Văn hóa - Giải Trí

NSND, đạo diễn Doãn Hoàng Giang: Chàng lãng tử buông tay rời cõi tạm

17/01/2023, 10:56

Những ngày cận Tết Quý Mão, NSND Doãn Hoàng Giang đã buông tay, rời xa cõi tạm, rời xa ánh đèn sân khấu rực rỡ để về cõi lành.

Sự nghiệp lẫy lừng của một "tượng đài" sân khấu

Chiều 16/1, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang - người đã dựng hàng trăm vở diễn ăn khách trên các sân khấu Việt Nam, từ kịch nói, chèo, cải lương - đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông hưởng thọ 85 tuổi.

Ông thuộc thế hệ đầu tiên, thế hệ Vàng của Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Trước khi trở thành đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang là diễn viên khoá I của Trường Sân khấu và điện ảnh Hà Nội.

img

NSND Doãn Hoàng Giang

So với thế hệ đạo diễn được đào tạo bài bản ở Nga, Trung Quốc, Đức... như NSND Ngô Y Linh, NSND Đình Nghi, NSND Đình Quang, NSND Dương Ngọc Đức,... NSND Doãn Hoàng Giang có phần thiệt thòi bởi không có cơ hội được học nghề một cách bài bản, lại xuất phát điểm là diễn viên quần chúng.

Thế nhưng, với tài năng thiên bẩm, nghệ sĩ gạo cội nhanh chóng được xem như biểu tượng thời đại của sân khấu chèo đương đại. Dưới bàn tay của vị đạo diễn tài ba này, hàng loạt vở chèo được tái hiện thành công rực rỡ.

Suốt hàng chục thập kỷ “đánh đông dẹp bắc” khắp các nhà hát, gia tài của ông là hàng trăm vở trên các sân khấu Việt Nam, từ kịch nói, chèo, cải lương...

Trong đó có nhiều vở có sức sống lâu dài trong lòng khán giả như Nàng Sita (chèo), Hà My của tôi (kịch nói), Nữ tướng Lê Chân (cải lương), Nhân danh công lý (kịch)... Suốt thời gian dài, cần băng rôn có tên đạo diễn Doãn Hoàng Giang là vở diễn đó được đảm bảo khán giả luôn kín rạp.

img

Một cảnh trong vở chèo “Công lý không gục ngã” (biên kịch: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang)

Tôn chỉ sống của NSND Doãn Hoàng Giang là xem mỗi một tác phẩm đều là tuyệt tác cuối cùng được thực hiện. Có lẽ chính bởi vậy, ông luôn dồn toàn bộ cơ thể, trí tuệ vào những đứa con tinh thần của mình.

Theo Vnexpress, sinh thời, ông từng nói: "Phải đặt dấu vết cho thời đại sân khấu Việt Nam bằng một loại hình mới hoàn toàn". Thập niên 2000, ông từng dựng nhiều vở chèo cải biên với ngôn ngữ giản lược, hiện đại hơn nhưng bị một số nhà phê bình nhận định là "kẻ phá chèo".

Nghệ sĩ lý giải: "Có lần tôi hỏi một cụ cao niên làng chèo: Tại sao lời ca chèo lại i ỉ ì i dài dặc. Cụ ngồi thừ hồi lâu, bảo: Ngày xưa, người hát chưa có văn bản nên vừa hát vừa phải nghĩ. Tôi cho rằng cụ nói đúng. Bây giờ, chúng ta có thể văn bản hóa mọi thứ thì giữ làn điệu lê thê làm gì".

Với cải lương, ông từng tham gia dự án nâng cấp sân khấu cải lương TP. HCM với kế hoạch dựng một số vở diễn cho nhà hát Trần Hữu Trang.

img

NSND Doãn Hoàng Giang chỉ đạo dưới sân khấu

Chẳng ngoa khi nói, ông là "tượng đài sân khấu", "con hổ sân khấu" - một trong những người đã góp phần làm nên một thời kỳ rực rỡ của sân khấu Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước và ngay cả sau này.

Trong một bài viết, nhà viết kịch Lê Chí Trung thậm chí cũng từng thốt lên rằng: "Anh là một đạo diễn rất giỏi trong những mise en scene - được hiểu như một bản phối âm, tổng hòa của các bộ môn nghệ thuật tạo dựng ấn tượng.

Ở đó thấp thoáng sự hài hòa hoàn thiện giữa văn học kịch, tâm thế thời cuộc, âm nhạc, phục trang, thiết kế sân khấu... vốn là phép cộng cho thành công của một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh".

Chàng lãng tử đã mãi ra đi

Doãn Hoàng Giang trên sân khấu khi thì dữ dội, lúc lại say mê trìu mến. Ngoài đời, ông xứng danh là một lãng tử thứ thiệt, rắn rỏi và lịch lãm, thứ thiệt.

Trong mắt đồng nghiệp, ông không chỉ là một "tượng đài" của sân khấu mà còn là "người sếp" đáng kính và rất mực gần gũi với các diễn viên trẻ.

img

Chính ông là người đã dìu dắt và trao cơ hội cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên như: Trung Anh, Lan Hương, Thu Hà, Trịnh Mai Nguyên, Quang Minh…

NSƯT Trịnh Mai Nguyên bày tỏ, lứa diễn lớn tuổi và trung tuổi ở Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn thường vui vẻ gọi NSND Doãn Hoàng Giang là "sếp".

Trong mắt số động, cố nghệ sĩ không chỉ là người thầy mà còn là người truyền cảm hứng về nghề diễn, người nâng biết bao nhiêu diễn viên trẻ mới ra trường thành những người nghệ sĩ cứng cáp trên sân khấu.

"Tôi rất đau buồn khi nghe tin "cây đại thụ" của sân khấu Việt Nam ra đi. NSND Doãn Hoàng Giang là vị "sếp" đáng kính và đáng quý của chúng tôi.

Ông là người đã tin tưởng giao vai chính đầu tiên cho tôi và cũng là người truyền cho tôi niềm đam mê với nghề. Cầu cho hương hồn "sếp" được thênh thang nơi cực lạc", nam nghệ sĩ bộc bạch.

img

NSND Doãn Hoàng Giang chụp ảnh cùng NSƯT Trịnh Mai Nguyên

Kể cả với thế hệ đàn anh, NSND Doãn Hoàng Giang cũng được yêu mến bởi sự hiền lành, tốt bụng. Nhà viết kịch Lê Chí Trung viết trên trang cá nhân: "Một thời lý tưởng mộng mơ hão huyền, tôi đã hơi nặng lời khe khắt với anh. Nhiều năm sau nghĩ lại thấy có gì xót xa, ân hận....

Suốt mấy mươi năm sống và làm việc ở sân khấu, tôi thân nhất với đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Thân đến mức tôi là thằng em thường hay ăn nói bỗ bã nhưng anh không giận. Mỗi khi anh vào Sài Gòn dựng vở, tôi lại khăn gói bỏ nhà bỏ cửa ra nằm khách sạn với anh".

Giới nghệ sĩ sân khấu gọi Doãn Hoàng Giang bằng rất nhiều tên: “người giang hồ”, “kẻ lữ hành”, “Giang không mệt mỏi”, “Giang bụi đời”. Ông “lăn lóc” vào cuộc đời, coi sân khấu là lẽ sống để rồi thương cảm với số phận từng nhân vật.

Thế nhưng, trái tim đa cảm đã khiến sự nhạy cảm của ông thành... nỗi sợ. Ông sợ tuổi già, sợ cảm giác cuối đường nhìn lại, sợ thấy mình lực bất tòng tâm.

img

NSND Doãn Hoàng Giang ngồi bên trong cánh gà theo dõi diễn viên diễn ngoài sân khấu

"Doãn Hoàng Giang rất sợ ở một mình. Anh sợ sự cô độc mà anh phải thường trực sống với nó từ khi chia tay vợ anh - chị Nguyệt Ánh. Anh thích vùi mình trong đám đông và luôn đóng vai công tử Bạc Liêu ở bất cứ bữa ăn nào anh có mặt.

Thậm chí sáng sáng ở khách sạn anh gọi tất cả các em gái phục vụ phòng rồi phát tiền boa nhưng đến khi điện thoại xin bình nước sôi pha trà thì người ta bảo ở đây không có, phải xuống căng-tin. Đến nước đó anh cũng cười im lặng. Và vẫn không bỏ thói quen cho tiền người khác một cách vô bổ", nhà viết kịch Lê Chí Trung cho hay.

Những ngày cận Tết Quý Mão, NSND Doãn Hoàng Giang, "người lữ hành tài hoa" đã rời khỏi cánh rừng sân khấu, đi về nơi xa lắm.

Con người người yêu nghệ thuật rất vô tư, xem sân khấu như sự sống, cuộc đời cống hiến say mê và lặng lẽ, mà không cần những hư danh hào nhoáng và những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của ông vẫn sống mãi với thời gian.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.