Thời sự Quốc tế

Nord Stream 2 sẽ còn phủ bóng lên quan hệ Mỹ-Đức lâu dài

14/07/2021, 15:55

Dự án Nord Stream 2 là một trong những di sản gây tranh cãi nhất mà Thủ tướng Đức Angela Merkel để lại.

Mỹ thất vọng, Đức lo lắng

Chỉ còn vài tháng nữa, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ kết thúc sự nghiệp lãnh đạo lâu đời bậc nhất Châu Âu. Lúc này, trong khoảng thời gian ít ỏi còn tại nhiệm, một trong những quốc gia mà “bà đầm thép nước Đức” tới thăm chính là Mỹ.

Dự kiến, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc hội đàm với lãnh đạo Mỹ Joe Biden, nỗ lực thể hiện tinh thần đoàn kết, mối quan hệ hòa hợp xuyên Đại Tây Dương giữa hai nước sau 4 năm trục trặc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Song, theo nhà báo Andreas Kluth của hãng tin Bloomberg, để có thể giữ được hình ảnh hòa hữu đó, đại diện Mỹ sẽ phải che giấu cảm giác thất vọng còn phía Đức phải che đi nỗi lo lắng thường trực.

img

​​Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel - ảnh AP.

Bình luận sâu về vấn đề này, nhà báo Kluth chỉ ra, để củng cố quan hệ với đồng minh Đức, chính quyền ông Biden từng kỳ vọng có thể nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía bà Merkel, đặc biệt với chiến lược kiềm chế Nga và Trung Quốc mà Mỹ đang chú trọng.

Trên thực tế, bà Merkel đã hai lần khiến chính quyền ông Biden thất vọng. Đầu tiên là việc nữ Thủ tướng thúc đẩy thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-Châu Âu bước sang giai đoạn mới mà không tham vấn với đội ngũ của ông Biden trong khi tại thời điểm đó, ông Biden chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức.

Thay vì giúp Washington kiềm chế Bắc Kinh, “bà đầm thép nước Đức” lại muốn Châu Âu tiếp tục có nhiều lựa chọn mở.

Dự án Nord Stream 2 dự kiến hoàn tất trong tháng 8 tới giúp nâng tổng lượng khí đốt mà Nga có thể xuất khẩu trực tiếp dưới Biển Baltic tới phía Tây Bắc Châu Âu lên gấp đôi.

Cùng với TurkStream, một dự án đường ống khí đốt mới của Nga tại vùng biển này tới Đông Nam Châu Âu, Nord Stream 2 sẽ là “cú chốt” hoàn tất mục tiêu chiến lược mà Tổng thống Nga Vladimir Putin theo đuổi bấy lâu nay.

Lần thất vọng thứ 2 và được đánh giá tồi tệ nhất chính là việc bà Merkel từ chối thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất trước đề nghị của lưỡng Đảng Mỹ về dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi - Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Nhà báo Andreas Kluth cho rằng, trong tương lai, nếu muốn, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể cắt những hoạt động vận chuyển khí đốt qua Ukraine và các nước Đông Âu khác đang tồn tại.

Từ đó, chính phủ các nước này sẽ mất nguồn thu nhập chính từ phí trung chuyển, bị cô lập và dễ bị tổn thương hơn trước Nga, nhà báo Andreas Kluth nhận định.

Ngoài nỗi lo về kinh tế, nỗi lo sợ Nga sẽ sử dụng năng lượng làm "vũ khí" cũng khiến rất nhiều nước như Ba Lan, Pháp, Mỹ, Liên minh Châu Âu và nhiều đồng minh khác cực lực phản đối.

Song, bất chấp tất cả, chính quyền bà Merkel vẫn kiên quyết thực hiện dự án và nhất quán với quan điểm đây hoàn toàn là dự án thương mại.

"Mớ bòng bong"

Về phía Đức, với chính quyền kế nhiệm bà Angela Merkel, di sản Nord Stream 2 của bà sẽ là "mớ bòng bong" trong quan hệ ngoại giao Đức - Mỹ và với các nước trong Liên minh Châu Âu (EU).

Nỗi lo đang ngày càng dâng cao khi nước này chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của kỳ bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 9 và chuẩn bị thành lập chính quyền mới trong vài tháng nữa.

Có 3 kịch bản đã được đặt ra khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động.

Thứ nhất, Đức khẳng định sẽ chấm dứt dự án Nord Stream 2 ngay khi phía Moscow gây áp lực với Ukraine. Nhưng kịch bản này là bất hợp lý vì Nga có thể ngắt nguồn cung khí đốt qua Ukraine trong mùa Đông đúng lúc Tây Âu cần năng lượng nhất.

Thậm chí, không loại trừ Nga cắt luôn nguồn cung ở Nord Stream 2 nếu bị EU gây áp lực, nhà báo Kluth đặt nghi vấn.

img

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 8 tới

Thứ hai, Đức có thể hỗ trợ Ukraine giúp nước này phát triển các nguồn lợi nhuận và hạ tầng năng lượng, bù đắp thiệt hại từ Nord Stream 2. Nhưng phương án này không thể xoa dịu những nước khác quan ngại Nga dùng Nord Stream 2 làm vũ khí chính trị.

Còn một sáng kiến khác là xây dựng dự án “Sáng kiến Ba biển” nhằm nâng cấp kết nối hạ tầng giữa 12 quốc gia Đông Âu bao gồm cảng và đường ống dẫn khí đốt cần thiết để chuyển sang mua năng lượng từ Mỹ và nhiều nhà cung cấp khác. Nhưng như vậy cũng không có tác dụng xoa dịu Ukraine.

Cùng lúc, chính quyền Mỹ của ông Biden đang bị đẩy vào thế khó. Quốc hội Mỹ đang thúc ép Washington phải tiếp tục trừng phạt các công ty tàu thuyền tham gia đặt ống cho Nord Stream 2.

Thậm chí, họ muốn trừng phạt mạnh tay hơn, nhắm đến GIám đốc điều hành Nord Stream 2 vốn là công dân Đức dù chính quyền Biden vừa gỡ các lệnh trừng phạt liên quan tới các nước đồng minh để củng cố lại quan hệ.

Như vậy, theo nhà báo Andreas Kluth, di sản Nord Stream 2 của bà Merkel sẽ để lại thách thức lớn cho chính quyền kế nhiệm. Vì trong mắt Mỹ và các đối tác phương Tây, Đức không còn là đối tác đáng tin cậy khi luôn tuyên bố hành động vì lợi ích của Châu nhưng thực tế lại chỉ quan tâm lới quyền lợi của nước mình.

Khi nhìn những bức ảnh chụp chung vui vẻ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Washington sắp tới, có thể ngầm hiểu, đằng sau hậu trường là những cuộc đồi thoại gay gắt khó có thể phô bày trước truyền thông, ông Kluth viết.

img

Covid-19 ngày 14/7: Việt Nam tích cực đảm bảo vaccine dù thế giới khan hiếm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.