Thị trường

Nông sản Việt như cô gái quê chờ người tới tán tỉnh

06/06/2018, 15:35

Đây là cách ví von đầy văn chương nhưng hết sức sâu cay về thực trạng nông sản Việt Nam...

Untitled

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, chủ doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

Được mùa vẫn thua

Cách ví con hết sức ẩn dụ trên là của bà Nguyễn Thị Thành Thực, chủ doanh nghiệp kinh doanh nông sản, một người có hơn 20 năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Thu mua nông sản đến 20 năm nhưng bà Thực vẫn tự nhận còn thua thương lái Trung Quốc khi họ biết tới từng ngõ ngách của Việt Nam, biết Việt Nam có những nông sản nào ngon, thời điểm nào thu hoạch và thu mua ở đâu.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề "Nông nghiệp" ngày 5/6, trả lời câu hỏi át chủ bài cho nông sản Việt Nam là gì, bà Thực thẳng thắn cho rằng đó là khâu thương mại. “Hơn 70% nông sản của ta bán sang Trung Quốc nhưng ta lại không có gian hàng nào ở đây. Mà chờ người ta tới mua. Nông nghiệp Việt Nam như một cô gái quê danh giá, chỉ ngồi nhà chờ người ta tới tán tỉnh, hỏi mua”, bà Thực ví von.

Bà Thực khẳng định, người dẫn dắt khâu thương mại là người quyết định sản xuất và chế biến. Hiện nay, tốc độ phát triển của công nghệ thông tin quá nhanh nên ta phải có chợ thương mại điện tử. “Không có lý gì một doanh nghiệp công nghệ như FPT không thành lập được chợ thương mại điện tử”, bà Thực đặt vấn đề với doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về công nghệ là FPT cùng ông Trương Gia Bình, người có mặt tại hội thảo với vai trò điều phối phiên thảo luận về thị trường cho nông sản. Còn với cách làm nông nghiệp hiện nay của Việt Nam, từ kinh nghiệm thực tế bà Thực cho rằng, chúng ta vẫn sẽ thua trên sân nhà bởi “nếu ta được mùa mà họ cũng được mùa, họ vẫn có thể bán sang ta với giá rất rẻ”, bà Thực nói.

Hai câu chuyện của bà Kim Hạnh

Cũng là người lăn lộn thị trường giống bà Thực, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao kể, bà đã có 10 ngày mang gạo hữu cơ sang Thái Lan tham dự triển lãm nông sản. “Chúng tôi dùng thuyền thúng tới 1,2m và đổ đầy gạo hữu cơ vào đó. Người Thái thấy thế đổ đến chụp hình rồi hỏi han rất nhiều”, bà Hạnh kể và cho biết, người Thái tìm cách nắm bắt thông tin vì họ cho rằng, đó là đối thủ mang gạo tới cạnh tranh sát ván với họ. “Nhưng ngay sau đó có người đã nói đừng lo, không xuất khẩu được đâu vì Nghị định 109 vẫn còn và người Thái rất cảm ơn chúng ta vì doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu được loại gạo này”, bà Hạnh cay đắng nói. Bà cũng cho rằng, với Nghị định 109 về xuất khẩu gạo, Thủ tướng đã yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn để “cởi trói” cho xuất khẩu, vậy mà tới nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được.

Còn ở trong nước thì sao? “Hai năm nay đi khảo sát với các hợp tác xã, doanh nghiệp để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, tôi đã phát hiện nhiều thực tế và tôi rất sốc. Tôi sốc vì nông dân và doanh nghiệp của ta ít quan tâm tới tiêu chuẩn nhất là tiêu chuẩn quốc tế. Mình toàn xuất thô, bán tiểu ngạch nên bị người ta xét giấy tờ. Khi không đáp ứng được tiêu chuẩn sao vào được thị trường của họ”, bà Kim Hạnh nói.

Bà Hạnh cho rằng, hiện nay Việt Nam đã bị các thị trường tiêu thụ phát triển từ chối và các nước này đã phát đi cảnh báo chất lượng nông sản. Do đó, bà Hạnh nhận định, phải sản xuất các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm an toàn mới lấy lại được danh dự cho nông sản Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.