Chất lượng sống

Nữ giảng viên “sơn giao thông” nhận giải Công dân Thủ đô ưu tú

14/10/2017, 14:05

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy (sinh năm 1958), giảng viên trường ĐH Công nghệ GTVT vừa được Hà Nội vinh danh...

11

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy thử nghiệm một loại sơn vạch kẻ đường do UTT và GARMON (Malaysia) nghiên cứu chế tạo

Từ “nghiên cứu nhờ” và tự bỏ tiền dựng xưởng thử nghiệm sơn

Nhắc đến PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, các giảng viên trường ĐH Công nghệ GTVT đều ngưỡng mộ và gọi là “chuyên gia giao thông” của nhà trường. Do vậy, việc PGS. TS. Thủy vinh dự được TP Hà Nội vinh danh là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2017 không khiến mọi người bất ngờ.

Gặp PGS. TS. Thủy sau buổi họp Hội đồng duyệt đề tài cấp trường, ấn tượng ban đầu của chúng tôi là hình ảnh một cô giáo bình dị, nhưng phong thái rất nhanh nhẹn và trẻ hơn so với tuổi 59. Mở đầu câu chuyện, PGS. TS. Thủy chia sẻ, gia đình cô có truyền thống ngành Y, cả bố mẹ đều gắn bó với ngành này, nhưng từ bé cô lại có tình yêu đặc biệt với ngành Giao thông.

Vốn là người Hà Nội gốc, sau khi học xong phổ thông tại Trường Chu Văn An, Nguyễn Thị Bích Thủy theo học Khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp xuất sắc đại học năm 1980, chuyên ngành Công nghệ Hóa dầu, Nguyễn Thị Bích Thủy đã được phân công về Phòng Động cơ nhiên liệu, Viện Kỹ thuật giao thông (nay là Viện Khoa học và Công nghệ GTVT). Năm 1993, sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh về chế tạo vanillin từ nước thải bã giấy, cô tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sơn đặc chủng chống ăn mòn cho công trình giao thông. Thời gian đầu, do thiết bị nghiên cứu ở viện còn thiếu, cô phải thường xuyên tới các cơ sở thí nghiệm của Khoa Hóa (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) để... “nghiên cứu nhờ”. Sau đó, cô tự bỏ tiền, xin dựng tạm một xưởng thử nghiệm trong bãi đất trống của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT.

Trong phần đánh giá thành tích để xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận xét: “PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy là cán bộ khoa học rất tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp GTVT. Rất nhiều đề tài do PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy chủ trì đã mang lại hiệu quả cao, được ứng dụng rộng rãi trong nước như chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa sử dụng trong xây dựng đường ô tô; chế tạo sơn không dung môi bảo vệ kết cấu thép khu vực biển và ven biển; chế tạo trụ dẻo Elastome làm dải phân cách mềm trong chỉ dẫn ATGT. Đặc biệt, công trình nghiên cứu chế tạo sơn men bảo vệ kết cấu thép trong giao thông vận tải đã đoạt giải Nhì Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2013”.

Ở tuổi 59, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ còn rất nhiều điều mong muốn nhưng chưa làm được. Sắp tới nhóm nguyên cứu của cô sẽ đăng ký làm dự án chế tạo sơn chống ăn mòn để đưa vào sản xuất phục vụ ngành Đường sắt. Thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Cúp vàng Techmart của Bộ Khoa học Công nghệ năm 2005, 2009; Bằng khen của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ KH&CN; Giải thưởng Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước; Gần đây nhất, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy được Hà Nội vinh danh là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2017.

“Nghiên cứu sơn rất khắc nghiệt, với phụ nữ càng vất vả. Không chỉ thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, người làm nghề còn phải đọc nhiều tài liệu, hiểu biết nhiều lĩnh vực liên quan, vừa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, vừa theo dõi các phơi mẫu ngoài hiện trường”, PGS. TS. Thủy chia sẻ và cho biết, rất nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm bị thất bại. Nhưng mỗi lần như thế càng thôi thúc cô làm tốt hơn. Dần dần, tuổi thọ sản phẩm sơn chống ăn mòn do cô nghiên cứu được nâng lên 5 năm, rồi 10 năm, đến nay đạt 15-20 năm, tương đương những sản phẩm sơn tuổi thọ cao của các nước trên thế giới.

Tính đến nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy đã chủ trì 32 đề tài tiêu chuẩn, tham gia 42 đề tài (trong đó có 3 đề tài cấp nhà nước, 39 đề tài cấp Bộ và Sở). Đặc biệt, cô đã công bố 65 công trình khoa học ở trong và ngoài nước; có hơn 10 công trình tiêu biểu được áp dụng thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của cô giúp giải quyết triệt để vấn đề ăn mòn kim loại tại nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Thủ đô và toàn quốc, như các cầu đường sắt Bắc - Nam; cầu Chương Dương, cầu Đuống, cầu Long Biên (Hà Nội); cầu treo Dùng, cầu Giăng (Nghệ An); cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa); cầu Bạch Hổ (Huế); cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng). Sản phẩm sơn của cô cũng được dùng sơn toa xe của các nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), Dĩ An (Bình Dương), Hải Phòng. Sắp tới, sản phẩm sơn ứng dụng công nghệ nano, composit, polime của cô sẽ được ứng dụng nhiều hơn, trong đó có ô tô khách.

Không chỉ nghiên cứu về sơn, lĩnh vực ATGT, các công trình của cô Thủy còn có thể kể đến như: Bộ 4 tiêu chuẩn sơn vạch đường phản quang và biển báo chỉ dẫn ATGT (22TCN). Đến năm 2011, các tiêu chuẩn này được chuyển thành 5 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các tuyến đường trong thành phố đạt chất lượng cao. Đến năm 2017, nhóm nghiên cứu của cô lại được TP Hà Nội đề nghị nghiên cứu chuyển đổi TCVN cho phù hợp với sự phát triển của giao thông thông minh tại Hà Nội.

Khi tiếp xúc với PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, chúng tôi rất ngạc nhiên bởi cô dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu, giảng dạy xong lại “bận” khi phải khám sức khỏe. Thậm chí, nhiều thẩm mỹ viện tặng vé chăm sóc da, nhưng cô đều từ chối và nói không có thời gian. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, nhiều lần cô phải dừng lại ôm ngực vì đau tức. “Cách đây gần 2 tháng, đi công tác ở Philippines do bất cẩn nên tôi bị ngã. Giờ thi thoảng vẫn bị đau, tức ở vùng ngực nhưng chưa có thời gian đi khám”, cô Thủy kể.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giảng viên, cô Thủy cho biết, năm 2013, dù đã đến tuổi về hưu nhưng cô quan điểm người làm nghiên cứu là người không có tuổi tác, cô chưa cảm thấy thỏa mãn với sự nghiệp nghiên cứu và với hàm PGS. Cô tiếp tục được Bộ GTVT, trường ĐH Công nghệ GTVT mời công tác với vai trò nghiên cứu viên cao cấp. Đến tháng 3/2014, cô được chuyển công tác về trường ĐH Công nghệ GTVT với nhiệm vụ là giảng viên môn Vật liệu xây dựng và Bảo vệ công trình xây dựng cho đào tạo đại học và cao học của trường, nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới trong xây dựng công trình giao thông.

Sau khi về công tác tại trường ĐH Công nghệ GTVT, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu. Cô đã thúc đẩy được hai nhóm nghiên cứu trong trường, một nhóm nghiên cứu về kính nhựa đường cho bê tông nhựa, một nhóm nghiên cứu về sơn. Cô tâm niệm: “Là một nhà nghiên cứu khoa học, thấy những gì bất cập còn trong ngành là tôi lại mong mỏi tìm cách thuyết phục, tìm hướng nghiên cứu theo được những phát triển của thế giới để đưa vào Việt Nam”.

“Thần tượng” của giảng viên, sinh viên

Sau gần 4 năm công tác tại trường ĐH Công nghệ GTVT với vai trò giảng viên, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy nhận được sự yêu mến đặc biệt của giảng viên, sinh viên nhà trường. Nhiều giảng viên còn coi cô là “thần tượng” trong công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Giảng viên Trần Thanh Hà, Khoa Công trình, trường ĐH Công nghệ GTVT là học viên cao học của cô Thủy chia sẻ: “PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy là người đặc biệt đam mê khoa học, dày công hướng dẫn nhiều giảng viên trong trường các đề tài khoa học cấp bộ, cấp Nhà nước. Tôi rất ấn tượng và thần tượng cô, bởi dù đam mê nghiên cứu nhưng cô vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy. Năm ngoái, hai lớp cô chủ nhiệm, sinh viên đạt điểm khá, giỏi toàn trên 70%, vượt xa tiêu chuẩn nhà trường đề ra”.

Em Nguyễn Thị Quỳnh An, sinh viên khóa 68 Khoa Công trình, trường ĐH Công nghệ GTVT tâm sự: “Dù mới được học cô Thủy khoảng chục buổi nhưng chúng em luôn mong mỏi từng giờ cô lên lớp. Cô là giảng viên rất tâm huyết, nhiệt tình, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên ngay cả giờ ra chơi”.

Chia sẻ với chúng tôi, PSG. Đào Văn Đông, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ GTVT đánh giá, trong những năm qua PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy có những đóng góp to lớn trong công tác đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ. “Với trách nhiệm nghiên cứu viên, cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với nhiều sản phẩm mang tính hàn lâm có giá trị ứng dụng cho ngành. Về công tác đào tạo, cô được sinh viên đại học và học viên cao học trong trường đánh giá cao. Khi chủ trì đề tài cô cũng hướng dẫn bổ trợ thêm cho cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên trẻ để các bạn tham gia thêm tự tin và có kinh nghiệm”, PGS. Đông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.