Quản lý

Nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện, tiện đủ đường

14/09/2016, 07:05

Người vi phạm giao thông có thể đến bưu cục gần nhất nơi mình sinh sống để nộp phạt vi phạt.

1

Anh Nguyễn Bá Tùng (Nông Cống, Thanh Hóa) thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông qua đường bưu điện - Ảnh: Phúc Tuấn

Thay vì phải mất thời gian đi lại, chờ đợi, giờ đây, người vi phạm giao thông chỉ cần đến bưu cục gần nhất nơi mình sinh sống để nộp phạt và nhận lại giấy tờ qua đường chuyển phát nhanh về tận nhà.

Tiết kiệm thời gian, tránh phiền toái

Sáng 30/8, ông Hà Văn Huân, trú tại thôn 9, xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ điều khiển xe máy trên QL2 đoạn qua TP Việt Trì vi phạm tốc độ bị CSGT dừng xe và lập biên bản vi phạm. Ông Huân được Tổ công tác thông tin, người vi phạm có thể đăng ký sử dụng dịch vụ nộp phạt qua đường bưu điện nếu có nhu cầu.

Vì nhà ở khá xa địa điểm nộp phạt, ông Huân đồng ý ngay. Ngoài số tiền nộp phạt giao thông theo quy định, ông Huân còn chịu mức phí dịch vụ 70 nghìn đồng. Chỉ sau một ngày, phía bưu điện đã gửi trả lại GPLX tận nhà cho ông Huân.

“Trước đây, khi vi phạm giao thông bị tạm giữ giấy tờ, tôi phải đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt rồi đem biên lai đến trụ sở CSGT nhận lại giấy tờ xe theo thời gian hẹn của CSGT, mất thời gian chờ đợi, đi lại. Giờ có dịch vụ này tốt quá”, ông Huân nói.

Ngày 12/9, ghi nhận tại bộ phận xử lý của Phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa, có hàng chục người đến đăng ký dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện. Tại đây, có một nhân viên của bưu điện chốt trực, làm thủ tục ủy quyền cho bưu điện nộp phạt chỉ mất 3-5 phút.

Anh Nguyễn Bá Tùng (SN 1991, ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cho hay, chỉ cần nộp số tiền vi phạm của mình kèm theo phí dịch vụ cho bưu điện là về nhà, chả lo chạy đôn đáo sang kho bạc, quay lại trụ sở CSGT chờ lấy giấy tờ nữa. “Mất thêm ít tiền nhưng rất tiện lợi”, anh Tùng vui vẻ.

Chị Phạm Ngọc, nhân viên của Trung tâm Bưu điện TP Thanh Hóa cho biết, ngày cao điểm nhất ở đây, chị làm thủ tục cho 24 trường hợp, còn bình thường trung bình từ 13-15 trường hợp/ngày đến đăng ký nộp tiền phạt giao thông qua bưu điện. “Đa số những người đến nộp phạt đều hài lòng bởi thủ tục rất nhanh”, chị Ngọc nói.

Đại úy Trịnh Xuân Tùng, Trạm trưởng Trạm CSGT QL1 Thanh Hóa cho biết, hình thức xử lý này đặc biệt phù hợp với những người vi phạm tại tuyến đường xa nơi họ đang sinh sống; khu vực miền núi đi lại khó khăn. Phòng CSGT Thanh Hóa thống kê, từ ngày 10/8 đến nay, có trên 600 trường hợp sử dụng dịch vụ nộp phạt giao thông qua bưu điện với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng”, Đại úy Tùng cho biết.

2

Nhân viên bưu điện tỉnh Hưng Yên hướng dẫn người vi phạm giao thông cách đăng ký nộp phạt qua bưu điện tại Đội xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên) chiều 13/9 - Ảnh: Hữu Tuấn

Khách hàng là “thượng đế”

Thừa nhận nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện là tiện lợi, nhưng anh Nguyễn Việt Tiến, lái xe taxi ở Lào Cai vẫn băn khoăn, nếu người vi phạm đã nộp tiền cho bưu điện nhưng giấy tờ thất lạc, không được chuyển tới đúng người nhận thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? Về vấn đề này, bà Đào Thúy Hạnh, Phó giám đốc Bưu điện Trung tâm TP Việt Trì (Phú Thọ) cho biết, phía bưu điện sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để thất lạc giấy tờ sau khi nhận hồ sơ từ cơ quan chức năng.

“Chúng tôi xác định làm dịch vụ, khách hàng là “thượng đế”. Người vi phạm giao thông sử dụng dịch vụ này không cần xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan công chứng về tính hợp pháp của hồ sơ mà chỉ cần ủy quyền cho bưu điện thực hiện”, bà Hạnh nói.

Bà Trần Thị Kim Thu, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Lào Cai cho biết, những người vi phạm giao thông có thể sử dụng dịch vụ nộp phạt qua bưu điện vào ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính bưu điện đều mở cửa làm việc. Giá cước cũng hợp lý nếu so với việc phải mất chi phí đi lại, thời gian chờ đợi. Bưu điện còn thực hiện hình thức nộp phạt như “thuê bao điện thoại trả sau”, tức là thống nhất với khách hàng (người vi phạm giao thông) để bưu điện sẽ nộp phạt trước và thu tiền sau để hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Thiếu tá Nguyễn Đức Tùng, Phó Phòng CSGT Lào Cai cho biết, có nhiều người vi phạm giao thông ở địa phương khác, phải quay trở lại Lào Cai nộp phạt thì sẽ rất mất thời gian. Đặc biệt, nếu thiếu sót thủ tục nào đó thì sẽ gây khó khăn trong việc nộp phạt cho cả người dân lẫn lực lượng chức năng.

“Việc triển khai dịch vụ này sẽ tạo thuận lợi cho người dân vì bưu điện sẽ thay mặt cho người vi phạm làm việc với TTGT, CSGT để nộp phạt. Từ đầu tháng 8 đến nay, Lào Cai có 33 trường hợp sử dụng dịch vụ này, con số còn thấp có thể do người tham gia giao thông chưa nắm được hết thông tin về dịch vụ”, Thiếu tá Tùng nói.

Bước tiến mới trong cải cách hành chính

Trung tá Vũ Đình Trụ, Trưởng Phòng CSGT Phú Thọ: “Việc CSGT hợp tác với bưu điện xử phạt vi phạm giao thông là một bước tiến mới trong cải cách hành chính và cần được thực hiện đồng bộ và hiệu quả ở tất cả các tỉnh, thành. Chúng tôi khuyến khích nên sử dụng dịch vụ tiện ích này vì nó là quyền lợi của người tham gia giao thông”.

Thượng tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng CSGT Quảng Ninh: “Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, khi triển khai dịch vụ này, cơ quan chức năng như công an, kho bạc cũng giảm bớt áp lực trong quá trình xử lý các thủ tục vi phạm hành chính cho từng người vi phạm. Dịch vụ này cũng góp phần hạn chế việc đi lại, đặc biệt là di chuyển liên tỉnh của người vi phạm trong việc nộp tiền phạt, nhận giấy tờ tạm giữ, qua đó giảm lưu lượng giao thông trên đường, giảm TNGT”.

Thượng tá Bùi Xuân Việt, Phó trưởng Phòng CSGT Bắc Giang: “Đây là dịch vụ tự nguyện, theo nhu cầu của người vi phạm, vì vậy khi thấy phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình thì họ mới sử dụng. Dịch vụ này sẽ hữu ích rất nhiều cho những lái xe ở các tỉnh khác bị vi phạm lỗi giao thông và những vùng có địa hình xa cách, giao thông khó khăn”.

Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Phó giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình: “Người dân được tự nguyện chọn dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện, nếu tính toán thấy tiện lợi thì đăng ký. Hơn 1 tháng triển khai dịch vụ này, tôi thấy người dân rất hài lòng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.