Showbiz

NSƯT Thanh Quý: “Tôi không ngọt ngào như bà Nga của Thương ngày nắng về”

08/05/2022, 06:30

Là diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt Nam, ở tuổi ngoài 60, NSƯT Thanh Quý vẫn liên tục góp mặt trong những bộ phim truyền hình.

Bà chia sẻ với Báo Giao thông về điểm giống và khác giữa mình và bà Nga trong Thương ngày nắng về - vai diễn đang chiếm được cảm tình của khán giả truyền hình.

img

NSƯT Thanh Quý và dàn diễn viên trong “Thương ngày nắng về”

Ước ao một vai diễn khác đi

NSƯT Thanh Quý từng khiến khán giả nhớ đến với những vai diễn gai góc, “ghê gớm”. Và giờ, người ta thấy một Thanh Quý rất khác trong Thương ngày nắng về khi vào vai một người mẹ nghèo tảo tần, lam lũ. Lý do nào đã khiến bà đến với vai diễn này?

Đúng, đây là vai diễn bi chính diện dài hơi đầu tiên của tôi trên truyền hình. Tôi hay đùa, chắc do mặt mũi cứ béo tốt thế này nên vào vai nghèo khổ cũng khó, chỉ hợp vai “ăn trên ngồi trốc”, đanh đá, sành sỏi thôi. (Cười)

Thật lòng, tôi chưa bao giờ có ý định xây dựng một hình ảnh nào cả, ngày xưa và bây giờ cũng vậy. Nghề diễn với tôi như một cuộc rong chơi có ý thức trong nghệ thuật.

Từng đóng nhiều vai đanh đá nên tôi luôn thầm ước ao mình có một vai diễn khác đi. Do đó, khi được đạo diễn mời vào vai bà Nga, tôi cảm thấy rất may mắn và trân trọng.

Càng về sau, càng nhiều người ví bà như “Meryl Streep của Việt Nam” vì lối diễn “như không diễn”. Ngay đến cố NSND Hoàng Dũng cũng từng nói “Thanh Quý thì khỏi nói rồi, luôn xuất sắc”. Nhiều khán giả nhận xét, ở tuổi ngoài lục tuần, bà vẫn chưa bao giờ cũ trên màn ảnh?

Tôi cảm ơn vì khán giả đã ưu ái. Tôi không dám được ví với tượng đài Meryl Streep. Tôi thấy điểm tương đồng liên quan đến Meryl Streep là tôi cũng rất thích và ngưỡng mộ bà.

Vai diễn nào bà ấy cũng đều có nét rất riêng, đa dạng ở tất cả dạng vai. Bà ấy cũng là tấm gương để tôi học theo.

Tôi quan niệm, cái gì đến cứ làm hết mình đi đã, còn kết quả ra sao thì chưa nghĩ đến.

Bản thân diễn viên không chỉ làm việc trên phim trường mà làm việc mọi nơi, mọi lúc. Nhiều khi đi trên đường, đi chợ hay đang nấu ăn, nhân vật cũng lảng vảng trong đầu mình một cách vô thức.

Hay đi đâu đó, gặp một khoảnh khắc, một biểu cảm ấn tượng, tôi đều lưu giữ để tái hiện trong nhân vật của mình. Từ đó tạo cho mình khả năng, thói quen quan sát, cảm nhận.

Suy cho cùng, nghề này nhiều khi cũng cần có cơ hội, may mắn, thời điểm, nhân vật phù hợp. Nhiều người làm nghề chưa có thành quả như kỳ vọng có lẽ không phải do họ không cố gắng mà là chưa may mắn thôi.

Đồng cảm với nhân vật bà Nga

img

NSƯT Thanh Quý đóng vai bà Nga trong phim “Thương ngày nắng về”

Vai bà Nga đã giúp bà khám phá bản thân như thế nào?

Bà Nga là người nóng tính, cục, vất vả, lo nghĩ thái quá thành ra đôi lúc trở nên cứng nhắc, áp đặt. Nhưng sâu bên trong, bà ấy là một người khốn khổ. Bà buộc phải thế thì mới lèo lái được cả gia đình: Nuôi con từ ngày còn bé xíu, đến ông em dại thò ra là bị lừa… Làm gì có ai bên cạnh. Tôi đồng cảm với nhân vật bà Nga.

Chẳng vậy mà nhiều khán giả “kiến nghị” NSƯT Thanh Quý “đừng diễn đạt nữa vì... tốn nước mắt quá”!

Với những cảnh nặng tâm lý, nhân vật đau khổ 10 phần, diễn viên cũng có cảm xúc thật như vậy đến 6 - 7phần. Nghề này không thể có cảm xúc giả được.

Có những đoạn diễn xong tôi cũng choáng váng. Thậm chí, có cảnh quay xong tôi không về nhà được nữa, đang đi đường phải rẽ vào chỗ nào đó bên đường ngồi uống cốc cà phê cho tĩnh lại.

Ám ảnh nhất là cảnh với cô con gái nuôi, Trang, khi bà Nga đồng ý trả lại con cho mẹ đẻ. Bà Nga yêu thương cô bé này đến mức quên mất rằng bà ấy chưa từng sinh ra Trang, mà coi cô bé như khúc ruột, máu mủ của mình.

Bà Nga giận Trang không phải vì cô âm thầm tìm gặp mẹ đẻ trong 10 năm ròng rã, mà vì bà đau khi không được chịu nỗi đau cùng con gái nuôi. Bi kịch này là bi kịch trong sự lạc quan, yêu thương, đau đớn trong sự hạnh phúc.

Ngoài đời, để làm được điều như bà Nga là vô cùng khó, đau đớn vô cùng, khủng khiếp vô cùng. Cái gì yêu quá mà khi mất đi thì chẳng đau, yêu ít đi thì sẽ khác.

Có khi nào bà rơi vào hoàn cảnh tương tự, vì yêu quá mà đau?

Cuộc đời con người có phải lúc nào cũng thuận lợi. Khó khăn thì mình tìm lối thoát hoặc chịu đựng một mình. Trước nay, tôi không đặt điều gì quá cao cả, cũng không sân si điều gì. Tôi sắp xếp để cuộc sống êm ả, “sống cho thiện”. Hơn tất cả, tôi học được cách làm chủ cuộc sống của mình. Cuộc sống của tôi cứ bình bình vậy thôi.

Vậy còn những mong cầu ở hiện tại?

Tôi chỉ mong cầu mỗi ngày qua đi mình vẫn khỏe mạnh, không ốm đau. Con cái có cuộc sống đủ đầy. Còn lại bản thân cũng không mong muốn gì quá lớn lao.

Cuộc sống nhẹ tênh như cơn gió thoảng

img

NSƯT Thanh Quý

Vốn là một người tài sắc, có khi nào bà cảm thấy tiếc nuối về quãng thời gian đã qua?

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đẹp. Ngay từ ngày trẻ tôi cũng không như những người phụ nữ thông thường, chăm chút hình thức hay sắc đẹp.

Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Bố mẹ tôi làm ở hợp tác xã, nhà lại đông con nên lúc nào cơm cũng không đủ ăn, trời rét anh em chia nhau từng mảnh chăn. Hàng ngày cũng phải vớt bèo, băm rau lợn, nấu cám “nhoay nhoáy”. Nhìn da tôi lúc nào cũng trắng bóc, nên ai cũng nghĩ tôi là tiểu thư, gia đình khá giả.

Đến giờ tôi vẫn ăn ngủ không điều độ, cũng chẳng đi spa hay chăm sóc gì nhiều. Thôi thì cứ hồn nhiên, vô tư sống thôi. Tôi đơn giản lắm!

Vậy mà NSƯT Thanh Quý trên màn ảnh khác quá. Thân phận những người đàn bà trong phim do bà thể hiện khi thì đau khổ tột cùng, khi thì hạnh phúc đến rơi nước mắt. Hành trình đi tìm hạnh phúc của phụ nữ khó đến vậy sao?

Thì đấy! Như đoạn bà Nga trả con cho bà Nhung là hạnh phúc từ bi kịch của sự tử tế, bi kịch của tình thương. Hạnh phúc có nhiều nghĩa, nhiều khi đâu phải cứ hạnh phúc là đủ đầy, tròn trịa.

Trên đời có người mẹ như bà Nga thì thật hạnh phúc. Bà Nga như con gà mái mẹ che nắng che mưa cho các con, các em. Che đến không còn sức nữa thì thôi. Còn tôi thì không được ngọt ngào như bà Nga. Những khi bực lên là cũng cũng nhảy chồm chồm đấy. (Cười lớn)

Còn hạnh phúc của NSƯT Thanh Quý là…?

Tôi chẳng bao giờ định nghĩa hạnh phúc là gì! (Cười). Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, thấy mình may mắn, thảnh thơi, tự do làm nghề, đầu óc chẳng phải nghĩ ngợi điều gì. Nhẹ tênh như cơn gió thoảng.

Nhiều khi vui vui thì thấy trời hôm nay sao đẹp quá, lại ra ngoài nhâm nhi tách cà phê. Hay là những bữa cơm ngon vui vẻ bên con cháu. Đi diễn cũng là một cách tìm niềm vui khi gặp gỡ đồng nghiệp, các bạn trẻ nói nói cười cười, chẳng biết mệt. (Cười lớn)

Cảm ơn bà!

NSƯT Thanh Quý sinh năm 1958 tại làng Bưởi, Hà Nội. Sự nghiệp điện ảnh của bà bắt đầu năm 1976, khi mới 18 tuổi với vai diễn trong “Chuyến xe bão táp”. Sau này, tên tuổi của bà gắn với những vai diễn sắc sảo, có chút ngoa ngoắt, đanh đá như trong “Mùa lá rụng”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Cả một đời ân oán”...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.