Xã hội

Giáo sư Lê Thi - người phụ nữ kéo cờ ngày Độc lập vừa qua đời

29/08/2020, 15:23

Khoảnh khắc kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập 1945 là niềm tự hào suốt cuộc đời cụ Lê Thi.

img
Cụ Lê Thi và con trai những ngày đầu tháng 8/2020

Gia đình xác nhận, GS. Dương Thị Thoa (tức Lê Thi, sinh năm 1926), đã qua đời sáng 28/8 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Lễ tang của GS. Lê Thi diễn ra ngày 1/9 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.

Cụ Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, sinh ngày 3/6/1926; nguyên quán xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Cụ là con gái nhà giáo nổi tiếng và là Hiệu trưởng Trường Bưởi - Liệt sĩ Dương Quảng Hàm (1898-1946). Cụ Lê Thi vinh dự là một trong hai người tham gia kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Người kéo cờ cùng GS. Lê Thi là bà Đàm Thị Loan - vợ của đại tướng Hoàng Văn Thái.

Đầu tháng 8/2020, PV Báo Giao thông tới thăm cụ Thi, khi đó cụ đã sức khoẻ yếu nhiều. Trong căn gác nhỏ ở tầng 2 khu tập thể Bộ Công an cũ nằm phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), ông Lê Minh Quốc (SN 1959) - con trai cụ Thi vẫn tranh thủ mọi thời gian sau giờ làm việc để trở về chăm sóc, chuyện trò bên mẹ.

Ông Lê Minh Quốc kể, cả cuộc đời cụ Thi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Từ khi còn trẻ, dù là con gái của Hiệu trưởng trường Bưởi nổi tiếng, nhưng bà sống đã giản dị, ham học. Lớn lên, khi theo cách mạng, cụ Thi đi làm phong trào ở các tỉnh Việt Bắc. Xuống các cơ sở, cụ gặp gỡ đủ tầng lớp giai cấp, cụ học cách sống hoà đồng với mọi người: học làm việc, ăn ở, mặc quần áo như một nông dân.

img
Cả cuộc đời cụ Lê Thi là tấm gương sáng để con cháu noi theo

“Mẹ tôi có 2 người con, từ nhỏ chúng tôi đã theo mẹ đi sơ tán hết Bắc Giang lại Hà Tây. Trong ký ức của tôi, mẹ rất nghiêm khắc. Thời điểm tôi học lớp 2, bà đã giao đủ việc cho tôi như nấu cơm, giặt quần áo, nuôi lợn chăm gà. Tôi học được tính mẹ cẩn thận, sống có trách nhiệm và cũng nỗ lực dạy bảo con cháu theo đúng những điều mẹ đã dạy”, ông Quốc kể.

Người thiếu nữ kéo cờ năm nào ở lễ Tuyên ngôn Độc lập đã lần lượt trải qua các chức vụ rồi lên Viện trưởng Triết học và được phong giáo sư, sau đó chuyển sang Viện Nghiên cứu về phụ nữ. Giờ đây ở tuổi 95, vóc dáng gầy nhỏ, đôi mắt đã bớt đi vẻ tinh anh, nhưng cụ luôn giáo dục con cháu bằng cách đọc, viết các vấn đề của xã hội rồi đưa con cháu đọc.

"Dù đã cao tuổi nhưng sở thích của bà hàng ngày vẫn đọc rất nhiều sách báo. Hàng ngày bà ăn uống rất đơn giản, vài món nhẹ như súp, thịt băm, cháo cá... nhưng lúc nào ngồi lên được, bà lại tìm sách đọc, dù chỉ được 1 trang là mệt lại phải nằm nghỉ. Bà có thói quen thu thập số liệu, viết tay hoặc nhờ con cháu đánh máy để lưu lại. Bà bảo con cháu, đọc sách để mở ra kiến thức, để học hỏi...”, ông Quốc kể về người mẹ đáng kính.

Đến 14h chiều 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình đông kín người, cờ hoa. Tất cả mọi người nét mặt nghiêm trang hướng mắt về Quảng trường chờ đợi giây phút thiêng liêng nhất: Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Đang lúc khẩn trương và nghiêm trang nhất, bỗng nhiên có một người trong Ban tổ chức Lễ mít tinh tiến về phía Hội Phụ nữ cứu quốc phố Hàng Bông, yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Đoàn phụ nữ Hàng Bông lúc đó đồng loạt chị em hướng về phía cô thiếu nữ Lê Thi, khích lệ: “Thi lên đi, Thi lên đi”. Và cô Lê Thi lúc đó ngượng nghịu tiến về lễ đài, nơi có một chị người Tày mặc áo chàm dài đứng đợi sẵn ở đó. Thấy người phụ nữ Tày chiều cao không bằng mình nên cô Thi nói với chị ấy rằng: “Chị nâng lá cờ, còn em kéo nhé”. Vừa dứt lời, tiếng hát của bài Quốc ca vang lên, cô gái Dương Thị Thoa từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao, tung bay trước gió. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trên lễ đài trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc đó.

Sau cái ngày vinh dự ấy, cụ Thi lại hăng hái tham gia các phong trào Cách mạng, cụ được bầu làm Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc... Đến năm 1956, khi hoà bình lập lại, được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.

Mãi 44 năm sau, trong cuộc họp mặt truyền thống tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 22/12/1989, cụ Thi mới gặp lại người phụ nữ Tày cùng bà kéo cờ năm xưa, đó là cụ Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.