Pháp đình

Nụ cười sau 3 thập kỷ mang thân phận bị can

28/09/2019, 19:08

Bị khởi tố về hành vi “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”, mất gần 29 năm kêu oan, ông Phan Đức Thọ mới được minh oan, công khai xin lỗi.

img
Ông Huỳnh Thanh Vũ, Viện phó VKSND TP Vị Thanh công khai xin lỗi ông Phan Đức Thọ

Nụ cười tuổi xế chiều

Một ngày đầu tháng 9, PV Báo Giao thông có dịp đến thăm nhà ông Phan Đức Thọ (SN 1955, ngụ khu vực V, phường IV, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Giám đốc Nông trường Dừa Vị Thanh), người vừa được VKSND TP Vị Thanh công khai xin lỗi, minh oan sau gần 29 năm mang thân phận bị can. Căn nhà ông Thọ đang sống đơn sơ, hầu như không có vật dụng có giá trị. Đã lớn tuổi, nên cách đây hai năm ông không đi làm nữa. Giờ nguồn thu của hai vợ chồng là đồng lương hưu ít ỏi của người vợ. Vợ chồng ông Thọ có hai người con trai đã lập gia đình, sinh sống ở nơi khác, thi thoảng cũng phụ giúp, đỡ đần về kinh tế cho cha mẹ.

“Cuộc sống của tôi giờ như thế này là yên ổn, bình yên rồi. Cả nửa đời người mang thân phận bị can, sống khốn khổ lắm. Giờ tuy nghèo, nhưng cuộc sống an yên, ra đường được tự tin ngẩng cao đầu, là tôi mừng lắm”, ông Thọ nói, đôi mắt ánh lên niềm vui.

Bà Dung, vợ ông Thọ tiếp lời chồng, suốt thời gian dài chồng gặp hoạn nạn, gia đình bà cực kỳ khó khăn về kinh tế. Khó khăn về vật chất còn có thể vượt qua được nhưng nỗi khổ sở vì bị hàm oan, người đời dị nghị thì đến một giấc ngủ cũng không yên. “Giờ đây Viện Kiểm sát đã công khai xin lỗi, chúng tôi có thể an hưởng tuổi già rồi”, bà Dung tâm sự.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tham gia bộ đội từ năm 1972 đến năm 1987, ông Thọ xuất ngũ trở về sinh sống tại huyện Vị Thanh (nay là TP Vị Thanh) và luôn nung nấu ý định khởi nghiệp, giúp mảnh đất, con người trên chính quê hương mình khởi sắc, đời sống khấm khá hơn. Với nhiệt huyết và năng lực của mình, năm 1988, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) có quyết định thành lập Nông trường Dừa Vị Thanh, vốn đầu tư từ Liên Xô (cũ), ông Thọ được lựa chọn bổ nhiệm giữ chức Giám đốc.

Nửa đời mang thân phận bị can

img
Ông Phan Đức Thọ lật giở từng trang hồ sơ đã cũ

Ông Thọ kể, thời đó nông trường có khoảng 16, 17 người. Sau khi nhận được nguồn vốn đầu tư, mọi người bàn nhau mua một chiếc xe gắn máy để phục vụ cho việc đi lại chung bởi thời điểm đó, điều kiện đi lại rất khó khăn, từ Vị Thanh lên Cần Thơ phải mất nửa ngày. Tiếp đó là quy hoạch, xây dựng nông trường, rồi chi trả lương cho anh em. Đến cuối năm 1989, trong lúc đang đi công tác tại TP HCM, ông nhận được thông báo Huyện ủy Vị Thanh mời về làm việc liên quan đến hoạt động của nông trường.

Sau đó, Chi bộ Nông trường tiến hành kiểm điểm cảnh cáo về mặt Đảng vì cho rằng ông sai phạm trong thu chi của nông trường, trong đó có việc mua xe gắn máy. Đến ngày 16/10/1989, ông bị Huyện ủy kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng. Đầu năm 1990, Công an huyện Vị Thanh có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Thọ về hành vi “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” với số tiền chiếm đoạt hơn 3,6 triệu đồng.

Ngày 19/2/1990, Công an huyện Vị Thanh lần lượt ra lệnh tạm giữ ông Thọ 6 ngày, gia hạn tạm giữ 1 ngày. Sau đó tiếp tục tạm giam ông 60 ngày từ 5/7-5/9/1990. Đến ngày 20/9/1990, Công an huyện mới cho gia đình bảo lãnh ông tại ngoại. “Thời gian ông ấy bị tạm giam có thể nói là quãng thời gian khó khăn cùng cực nhất của gia đình”, bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Thọ bùi ngùi.

Theo bà Dung, trong quãng thời gian này, một mình bà phải nuôi 2 con nhỏ với đồng lương eo hẹp, phải xoay xở vay mượn để lo cho con đỡ đói và dành dụm tiền đi thăm chồng. “Cuộc sống rơi vào khó khăn, gia đình bị bạn bè, hàng xóm dị nghị, xa lánh, cuộc sống ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng tôi vẫn luôn tin chồng tôi trong sạch, không tham ô”, bà Dung nói.

Gần 3 thập kỷ đi tìm công lý

Ông Huỳnh Thanh Vũ, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP Vị Thanh cho biết, sau buổi xin lỗi, ngày 6/9 vừa qua, Viện Kiểm sát thành phố đã mời Sở Tư pháp và ông Phan Đức Thọ lên làm việc. Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, vẫn chưa thống nhất được phương án bồi thường. Nguyên do là ông Thọ có yêu cầu bồi thường thêm phần bảo hiểm. Cạnh đó, ở thời điểm ông nhận quyết định giữ chức Giám đốc Nông trường, mức lương ông được lãnh là 420 đồng. Để đảm bảo quyền lợi cho ông Thọ, Sở Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân TP Vị Thanh đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để xin ý kiến thống nhất phương án bồi thường cho ông Thọ.

Nhấp một tách trà, ông Phan Đức Thọ kể tiếp, sau khi tại ngoại, biết UBND huyện Vị Thanh đã cách chức Giám đốc Nông trường Dừa, buộc thôi việc trả về địa phương đối với ông, ông liên tục gửi đơn kêu oan đến nhiều nơi từ địa phương đến Trung ương. Trong quãng thời gian đó, mọi gánh nặng đè lên vai của bà Dung. “Một mình bà ấy phải nuôi 3 người. Có lúc trong nhà không còn một đồng. Đến cuối năm 1994, tôi quyết định khăn gói xuống Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) để làm thuê kiếm tiền phụ vợ nuôi các con. Từ đó đến nay, ai thuê gì, tôi làm nấy miễn là có tiền và không vi phạm pháp luật. Khoảng hai năm nay, lớn tuổi rồi nên tôi về nhà”, ông Thọ cho biết.

“Gia đình tôi có truyền thống cách mạng, bố tôi cũng là bộ đội, các anh em tôi người là bộ đội, người là công nhân viên chức nhà nước. Trong ngần ấy năm tôi chịu tiếng oan, gia đình tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều. Tôi có 2 người con trai, đứa sinh năm 1984, đứa sinh năm 1985. Các cháu đều đã tốt nghiệp đại học, nhưng vì lý lịch của cha mà các cháu chỉ có thể làm ở các công ty bên ngoài, không thể xin vào Nhà nước”, ông Thọ ngậm ngùi.

Rồi gần 30 năm đội đơn kêu oan của ông Thọ đã có kết quả khi ngày 9/12/2016, Thượng tá Tạ Thương Lượng, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Vị Thanh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Quyết định được đưa ra do sau khi tiến hành điều tra, thấy các tài liệu do ông Thọ cung cấp thể hiện cơ quan điều tra huyện Vị Thanh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” xảy ra tại Nông trường Dừa Vị Thanh nhưng chưa có quyết định xử lý vụ án theo quy định, hồ sơ vụ án đã bị thất lạc, đến nay đã hết thời hạn điều tra.

Đến ngày 16/8, Viện Kiểm sát nhân dân TP Vị Thanh đã tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Thọ. Tại buổi làm việc, đại diện Viện Kiểm sát thừa nhận sai sót dẫn đến việc ông Thọ phải sống trong cảnh hạn chế một số quyền công dân, ảnh hưởng đến tinh thần, thiệt hại về vật chất.

Được minh oan sau 29 năm, bên cạnh niềm vui danh dự đã được phục hồi, ông Thọ bày tỏ mong muốn được xem xét bồi thường thỏa đáng phần nào những thiệt thòi mà ông đã chịu trong thời gian qua.

img

Asanzo tự "minh oan”: Ba cơ quan lần lượt phủ nhận có kết luận cuối cùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.