Xã hội

Nữ giáo sư nâng tầm nông sản Việt

23/04/2022, 06:00

38 năm nghiên cứu khoa học, bà dành nhiều tâm huyết để nâng cao giá trị cây nông sản, giúp người dân sử dụng sản phẩm ngon, sạch, an toàn.

Bà là GS. TS. Nguyễn Minh Thủy, một trong hai nhà khoa học thắng giải Kovalevskaia 2021.

img

GS. TS. Nguyễn Minh Thủy

Làm bạn với nhà nông

Chia sẻ về lý do gắn bó với các đề tài khoa học liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp, GS. TS. Nguyễn Minh Thủy cho hay, các sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL rất nhiều và phong phú.

Tuy nhiên, cứ được mùa là lại rớt giá, mà diện tích trồng mỗi lúc lại tăng thêm, dẫn đến cung vượt cầu.

Trong khi đó, xuất khẩu nông sản lúc thuận lúc không, đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn, đẩy người nông dân vào chỗ điêu đứng.

Giá cả thị trường nông sản cũng rất khó đoán. Hầu hết các nông sản thường khó bảo quản, dễ bị hư hỏng và làm thay đổi các giá trị chất lượng bên trong.

GS. TS. Nguyễn Minh Thủy sinh năm 1961. Năm 2007, bà nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm tại Vương quốc Bỉ. Từ năm 2010 - 2016, bà là giảng viên cao cấp, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng.

Từ năm 2016 đến nay là giảng viên cao cấp, công tác tại Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ. Bà được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2014, được công nhận học hàm Giáo sư năm 2020.


“Vấn đề đặt ra là phải có phương pháp bảo quản nguồn nguyên liệu này trước, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ngoài ra phải tận dụng triệt để ở giai đoạn để chế biến các sản phẩm đa dạng, tăng thu nhập cho nông dân”, bà Thuỷ trăn trở.

Ngay từ năm 2007, khi học xong tiến sĩ về nước, bà bắt tay vào việc chế biến các sản phẩm nông sản đặc thù của từng tỉnh, thành.

Bà bắt đầu với cây mía ở Hậu Giang với công nghệ làm thế nào để mía có trữ đường (CCS) cao, thời gian lưu trữ thế nào để mía không bị mất chất lượng.

Sau hai năm nghiên cứu, năm 2010 công trình nghiên cứu thành công, người dân vùng mía Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vui mừng vì tự biết nâng cao chất lượng cây mía, cách bảo quản nên không lo bị thương lái ép.

Trước tình hình thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm ngậm hóa chất, bà bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm sạch.

Như cách lấy nước thốt nốt chất lượng sạch nhất, rượu vang thốt nốt, rượu vang khóm và trên 20 sản phẩm nước ép trái cây các loại… Sản phẩm tạo ra không chất bảo quản, chất tạo mùi, tạo vị, tất cả từ nguyên liệu thật, đảm bảo chất dinh dưỡng.

Đến nay, bà chủ trì và tham gia tổng cộng 22 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó nổi bật với các công trình sử dụng nguồn nguyên liệu gấc, gạo, nếp, khoai, tỏi... hay mô hình chế biến sản phẩm từ nguồn đặc sản của địa phương, như cây thốt nốt ở tỉnh An Giang hay củ hành tím tỉnh Sóc Trăng, trái thanh trà (tỉnh Vĩnh Long)...

Nhiều công nghệ chuyển giao từ đề tài nghiên cứu được đưa ra thị trường như vang sim rừng, trà linh chi hay khóm sấy và nước khóm cô đặc...

Bà cũng sở hữu một bảo hộ sáng chế “Quy trình chế biến sản phẩm nước ép gấc - cà rốt” vào năm 2017.

Niềm tự hào của Đại học Cần Thơ

img

GS. TS. Nguyễn Minh Thuỷ trong một lần hướng dẫn sinh viên giờ thực hành tại Đại học Cần Thơ

GS. TS. Nguyễn Minh Thủy cho biết, các nghiên cứu hiện nay của bà tập trung vào phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người già và các đối tượng khác nhau trong cộng đồng, từ các nguồn nguyên liệu động thực vật kết hợp, tạo sự cân bằng về năng lượng và giá trị dinh dưỡng.

Sản phẩm tạo ra mang tính tiện dụng, phục vụ nhanh, đặc biệt trong các giai đoạn dịch bệnh kéo dài như sợi, soup và bột soup dinh dưỡng, sữa gạo...

Các chất dinh dưỡng đa dạng trong sản phẩm động vật từ gà, cá tra, tôm... và các loại rau củ quả phổ biến ở ĐBSCL được kết hợp trong một công thức với mục đích hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống bệnh tật…

Không dừng lại ở đó, bà còn nghiên cứu trích ly các hợp chất màu tự nhiên, hợp chất sinh học, chất chống oxy hóa (phytonutrients) từ thực vật như hành tím, hoa đậu biếc, lá cẩm, thanh long ruột đỏ, quả dành dành, dâu tằm ăn, vỏ chuối xanh... bằng các kỹ thuật mới.

Thành công đạt được từ các kết quả nghiên cứu này là 12 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế xuất bản trong năm 2021 và 2022. Bà còn có 28 công trình khoa học được công bố ở các kỷ yếu trong nước và quốc tế; đã báo cáo 48 công trình/kết quả nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước (16 công trình) và quốc tế (32 công trình)...

Nói về GS. TS. Nguyễn Minh Thủy, PGS. TS. Nguyễn Công Hà, Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ nói ngắn gọn: “Cô là người sống chan hoà với đồng nghiệp và học trò, được mọi người quý mến.

Với những cống hiến và thành tích đạt được, cô là niềm tự hào của Bộ môn Công nghệ thực phẩm nói riêng, trường Đại học Cần Thơ nói chung”.

Cảm ơn nghề đã chọn mình!

“Tôi thấy rất vinh dự khi được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2021, đây có thể xem là giải thưởng cao quý nhất trong cuộc đời làm nghiên khoa học của tôi”, GS. TS. Nguyễn Minh Thủy chia sẻ với phóng viên.

Sinh năm 1961, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành chế biến và bảo quản thực phẩm Trường Đại học Cần Thơ (năm 1984), cô cử nhân Nguyễn Minh Thủy tính về lại quê nhà tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để lập nghiệp. Tuy nhiên, nhờ thành tích học tập xuất sắc, cô được giữ lại trường.

Năm 2016 đến tuổi nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ quản lý, GS. TS. Nguyễn Minh Thuỷ tiếp tục được giữ lại làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hiện là giảng viên cao cấp, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ.

Trong suốt 38 năm làm công tác giảng dạy, GS. Thủy dồn tâm huyết, luôn cố gắng mang đến kiến thức thực tiễn, kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất vào bài giảng, chọn phương pháp truyền đạt khoa học nhất để sinh viên có thể nắm bắt nhanh.

“Tôi tin, khi mình làm việc nghiêm túc thì học trò sẽ nhìn thấy tấm gương đó để học tập, nghiên cứu và làm việc nghiêm túc”, bà chia sẻ.

Nhưng với GS. TS. Nguyễn Minh Thuỷ, công việc giảng dạy là công việc quen thuộc, kiến thức tích lũy lâu năm, vì vậy bà không phải mất quá nhiều thời gian về nó.

Nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống, đó mới là thử thách khiến bà tiêu tốn nhiều thời gian và tâm sức.

Đến giờ nghĩ lại, tôi thấy mình đã có sự lựa chọn và quyết định đúng đắn trong cuộc đời. Và tôi đã cố gắng làm mọi việc thật tốt, để cảm ơn nghề đã chọn tôi”, nữ giáo sư tâm sự.

Bà kể, để có thể cân đối được công việc và chăm sóc gia đình, nhiều lúc phải tính toán chi li từng phút một. Và thật may mắn, người bạn đời của bà là người rất thấu hiểu, sẻ chia, cả với vai trò là người chồng hay đồng nghiệp.

Chồng bà hiện đang công tác tại Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ. Ông chính là người luôn hỗ trợ, khuyến khích và đề xuất thêm các ý tưởng mới trong nghiên cứu của vợ. Cả hai đã có những đề tài nghiên cứu khoa học chung thực hiện ở các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, TP Cần Thơ…

“Ngoài tình yêu thương và động viên của gia đình, tôi còn được quan tâm và hỗ trợ rất lớn của nhà trường. Nếu không có hai điều này, tôi rất khó để tập trung cho nghiên cứu”, bà Thuỷ bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.