Thị trường

Nông trường Sông Hậu chờ “giải cứu” hàng ngàn tấn nhãn, hàng trăm tấn sữa

Nơi tiêu thụ nhãn và sữa thanh trùng Farm Milk của người dân bị “đứt”, phải kêu gọi “giải cứu”.

Nhãn chờ rụng

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều người dân trồng nhãn trên địa bàn xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đang điêu đứng vì đã đến thời gian thu hoạch nhưng rất ít thương lái đến mua. Nguyên nhân là TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đầu ra tắc, nhiều nông dân đang trông phải chờ “giải cứu” nhãn.

img

Người nông dân trồng nhãn đang điêu đứng trông chờ giải cứu. Ảnh: Thành Nhân

Chiều 20/7, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên toàn địa bàn xã Thới Hưng đang bước vào mua thu hoạch nhãn. Ông Cao Văn Đào (49 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng) cho biết: “Tôi đã trồng nhãn hơn 10 năm nay, với tổng diện tích 7,5ha. Trong đó, 2,5ha đang vào vụ thu hoạch, còn lại đến tháng 7, tháng 8 tới sẽ thu hoạch”.

Theo ông Đào, những năm trước, thương lái đến mua số lượng lớn đóng thùng chở ra chợ đầu mối ở TP.HCM để bán. Nhưng giờ do ảnh hưởng dịch Covid-19, thương lái mua số lượng rất hạn chế, và giá mua chỉ trên dưới 6.000 đồng/kg. Gần đây, mưa nhiều khiến nhãn bị hư hỏng và rơi xuống vườn rất nhiều.

“Khi các tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, một số nơi tạm dừng chợ truyền thống nên thương lái đến mua số lượng rất ít, dẫn đến nhãn bị tồn đọng. Tôi đã lên UBND xã Thới Hưng để nhờ sự hỗ trợ, tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho người nông dân”, ông Đào nói.

img

Nhiều diện tích nhãn đang vào thời điểm thu hoạch, thương lái ít đến thu mua. Ảnh: Thành Nhân

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết, khu vực Nông trường Sông Hậu có tổng diện tích hơn 6.200ha. Trong đó, người dân trồng nhãn với hơn 600ha tại xã Thới Hưng. Hiện nông dân nông trường đang thu hoạch rộ khoảng 200ha, với sản lượng khoảng 1.600 tấn.

Theo ông Phú, vấn đề khó khăn hiện nay là đa số bà con bán cho thương lái và sau đó sẽ vận chuyển bán ở chợ đầu mối ở TP.HCM - chiếm hơn 70%. Khi 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTG, trong đó, TP Cần Thơ và TP.HCM đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên việc vận chuyển đi nơi khác cũng gặp khó khăn.

“Mấy hôm nay mưa nhiều, các hộ trồng nhãn bỏ trái rụng đầy gốc, có người bán được với giá rất thấp khoảng 6.000 đồng/kg nhãn Ido, 20.000 đồng/kg thanh nhãn, không đủ chi phí và công chăm sóc, thu hoạch đã khiến người nông dân đang ngồi trên đóng lửa để chờ “giải cứu” nông sản.

img

Mưa nhiều, nhãn bị hư hỏng gây thiệt hại năng suất. Ảnh: Thành Nhân

Việc thuê nhân công thu hoạch cũng rất khó khi đang phải thực hiện giãn cách xã hội và Cần Thơ đang tạm dừng hoạt động chợ truyền thống, dẫn đến khó khăn nơi tiêu thụ đầu ra nông sản cho người nông dân”, ông Phú nói.

Sữa bế tắc đầu ra, nhờ địa phương giải cứu

Tương tự nhãn, mặt hàng sữa thanh trùng nhãn hiệu Farm Milk của Công ty TNHH Food Farm cũng lâm vào giai đoạn khó khăn.

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Võ Kim Cương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Food Farm cho biết, ngày 8/7, công ty đã có công văn gửi Sở NN&PTNT và Sở Công thương TP. Cần Thơ về việc xin tham gia chương trình bán hàng hỗ trợ.

Theo ông Cương, Công ty TNHH Food Farm thành lập vào năm 2013 với ngành nghề kinh doanh sản xuất sữa thanh trùng và chăn nuôi bò sữa. Công ty có nhà máy sản xuất cùng trang trại chăn nuôi bò sữa tại ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

“Hiện nay, công ty có đàn bò trên 500 con và sản lượng tiêu thụ trung bình 1,5 tấn/ngày. Hơn 6 năm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sữa thanh trùng nhãn hiệu Farm Milk, thị trường chính của công ty là TP.HCM. Khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị số 16 từ ngày 9/7/2021 đã ảnh hưởng đến các kênh phân phối. Một số phải đóng cửa và một số nơi đã bị phong tỏa, xe vận chuyển hàng hóa không vào được vì thế công ty gặp khó khăn”, ông Cương nói.

img

Mặt hàng sữa thanh trùng của Công ty TNHH Food Farm cũng đang nhờ chính quyền TP. Cần Thơ hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: Thành Nhân

Với giá hiện bán tại các siêu thị ở TP.HCM là 50.000 đồng/lít, nhưng công ty cam kết bán mức giá hỗ trợ cho TP Cần Thơ trong chương trình này là 35.000 đồng/lít nhằm giúp công ty vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Hoàng Nhiệm, Phó chủ tịch UBND xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.000ha trồng nhãn. Trong đó, có hơn 66,5ha nhãn đang thu hoạch, ước tính với tổng năng suất là hơn 484 tấn. Số còn lại đang cho trái và ra bông, dự kiến trong tháng 7 và tháng 8 tới sẽ thu hoạch.

Theo ông Nhiệm, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thương lái ít đến mua nông sản cho bà con dẫn đến việc nông sản vào thời điểm thu hoạch không ai đến mua và tiêu thụ nông sản cho bà con.

Mới đây, UBND xã Thới Hưng đã làm báo cáo nhanh về tình hình diện tích trồng nhãn trên địa bàn gửi về Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ để huyện nắm thông tin, tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho bà con.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.