và chờ người dân đến đối thoại nhưng đến 18giờ chiều 20/4, trước cửa UBND và huyện ủy Mỹ Đức vẫn rất vắng vẻ. 

Hà Nội khẳng định đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh; không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, TP Hà Nội nói chung; gây xáo trộn, hoang mang tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân.

4 ngày sau vụ bắt giữ, cơ quan chức năng Hà Nội cũng cho biết đã cho tại ngoại 4 công dân ở Đồng Tâm vừa bị khởi tố tạm giữ vì gây rối trật tự công cộng. Và chiều 18/4, người dân Đồng Tâm đã thả 18 người trong tổng số 38 người bị họ bắt giữ trái phép.

Theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn,  quan điểm chỉ đạo của Hà Nội là sẽ lắng nghe người dân và giải quyết quyền lợi của những người bị ảnh hưởng trong vụ việc này một cách thỏa đáng.

Dân Đồng Tâm Mỹ Đức khiếu kiện đất đai nhiều năm nay

Năm 1980, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức). Đến tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng), với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.

Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03ha đất quốc phòng do Quân chủng phòng không không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).

Do có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng trên đất quốc phòng nên người dân trên địa bàn xã Đồng Tâm đã có đơn thư khiếu tố lên các cơ quan của huyện và thành phố.

Những khiếu kiện kéo dài và bức xúc của người dân khiến mâu thuẫn được đẩy lên cao trào vào ngày 15/4, khi 4 người dân ở xã này bị khởi tố, bắt tạm giam vì gây rối trật tự công cộng. Phản ứng với chính quyền, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 cán bộ huyện, chiến sỹ tham gia giải quyết vụ việc. Đến nay, sau 6 ngày, mới có 18 người được thả.

Xem thêm video lãnh đạo TP Hà Nội nói về vụ gây rối ở Đồng Tâm, Mỹ Đức:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.