Là một trong những nhân vật chủ chốt của dàn Táo Quân nhà Đài suốt 16 năm qua, nghệ sỹ Chí Trung đã để lại trong lòng công chúng dấu ấn riêng biệt. Trở lại với mùa Táo năm nay, anh vẫn tràn nhựa sống và căng nhiệt huyết với các nghệ sĩ đàn em của mình trên sân khấu.

Nhiều nghệ sĩ nói, Táo Quân là thanh xuân của họ. Còn với anh, Táo Quân có ý nghĩa gì?

Táo Quân có ý nghĩa chung với xã hội, để nhìn lại một năm và gắn kết mọi thứ bằng góc nhìn hài hước, mong muốn một tương lai tốt đẹp. Không chỉ khán giả yêu thích mà những người làm cũng thích. Bởi nó mang tới cả danh và lợi.

Mọi người đều biết đến Táo Quân và các lãnh đạo đều ngại nghệ sĩ này năm nay đóng vai Táo nào đấy lại lôi mình ra để trêu, nói xấu… Có nhiều chuyện xung quanh hậu trường Táo Quân được đồn đoán. Thực ra, tất cả phụ thuộc ý tưởng kịch bản, khi lên sóng còn được chỉnh sửa và kiểm duyệt cắt gọt. Các Táo chỉ là người thể hiện.

img

Anh thích vai nào nhất trong những vai mình từng đóng?

Tất nhiên là vai Táo Giao thông rồi. Tôi nghĩ, thành công của vai không phải do tôi giỏi mà lúc đó, vấn đề giao thông là nhức nhối của xã hội. Sự bức xúc có trong mỗi người nên khi tôi nói ra, dễ tạo được hiệu ứng. Tuy nhiên sau này, tôi không đóng Táo Giao thông nữa vì lý do cá nhân.

Sau khi anh dừng đóng Táo Giao thông, có năm nghệ sĩ Tự Long thay thế. Anh thấy sự thay đổi này thế nào?

Tôi không bao giờ nhận xét về đồng nghiệp, bởi nghệ sĩ ai cũng có cái tôi cá nhân. Thành công ra sao nằm ở góc nhìn của khán giả. Không thể nói tôi đóng hay hơn hay Tự Long đóng hay hơn vì để có thành công là còn cả nội dung, nhân vật, câu từ, hoàn cảnh, sự kiện... nữa.

Thành công trong 6 năm tôi đóng Táo Giao thông là thành công của ở mọi người, vì nhiều điều Táo Giao thông nói ra là mong muốn của khán giả. Mọi người luôn nói Táo Quân phải thay đổi nhận thức xã hội, thì thực tế nó đã phần nào làm thay đổi cả những người quyết định và những người được thụ hưởng, như nhiều cây cầu đã được xây để trẻ em không phải đu dây đến trường.

Nhưng anh từng nói Táo Quân nên dừng lại và anh cũng sẽ dừng đóng, sao anh vẫn tiếp tục?

Năm nay chính tôi đòi làm lại đó chứ! Tôi là một trong những người đưa lên facebook đầu tiên, sau khi tham vấn thì khán giả, bạn diễn đều muốn mình đóng.

Thật ra năm 2016 tôi đã muốn dừng, có thể do chuyện riêng gia đình nên mình không còn cảm hứng và động lực nữa. Từ năm 2016, tôi đã không diễn ở nhà hát rồi. Tôi cũng thấy mình cũng không còn nhiều ý tưởng sáng tạo. Mọi người đều chán và không có động lực nên dừng lại 1 năm. Năm nay, tôi lại hứng khởi và nói nếu VTV mời, tôi sẵn sàng đóng lại.

Nhiều người chất vấn “Sao anh kêu dừng giờ lại đòi đóng?”. Tôi không phải người tự ái để nói vậy rồi sĩ diện không diễn nữa. Làm sao phải thế? Tôi thích thì tôi diễn, thích thì dừng, tôi đâu xin ai!

Bây giờ anh có động lực, phải chăng vì cuộc sống riêng vui rồi?

Cũng không phải! Thực ra chương trình năm trước, không phải chỉ người xem thấy chán mà chúng tôi đang tập đã biết chán rồi. Nhưng nhiều khi, điểm lùi sẽ khiến ta đổi mới hơn. Chúng tôi đâu phải những cái máy. Năm nay, các diễn viên đều thích làm. Chúng tôi tập với nhau buổi tối rất vui, đúng giờ, ham lắm.

Từ khi làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh có e dè trong việc đóng Táo Quân?

Tôi không e dè gì hết. Tôi là người làm thuê về tư tưởng, là diễn viên làm thuê cho đạo diễn nên không chịu ảnh hưởng nào hết. Hay thì tôi được hưởng, còn nặng nề quá thì đã cắt từ kịch bản tới lúc lên sóng, nặng hơn nữa là bộ phận khác chịu trách nhiệm.

Cương vị giám đốc Nhà hát của tôi không liên quan đến nghệ thuật, càng không liên quan đến Táo Quân. Tôi chỉ làm ảnh hưởng đến cương vị của mình khi tôi đóng Táo thiếu văn hóa, thô bỉ, hành động cử chỉ thiếu tính nhân văn, thiếu tính công dân… Nhưng tôi không phải dạng người như thế. Kịch tôi dựng, vai tôi đóng lúc nào cũng có tính công dân cả.

Ở cương vị Giám đốc, nhiều người nói Chí Trung là người thức thời. Anh có thấy vậy?

Tôi nghĩ mình là người sinh ra để làm quản lý. Không có nhiều người quản lý hai trong một như tôi, đó là điều tôi rất tự hào. Tôi có thể làm nghệ thuật. Có những người không thích kiểu hài ẩn ý của tôi mà thích hài kiểu khác nhưng những người có tri thức lại thích hài như thế.

Cũng có người nói sao Chí Trung cứ tham gia Táo Quân mãi thế, đóng như dở hơi, lại có người nói chỉ thích tôi thôi. Đó là góc nhìn của khán giả.

Tôi có tố chất lãnh đạo bẩm sinh và ở đâu cũng nổi lên một cách ngẫu nhiên. Nhiều người thích nghe tôi ra lệnh hơn (Cười).

Còn mọi người nói tôi thức thời chắc là do tôi biết cách làm nghệ thuật để ra lợi nhuận thay vì chỉ háo danh, làm cho vui.

Thực ra từ hồi làm trưởng đoàn kịch, tôi đã nghĩ tới việc có lợi nhuận từ nghệ thuật và giờ làm Giám đốc, tôi có những mối quan hệ khá tốt để giúp nhà hát. Nhưng năm nay dịch Covid - 19, tôi “thức thời” tới nỗi không đặt vấn đề hợp tác với ai cả vì tôi hiểu các doanh nghiệp đang khó khăn tới mức nào.

img

Nghe nói sự thức thời của anh còn trong cách quản lý diễn viên. Diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ luôn được Giám đốc tạo điều kiện đi đóng phim truyền hình…

Là một diễn viên nên hơn ai hết, tôi hiểu rằng diễn viên phải nổi tiếng mới có thể là ngọn cờ kéo theo nhà hát đi lên. Nhà hát là điều gì đó cảm giác uy nghiêm nhưng sẽ không là gì nếu trong đó không có những cá nhân nổi trội. Nhiều người nói nhà hát phải có nhiều NSND, NSƯT nhưng tôi không đánh giá cao điều này lắm. Với tôi, nhà hát phải nhiều ngọn lửa thắp sáng trong trái tim khán giả. Muốn làm được điều đó, diễn viên phải được yêu thích. Mà cách nhanh nhất bây giờ là thông qua truyền hình, phim ảnh.

Tôi động viên anh em đi làm phim nhưng phải có cam kết vẫn “yêu nhà hát”. Chúng tôi sẽ lên lịch trước cho diễn viên 1-2 tháng để họ bố trí lịch quay phim. Các diễn viên phải có tinh thần tập thể vì điều đó vô cùng quan trọng. Thế mới có chuyện Thanh Sơn đang quay phim ở Phú Yên, chiều vẫn bay ra diễn rồi sáng hôm sau lại bay vào.

Và anh cũng vậy, chỉ thực sự được công chúng biết đến rộng rãi sau khi diễn hài kịch trên sóng truyền hình, dù bản thân đã dắt túi cả trăm vai diễn lớn, nhỏ mầu sắc?

Đúng là như thế! Tôi từng đóng kịch Romeo, Hamlet… hàng trăm vai bi kịch lớn nhỏ, khóc lên khóc xuống mà chỉ những người yêu sân khấu biết. Sang diễn hài, mọi người biết đến nhiều hơn nhưng chỉ khi ra tới đại chúng mới được biết đến rộng rãi.

Tôi thừa hưởng nhiều từ Táo Quân và các bộ phim truyền hình, series hài. Tôi là một trong những người làm phim hài đầu tiên và được nhiều người yêu thích. Thực tế ngôn ngữ hài giàu cảm xúc và có trí tuệ không nhiều người đóng được.

Có nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng, rất giỏi, đóng phim hài Tết rất nhiều nhưng không bao giờ len được vào Táo Quân. Ngược lại, nghệ sĩ Táo Quân, có một số người như tôi chẳng hạn, lại không bao giờ được mời vào phim hài Tết. Hoặc họ mời nhưng hài nhảm tôi không muốn đóng, hoặc họ không muốn mời vì mình không phải mặt ra tiền. Tuy nhiên, giới tri thức lại thích chúng tôi vì nhẹ nhàng, sâu lắng, xem về tối mới nghĩ ra “thằng cha này chửi thâm thế!”. (Cười)

Chính vì cái sự sâu cay ấy nên công chúng mới coi anh là “đặc sản” của Táo Quân?

Đó là những người yêu mến tôi nói thôi! Anh Đỗ Thanh Hải coi tôi như cây đa cây đề trong Táo Quân, như cái trụ cột chính trong một mái nhà. Nhưng trụ cột chính có thể không ai để ý đến vì mọi người chỉ nhìn những thứ đẹp đẽ bên ngoài.

Từng có kinh nghiệm nhiều năm đóng Táo Giao thông, tại sao không phải anh làm đạo diễn cho chùm hài kịch “Tốc độ” của nhà hát?

Tôi tự thấy mình không đủ năng lượng, suy nghĩ để làm mới mình trong việc này nên muốn có một luồng sinh khí mới cho nhà hát. Tôi muốn có sự mới mẻ, muốn nhường đất cho các thế hệ trẻ. Các vai diễn tôi đều dần nhường cho diễn viên trẻ để họ có cơ hội thể hiện mình và đến khi làm lãnh đạo, tôi cũng nhường uy tín cho những đạo diễn tiếp theo như anh Sĩ Tiến.

Đó là một trong những lý do tôi thiếu các huy chương nên không đủ tiêu chuẩn để xét các danh hiệu. Tôi rất thích các danh xưng nhưng không quan tâm lắm. Với tôi, danh xưng phải đến như lẽ tự nhiên và những danh xưng phải đến từ trong lòng khán giả chứ không phải trên tên gọi.

img

Nhà hát Tuổi trẻ từng có chuỗi hài kịch gây tiếng vang. Điều đó tạo áp lực cho anh như thế nào khi làm chuỗi hài kịch lần này?

Chủ đề giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, xã hội… người ta hay dùng khẩu hiệu tuyên truyền nhưng không mang tới nhiều kết quả. Dễ nhất là đưa sang nghệ thuật để mềm hóa các chính sách. Chúng tôi mạnh dạn đưa hài kịch vào để mềm hóa hơn nữa.

Nhiều người hay nghĩ hài kịch là giễu nhại, châm biếm nhưng không phải, chúng tôi làm kịch ngắn và bao trùm là yếu tố con người, ý thức với cộng đồng, xã hội và bản thân mỗi người. Tốc độ là sự bản lĩnh, biết cách kìm tỏa với mọi điều trong xã hội chứ không phải chỉ riêng giao thông.

Ngôn ngữ nghệ thuật giàu sức truyền tải nhất. Hài kịch đang là thứ giữ được khán giả lâu nhất. Chúng tôi muốn kết hợp cùng ca múa nhạc vì sau tất cả, người thụ hưởng là người đang nghe và đang xem. Họ cảm thấy hứng thú thì sẽ có kết quả.

Trong Táo Quân, anh khiến nhiều người thích thú vì những câu tạo trend trên mạng xã hội. Sao anh không áp dụng điều đó vào “Tốc độ”?

Những câu tạo trend khiến ai cũng nói đến, nhắc lại và bàn tán cười vui với nhau nghệ sĩ nào cũng muốn mang tới cho khán giả. Nhưng đưa có đúng, có trúng hay không, trong hoàn cảnh nào lại là chuyện khác. Nếu là kịch bình thường, đưa trend vào sẽ bật ra ngoài. Kịch là một câu chuyện, kết hợp diễn xuất của diễn viên để đánh vào nhận thức chứ không phải giải trí thương mại, đưa câu trend vào để người ta chỉ nhớ câu trend mà không tạo được ý nghĩa truyền tải.

Tất nhiên, nếu có những câu trend đầy đủ cả tính giải trí, nhận thức, ý nghĩa thì vẫn hấp dẫn. Nhưng với kịch nói, truyền tải thông điệp vẫn tốt hơn những câu trend để nhớ cho vui. Ở Táo Quân, nhiều khi khán giả chỉ nhớ những câu nói tạo trend nhưng nó không mang ý nghĩa của toàn bộ chương trình.

Cảm ơn anh rất nhiều và chúc anh một năm mới tràn đầy sức khỏe!

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.