Xã hội

Sạt lở đất ở Quảng Nam: Tìm thấy 8 thi thể ở Trà Vân, 8 ở Trà Leng

28/10/2020, 08:50
image

Lực lượng chức năng đang tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến 45 người bị vùi lấp...

img
Mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam

Nhóm PV Báo giao thông liên tục cập nhật thông tin về vụ sạt lở đất ở Quảng Nam ngày 29/10. Những thông tin mới nhất về hiện trường, công tác tìm kiếm, cứu hộ của lực lượng chức năng đang diễn ra.

Tìm thấy 16 thi thể

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, đến 10h cùng ngày, đã tìm thấy tổng cộng 16 thi thể người dân mất tích. Trong đó, có 8 người ở xã Trà Vân và 8 người ở thôn 1, xã Trà Leng.

Nổ mìn phá đá, đẩy tiến độ nối tuyến QL40 lên khu sạt lở

9h sáng 29/10, nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng đang được ngành GTVT tăng cường lên khắc phục các điểm sạt lở trên QL40B.

Thông tin từ Sở GTVT Quảng Nam cho biết, đơn vị chức năng đã phá đá nổ mìn điểm sạt lở Km 68 QL40 (Bắc Trà My), huy động cả chục máy móc, thiết bị chuyên dụng hót dọn, tập trung tối đa đẩy nhanh tiến độ thông tuyến.

Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, lãnh đạo UBND tỉnh và Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam trực tiếp ở hiện trường sạt lở và sở chỉ huy tiền phương lập tại Bắc Trà My.

Thống kê Sở GTVT Quảng Nam, đoạn tuyến Bắc Trà My lên Nam Trà My (ngã ba đường lên điểm sạt lở) dài khoảng 20km, hiện có 4 điểm sạt lở: Km68, K93+800, Km95+130, Km 96+140, nặng nhất là điểm K68 Ql40. Đoạn phía Nam Trà My (Quảng Nam) đang được lực lượng tại chỗ, ngành GTVT tập trung xử lý sạt lở đoạn Km 96+140.

Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, phương châm ngành GTVT mở đường dưới đánh lên, trên đánh xuống, tạo 2 mũi chủ lực để thông tuyến Bắc Trà My lên Nam Trà My.

Riêng đoạn đường từ QL40B lên hiện trường sạt lở xã Trà Leng (Nam Trà My) dài khoảng 16km có 3 điểm sạt lở, cắt đường. Ngành GTVT chỉ đạo đơn vị kinh doanh mỏ đá ở đầu tuyến tập trung máy móc để xử lý sạt trượt, nối tuyến.

Tại khu vực này có 1 doanh trại bộ đôi, đơn vị này cũng tập trung cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện hiện có để đẩy tiến độ khắc phục hư hại, sạt lở tuyến.

img
img
img

Tăng cường máy phát điện, phục vụ tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở

Từ ngày hôm qua cơn bão số 9 gây hư hỏng hạ tầng điện lưới nên toàn bộ địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (khu vực xảy ra sạt lở vùi lấp người) bị mất điện.

Sáng nay (29/01), điện lực địa phương đã dùng máy phát điện cũng cấp cho cơ quan chính quyền huyện Nam Trà My để tạo liên lạc với Ban chỉ huy cứu nạn tiền phương tại huyện Bắc Trà My.

Nhằm đảm bảo nguồn điện, Tổng công ty điện lực miền Trung, sáng 29/10, tăng cường thêm 4 máy phát điện từ TP. Tam Kỳ lên trạm chỉ huy cứu nạn tiền phương và dự phòng cung cấp cho khu vực xảy ra sự cố sạt lở đất. Để khơi thông, mở đường vào hiện trường sạt lở, tìm kiếm người mất tích, ngành GTVT Quảng Nam huy động thêm phương tiện xe máy từ các địa phương Tiên Phước, Tam Kỳ, tăng cường thực hiện nhiệm vụ mở đường.

img
img

Đoàn công binh, xe múc lên hiện trường vụ sạt lở đất ở Quảng Nam

Đến 6h sáng 29/10, lực lượng Công binh thuộc Quân khu 5 (Bộ Quốc phòng) vẫn tiếp tục thông tuyến đường QL40 - con đường độc đạo dẫn lên hiện trường sạt lở tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Ghi nhận tại đoạn hầm chui cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh), một cây xanh cỡ một người ôm đổ chắn đường khiến đoàn xe cứu hộ không thể tiếp tục di chuyển.

Lực lượng công binh phải cưa cây, mất gần 1 giờ đồng hồ mới thông được vị trí này để đoàn xe tiếp tục tiến về hướng Nam Trà My.

Đoàn xuất phát từ 3h sáng 29/10 để đưa cán bộ chiến sĩ và 2 xe múc cỡ lớn lên hiện trường.

Tuy nhiên, việc di chuyển đến hiện trường gặp nhiều khó khăn do nhiều vị trí cây xanh đổ, dây điện giăng xuống gần mặt đường.

imgimg

Lực lượng công binh phải cưa cây, mất gần 1 giờ đồng hồ mới thông được vị trí này để đoàn xe tiếp tục tiến về hướng Nam Trà My

imgimg

Tuyến đường QL14E đi vào trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khu vực xảy ra sạt lở khiến nhiều người tử vong, mất tích. (Ảnh hiện trạng đường bị sạt lở, đất đá vùi lấp mặt đường trong đợt mưa lũ này).

Ghi nhận PV Báo Giao thông, đến sáng nay (29/10), hàng loạt thiết bị chuyên dụng, máy đào, múc... được lực lượng nòng cốt ngành GTVT Quảng Nam tăng cường lên hiện trường sạt lở trên tuyến QL40B, lên Nam Trà My.

Đến nay đoạn tuyến Tam Kỳ lên Bắc Trà My cơ bản thông tuyến, đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, từ Bắc Trà My lên khoảng hơn chục cây số, đến Km 68 QL40B xuất hiện sạt lở taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường. Đáng kể, tảng đá mồ côi lớn lăn sạt xuống lòng đường, khiến việc lưu thông tại đây hoàn toàn đứt đoạn.

Nhận chỉ đạo trực tiếp từ Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ triển khai công tác thông tuyến, mở đường cứu nạn theo Công điện của Thủ tướng, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam có mặt hiện trường, chỉ đạo phương án xử lý hư hại. Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam cũng có mặt hiện trường, đôn đốc các lực lượng chức năng phối hợp để hót dọn, khơi thông điểm sạt lở, nối lại lưu thông.

img
Lực lượng nòng cốt ngành GTVT điều phương tiện, thiết bị chuyên dụng lên mở đường, sớm thông tuyến sạt lở, phối hợp cứu hộ, cứu nạn

Trao đổi với PV, ông Tuấn cho hay, khối lượt sạt lở quá lớn, phức tạp nhất là tảng đá lăn. Đơn vị chủ động phương án nổ mìn phá đá hoặc dùng búa tạ... Mục tiêu xử lý nhanh, hiệu quả nhất.

Theo ông Tuấn, ghi nhận sơ bộ đoạn tuyến QL40B từ Bắc Trà My lên Nam Trà My có khoảng 4 điểm sạt lở lớn. Chủ yếu sạt taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp chỉ đạo thông tuyến cứu nạn

Trong sáng nay (29/10), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo thông tuyến sạt lở, mở đường cứu nạn lên khu vực Nam Trà My. Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, phương châm tập trung, quyết liệt tối đa. Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng "nòng cốt" sở GTVT, Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN), Ban QLDA 5... tăng cường nhân vật lực, mũi thi công. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 để cứu hộ cứu nạn nhanh, hiệu quả nhất.

Đến nay, ngành GTVT đã huy động hơn 30 thiết bị xe máy chuyên dụng múc, đào tổ chức thông tuyến với phương châm "dưới đánh lên, trên đánh xuống". Các lực lượng tại chỗ của địa phương cũng tăng cường thêm 3 thiết bị xe máy chuyên dụng tham gia.

"Có thể khẳng định mình đã huy động số thiết bị vượt nhu cầu, tính cả phương án dự phòng. Hiện, trên khu vực Nam Trà My đang tổ chức mũi khắc phục sạt lở để sớm nối lưu thông đoạn QL40B này.

Riêng đoạn từ QL40B lên hiện trường sạt lở dài khoảng 16km đến nay vẫn sạt lở, cắt đường và rất khó để tiếp cận. Tôi đã liên lạc với lãnh đạo huyện Nam Trà My từ 1 giờ khuya qua, nhưng việc tiếp cận bằng đường bộ đoạn tuyến này gặp khó khăn", ông Tuấn nói.

Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, QL40B có mặt đường khá nhỏ nên việc tổ chức mũi thi công phù hợp. Sở ưu tiên mũi tiên phong, mở đường sớm, sau đó đến các mũi khắc phục, đảm bảo giao thông tạm.

53 người bị vùi lấp tại 2 thôn, đã tìm thấy 7 thi thể

Đêm 28/10, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 ở trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó.

Thông tin về vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng cho biết sự cố xảy ra tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

"Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, đã vùi lấp nhiều người," Phó Thủ tướng nói.

img
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn trong đêm 28/10 với các lực lượng chức năng để triển khai các phương án cứu hộ cứu nạn người dân ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My

Cụ thể, tại thôn 1 xã Trà Leng, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người khác thoát nạn.

Còn tại thôn 1 xã Trà Vân, có 8 người bị vùi lấp.

Thông tin mới nhất lúc 23h đêm 28/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 7 thi thể trong vụ sạt lở đất ở xã Trà Vân, hiện vẫn còn 1 người mất tích.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, hiện đã có thông tin ban đầu về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng, tuy nhiên từ trung tâm xã đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận (quãng đường từ trung tâm huyện Nam Trà My đến xã Trà Leng khoảng 25km).

Theo Phó Thủ tướng, một số sự cố có thể lường trước được nhưng riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi rất khó đoán định. "Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy", Phó Thủ tướng chia sẻ.

"Đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó, phải tập trung lực lượng, thiết bị, chỉ huy hậu cần với phương châm 4 tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ này", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần đặc biệt tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân. "Khó nhưng cũng phải làm", Phó Thủ tướng quán triệt.

img
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thảo luận phương án cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất

Thủ tướng gửi công điện khẩn, yêu cầu cứu hộ bằng mọi biện pháp

Trước đó, nhận được tin báo tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp nhiều nhà dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn gửi Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lúc 22h30 cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 5 họp khẩn tại Trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam để bàn biện pháp cứu hộ cứu nạn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 9, từ 9h ngày 28/10, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có gió mạnh từ cấp 8-10.

Tổng lượng mưa bình quân từ 150-300 mm. Mưa lớn khiến mực nước một số trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh liên tục dâng cao: Trên sông Thu Bồn ở thành phố Hội An là 0,96 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m; trên sông Tam Kỳ ở thành phố Tam Kỳ là 0,82 m, cao hơn báo động 1 là 0,82 m; trên sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc là 6,54 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m.

Báo Giao thông tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc...

Cảnh báo lũ đặc biệt lớn trên sông Vu Gia

Chiều 28/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lũ trên sông Vu Gia đang lên rất nhanh, mực nước lúc 16h ngày 28/10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55m dưới báo động 2 là 0,25m.

Trong khi đó, Công ty CP Thủy điện Đăk Mi thông báo vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 (tăng lưu lượng xả tràn lần 2).

Theo đó, thời điểm bắt đầu vận hành vào lúc 15h30 ngày 28.10, lưu lượng xả tràn dự kiến đến 11.400m3/s

Lưu lượng thủy điện Đắk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100m3/s.

Trường hợp thủy điện tiếp tục duy trì mức xả như hiện tại về hạ lưu, dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 10,3m, trên báo động 3 là 1,3m (dưới mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,47m).

Trường hợp thủy điện xả xuống hạ lưu như dự kiến, tức 11.400m3/s, từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2m, trên báo động 3 là 2,2 mét, vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m.

Trung tâm Dự báo Thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ cao gây ngập lụt sâu trên nhiều vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn Duy Xuyên, Hội An và TP.Đà Nẵng.

Đồng thời cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất là cấp 4.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.