Thị trường

Nóng: Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo loạt vấn đề về xăng dầu

07/07/2022, 12:32

Bộ Công thương được yêu cầu báo cáo về vấn đề liên quan đến kinh doanh xăng dầu như quy hoạch, hệ thống, quản lý, quỹ bình ổn...

Loạt vấn đề cần được báo cáo

Thanh tra Chính phủ vừa có công văn số 1012, gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các thương nhân đầu mối xăng dầu… về việc cử tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị nêu trên báo cáo, tổng hợp và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

img

Vấn đề xăng dầu "nóng" nhiều tháng qua về dự trữ, điều hành, cấp phép... Bộ trưởng Công thương cũng đã có công văn yêu cầu nghiên cứu sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu

Các nội dung được yêu cầu báo cáo như quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; việc tổ chức quản lý kinh doanh xăng dầu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Niên độ báo cáo theo yêu cầu từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/3/2022.

Cụ thể, Bộ Công thương được yêu cầu báo cáo về việc lập và công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; Quy hoạch phát triển hệ thống kho cảng xăng dầu đầu mối, kho xăng dự trữ chiến lược và dự trữ lưu thông… Các quy hoạch đã được phê duyệt, việc công khai, kết quả thực hiện quy hoạch, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân…

Về nội dung tổ chức và quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo về quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; Sản xuất, pha chế xăng dầu; Dự trữ xăng dầu... làm rõ tổng số đơn vị được cấp phép, trách nhiệm của từng đơn vị trong đảm bảo nhu cầu cung ứng xăng dầu trên thị trường và khi Nhà nước có yêu cầu.

Bộ Công thương cũng được yêu cầu báo cáo việc quản lý về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như quy trình kiểm định, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, khối lượng xăng dầu...;

Đồng thời, báo cáo về nhu cầu, kế hoạch, khối lượng, tiến độ nhập khẩu hàng năm đối với việc kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; Kế hoạch sản xuất, khối lượng sản xuất hàng năm về sản xuất, pha chế xăng dầu...

Về dự trữ xăng dầu, cơ quan thanh tra yêu cầu phải báo cáo tổng số cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự trữ xăng dầu (dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia), nêu trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể; Cơ sở hạ tầng lưu trữ; Quy trình dự trữ xăng dầu, quy trình xuất, cấp xăng dầu; Khối lượng xăng dầu dự trữ, thời gian dự trữ xăng dầu... trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự trữ xăng dầu khi Nhà nước có yêu cầu phải đảm bảo cung cầu trên thị trường.

Làm rõ việc điều hành quỹ bình ổn xăng dầu

Quy trình trích, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu cũng được yêu cầu báo cáo. Đó là những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; Việc niêm yết công khai giá bán xăng dầu, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, tổng số các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đã thực hiện, tổng hợp số liệu kiến nghị, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý... cũng được yêu cầu làm rõ.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Thanh tra chính phủ cũng đề nghị các Bộ Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ căn cứ vào trách nhiệm của bộ mình được quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định số 95 báo cáo về các nội dung sau đây: Việc xây dựng, ban hành kế hoạch, quyết định phân công tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ.

Việc tham mưu theo thẩm quyền để cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để thực hiện các nhiện vụ được giao.

Việc ban hành chính sách và quy định pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện hàng năm; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Công tác tự thanh tra, kiểm tra, việc xử lý sau thanh tra về các nhiệm vụ được giao: Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện; tồn tại hạn chế, vi phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.