Tài chính

“Nóng” tín dụng bất động sản, mỗi ngân hàng một chính sách

17/05/2022, 06:26

Tín dụng bất động sản có còn là khoản cho vay an toàn. Vì sao hiện nay, mỗi ngân hàng có một chính sách khác nhau về cho vay bất động sản?

Cổ đông truy vấn ngân hàng

“Mới đây Ngân hàng Nhà nước có động thái mạnh mẽ trong việc siết tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Vậy SHB có bị ảnh hưởng hay không, có tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh của SHB hay không”, một cổ đông đã thẳng thắn đặt câu hỏi với lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Sở dĩ các cổ đông SHB quan tâm nhiều tới bất động sản và tín dụng bất động sản bởi liên tục thời gian qua bất động sản “nóng” lên khi giá đất nhiều địa phương tăng mạnh.

img

Các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu vẫn trông vào hệ thống tín dụng nên khi kênh này siết lại, thị trường bị tác động mạnh Ảnh: Tạ Hải

Bên cạnh đó là động thái tiếp tục siết chặt tín dụng chảy vào lĩnh vực này từ phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước.

Nhất là khi SHB bị cho là dính dáng tới vụ việc của Tân Hoàng Minh khi ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuộc tập đoàn này.

Không liên quan đến Tân Hoàng Minh nhưng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) lại cấp nhiều tín dụng cho FLC và doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC, trở thành chủ nợ lớn nhất của tập đoàn này tính đến cuối 2021.

Do đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của Sacombank mới đây, nhiều cổ đông chất vấn lãnh đạo ngân hàng này về khoản nợ của FLC và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC có khiến ngân hàng gặp khó khăn, nhất là sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam do thao túng giá chứng khoán.

Để trấn an cổ đông, lãnh đạo Sacombank đã cung cấp số liệu cụ thể liên quan đến khoản nợ của FLC cho nhà đầu tư.

Lãnh đạo Sacombank cho hay, dư nợ Tập đoàn FLC và Bamboo Airways tại Sacombank là 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, Sacombank đã thu nợ được 2.600 tỷ đồng và dự kiến số nợ còn lại sẽ được thu hồi xong trong tháng 5.

Lãnh đạo Sacombank tiết lộ, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản chiếm 22% tổng dư nợ của Sacombank. Nếu xét về con số tuyệt đối, dư nợ cho vay riêng các doanh nghiệp bất động sản khoảng 30.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ 400.000 tỷ đồng, tương đương 7,5%.

Liên quan đến các khoản vay của FLC còn có Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của OCB, trả lời cổ đông về tín dụng bất động sản, lãnh đạo ngân hàng cho biết, dư nợ cho vay FLC tại OCB khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 dự án bất động sản tại Quảng Ninh; cùng với khoản tín dụng khoảng 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways vay được với thế chấp bằng bất động sản.

Cho vay bất động sản có an toàn?

Thời gian qua, có hai ngân hàng thông báo “siết” tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là Sacombank (dừng giải ngân tới ngày 30/6) và Techcombank (ngừng giải ngân từ ngày 25/3 - 31/3).

Giám đốc một chi nhánh phòng giao dịch Cầu Giấy một ngân hàng quốc doanh cho biết, ngoài hai ngân hàng trên, các ngân hàng khác vẫn cho vay mảng bất động sản.

“Bên tôi chưa có chủ trương siết cho vay bất động sản. Người dân vay mua nhà, sửa nhà, thủ tục vẫn bình thường. Với doanh nghiệp, dự án, phải xét duyệt chặt, có những dự án đích thân giám đốc phải xem xét cẩn thận tài chính, dòng tiền và dự án của doanh nghiệp”, vị giám đốc chi nhánh nói và cho biết, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản không phải vấn đề chính của ngân hàng này giai đoạn hiện nay cũng như từ nay tới cuối năm.

Về chất lượng tín dụng bất động sản, thông tin tới các cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank cũng cho hay, khách hàng những năm qua chủ yếu là người dân vay mua nhà và các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay mua đất đầu cơ.

Với giải ngân vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch Techcombank cho biết, khi đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng phải thẩm định như một khoản cho vay trung và dài hạn, bao gồm phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ…

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngân hàng, việc luân chuyển dòng tiền trong nội bộ doanh nghiệp, ngân hàng không thể kiểm soát được.

Vốn ấy cuối cùng có đi vào đúng mục đích sản xuất hay doanh nghiệp rót vào lĩnh vực rủi ro, ngân hàng khó có thể kiểm soát đến tận cùng.

Ngân hàng đôn đáo thu nợ

Thời gian qua, hàng loạt khối tài sản đảm bảo trị giá từ vài chục đến cả nghìn tỷ đồng được các ngân hàng rốt ráo rao bán để thu hồi nợ xấu.

Cao điểm, có tháng một ngân hàng trung bình có 2 thông báo/ngày. Đơn cử như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã phát tới 60 thông báo về việc bán đấu giá tài sản, bán đấu giá khoản nợ, lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản, thẩm định tài sản bảo đảm... chỉ trong tháng 3.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có 40 thông báo, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) ra 24 thông báo…

Một tay cho vay, một tay thu nợ, tuy nhiên không vì phải thu nợ nhiều mà ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản vốn có nhiều tiềm năng với nhu cầu lớn, lãi suất cao.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ABBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản thời gian tới.

Hiện dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng này mới chiếm 6,75% trên tổng dư nợ, lượng trái phiếu doanh nghiệp sở hữu mới dừng 6.600 tỷ đồng trong đó có 4.100 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Do đó, dư địa để ABBank tiếp tục giải ngân cho mảng bất động sản vẫn còn dư dả.

Cần điều chỉnh dòng vốn

Theo TS. Vũ Đình Ánh, nguồn vốn cho bất động sản hiện khá đơn điệu khi Việt Nam chưa có các quỹ như nhiều thị trường trên thế giới.

Do đó, các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu vẫn trông vào hệ thống tín dụng. Nếu không có vốn ngân hàng, họ sẽ phải giảm cung dự án dẫn đến thị trường thiếu hụt nguồn cung.

Ông Ánh cho rằng, như vậy là đi ngược lại với chiến lược cải thiện điều kiện sống cho người lao động, tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người của Việt Nam.

Còn với các tổ chức tín dụng, nếu liên kết với các chủ đầu tư uy tín thì tín dụng bất động sản là khoản cho vay an toàn. Nếu tiếp tục siết tín dụng bất động sản, ngân hàng sẽ dư thừa vốn và gây khó cho cả hệ thống.

Bất động sản không chỉ là mảnh đất mà bao gồm cả giá trị của những công trình trên đất. Đây cũng là lĩnh vực đóng góp rất lớn vào GDP, là nơi tạo ra cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội như phát triển công nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển thương mại…

Ông Ánh cho rằng, sau 2 năm Covid-19, chúng ta đang đứng trước cơ hội để phục hồi. Nếu vốn tín dụng bị siết chặt một cách bất hợp lý, chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn này.

“Chủ trương siết là không sai nhưng dự án tốt, sản phẩm tốt thì sao phải siết. Việc cần làm điều chỉnh dòng vốn vào đúng người có nhu cầu thực sự, với cả cá nhân và doanh nghiệp”, chuyên gia này nói.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, nguồn vốn tín dụng bất động sản hết quý I/2022 tăng khoảng 2,4% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở khoảng 65% (1,45 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 35% (0,78 triệu tỷ đồng).

Trong khi đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng cao: Vietcombank 424%; BIDV đạt 235%; VietinBank trên 170%...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.