Văn hóa - Giải Trí

NSND Trần Tiến - bố NSND Lê Khanh qua đời vào ngày Mồng 1 Tết

23/01/2023, 10:02

NSND Trần Tiến - bố của NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi đã qua đời vào chiều 22/1 (Mùng 1 Tết) tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi.

Nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch đã ra đi

Theo thông tin từ gia đình, NSND Trần Tiến - bố ruột NSND Lê Khanh đã qua đời vào chiều ngày 22/1/2023 (mùng 1 Tết) tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi.

img

NSND Lê Khanh chụp ảnh cùng bố - NSND Trần Tiến

NSND Trần Tiến sinh năm 1937 tại Hà Nội, trong gia đình có hai anh em. Ông có anh trai là NSƯT Trần Văn Nghĩa từng là Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương.

Nghệ sĩ bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ 1954, khởi đầu với Chèo qua một số vai diễn hề gậy, hề chèo ấn tượng.

NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long đã phát hiện năng khiếu trời phú của Trần Tiến, nên đã khuyến khích ông đến với kịch nói và sau này là điện ảnh.

Năm 1961, ông học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu cùng Thế Anh, Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung...

Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến năm 2012 thì nghỉ hưu. Năm 1997, NSND Trần Tiến được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nghệ sĩ gạo cội được mệnh danh là "cây đa, cây đề" của sân khấu kịch Việt Nam. Ông được biết đến với những vai diễn như Đại Cát trong "Quẫn", Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", Hoài Nghi trong "Chuông đồng hồ điện Kremli", Cố vấn ái tình trong "Kén rể"...

Không chỉ có những vai chính diện mang đến khán giả những suy tư trăn trở, NSND Trần Tiến còn là một trong những tên tuổi hiếm hoi còn có được thành công trong những vở hài kịch bằng khả năng diễn xuất tài tình hiếm có.

img

Chân dung NSND Trần Tiến do họa sĩ Ba Tỉnh thực hiện

Họa sĩ Ba Tỉnh - người đồng nghiệp thân thiết của NSND Trần Tiến không ngại nhận xét: "NSND Trần Tiến là một trong những solist trứ danh nhất của thời sân khấu còn là “Thánh đường”.

Ông đã có những vai diễn để đời trong lòng khán giả, một diễn viên điện ảnh tài năng song hành cùng vơi đầy gió mưa phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sĩ đa đoan, đa cảm nhưng hiền từ và tinh tế".

Trong mắt họa sĩ Ba Tỉnh, NSND Trần Tiến không chỉ là một người anh đáng kính mà còn là người ông hâm mộ, người bạn lớn.

"Tôi đã vẽ chân dung NSND Trần Tiến - một trong những gương mặt lấp lánh nhất trong triển lãm "Bản diện kim cương bất hoại" gồm 108 văn, nghệ sĩ mà tôi yêu mến và kính trọng", họa sĩ Ba Tỉnh tâm sự.

Cuộc sống những năm cuối đời

Về đời tư, NSND Trần Tiến kết hôn với NSƯT Lê Mai khi họ cùng công tác ở Đoàn Kịch nói Trung ương. Cả hai có với nhau 3 người con gái đều là nghệ sĩ nổi tiếng: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy.

img

NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai có 3 con gái trước khi ly hôn

Năm 1970 cặp nghệ sĩ ly hôn, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên họ vẫn sống chung nhà cho đến khi con gái lớn là Lê Vân kết hôn. Sau này, NSƯT Lê Mai chuyển đến căn nhà ở trên phố Phan Đình Phùng sống bên cạnh nhà con gái Lê Khanh cho đến tận bây giờ.

Những năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu nhưng NSND Trần Tiến vẫn may mắn có người phụ nữ gắn bó 20 năm chia sẻ mọi buồn vui. Chính NSND Lê Khanh cũng lên truyền hình để gửi lời cảm ơn đến bạn gái lâu năm của bố.

"Tôi trân trọng và xúc động vô cùng với người bạn gái ấy của bố mặc dù ông không còn cường tráng, phong độ nhưng những gì đẹp của ông vẫn luôn đọng lại trong cô ấy. Nhờ có cô ấy mà những lúc tôi đi xa sẽ yên tâm hơn về bố.

Cho nên những người con, người cháu phải hãnh diện vì mình có phúc thì cha mẹ mới còn có người thương khi ở tuổi xế bóng. Những điều quý giá ấy dẫu có tiền cũng không thể mua được", NSND Lê Khanh chia sẻ trong chương trình "Chị em chúng mình".

img

NSND Trần Tiến cùng 3 cô con gái

Không chỉ được bạn gái chăm sóc, NSND Trần Tiến cũng nhận được tình cảm từ con gái. Sinh thời, ông từng kể, con gái Lê Khanh có món gì ngon cũng chạy qua luôn để tiếp tế đồ ăn cho bố.

Chỉ trừ có những lúc con gái đi công tác dài ngày như đợt vừa rồi hai lần sang Nhật, chứ nếu ở nhà là lại như con thoi đảo qua đảo lại xem bố sinh sống thế nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.