Theo thông tin từ gia đình, NSND Đào Trọng Khánh - một trong những nhà làm phim tài liệu hàng đầu của Việt Nam đã qua đời tại nhà riêng ở Hải Phòng vào chiều 20/9. Ông hưởng thọ 84 tuổi.
NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông từng học biên kịch ở Trường Sân khấu Điện ảnh.
Năm 1965 ông bắt đầu làm phim tài liệu, thường được giao làm tư liệu phim về lãnh tụ, những nhà lãnh đạo đất nước, từ Bác Hồ, những người bạn của Bác, đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Hầu hết các phim ông làm ra đều được giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (ba giải Kịch bản, bốn giải Đạo diễn xuất sắc nhất).
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1985), ông nhận hai giải Bông sen vàng cho hai phim tài liệu: "1/50 giây cuộc đời" và "Việt Nam - Hồ Chí Minh"…
Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Ngoài sự nghiệp điện ảnh, NSND Đào Trọng Khánh còn được biết đến là một "cây thơ" với bút danh Đào Nguyễn.
Ông cùng các thi sĩ Thanh Tùng, Thi Hoàng sáng lập trang thơ của tạp chí Cửa Biển. Ông là bạn thân thiết của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, họa sĩ Lê Đại Chúc.
Ít ai ngờ, ông chính là người bạn trong câu thơ của Lưu Quang Vũ được nhiều người ấn tượng: "Thơ Khánh buồn như lòng đất nước / Thơ hay, đời loạn chẳng ai dùng".
Tuy nhiên, nhưng ông chỉ làm thơ ngẫu hứng, đọc cho bạn bè nghe rồi… quên, chứ không lưu trữ cẩn thận.
Năm 2020, ở tuổi 80, NSND Đào Trọng Khánh cho ra mắt tập truyện ký "Đất và người", phát hành tháng 6/2020.
Cuốn sách chia thành hai phần: Phần một là tập hợp các bài viết của ông về những giá trị nhân văn cao cả của Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giá trị của thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phần hai là những bài viết về bạn bè, nghệ sĩ đồng nghiệp như Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Thanh Tùng...
Ông cũng viết nhiều về Hải Phòng, nơi ông sinh ra và lớn lên, những Sở Dầu, Sáu Kho, Chợ Sắt, Tam Bạc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận