Hồ sơ tài liệu

Nữ huấn luyện “chiến binh cá heo” đầu tiên tại Nga

30/04/2022, 07:03

Cá heo sở hữu khả năng đặc biệt là định vị bằng sóng âm tự nhiên. Nhiều nước như Nga đã tận dụng lợi thế đó đào tạo cá heo cho mục đích quân sự.

Người góp phần đặt nền móng đầu tiên cho nhiệm vụ đặc biệt này là Galina Shurepova, một nữ diễn viên nổi tiếng.

img

Bà Galina Shurepova đã dành tới 40 năm làm việc cho quân đội Nga để huấn luyện cá heo cho hoạt động quân sự Ảnh: Trung tâm Phim Quốc gia thế kỷ XXI

Tuổi thơ sóng gió và “duyên nợ” với nghề

Galina Shurepova lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh. Năm Galina 3 tuổi, Thế chiến thứ II nổ ra. Lúc đó, gia đình bà đang sống tại khu vực biên giới ở Lithuania.

Nửa giờ sau khi cuộc chiến bắt đầu, quân Đức đã xuất hiện tại thị trấn nơi Galina sinh sống. Nhà Galina bị đánh bom, cha bà là một sĩ quan tình báo đặc biệt của Liên minh Xô Viết, bị thương nặng và được sơ tán cùng với các quan chức cấp cao khác.

Galina cùng người chị gái 8 tuổi và mẹ ở lại. Vì bị gián điệp tố cáo với quân Đức nên cả ba mẹ con đều bị bắt giữ. Người mẹ bị chuyển tới trại tập trung ở Đức, còn hai cô con gái được chọn vào nhóm hiến máu Pflaume - chuyên cung cấp máu cho các binh sĩ Đức bị thương.

Sau cuộc chiến, cả hai bị chuyển đến trại mồ côi và phải chịu cảnh bị đánh đập, hành hạ từ thể xác đến tinh thần. Trong suốt thời gian đó, cha mẹ bà đã may mắn sống sót và ròng rã tìm kiếm các con.

Cuối cùng, chỉ 8 năm sau, hai cô gái đã may mắn trở về bên vòng tay người thân.

Về bên cha mẹ, được học hành đầy đủ, Galina đã theo học Viện Văn hóa thể chất Leningrad và phát hiện ra đam mê về thể thao dưới nước. Sau một năm, Galina đã giành giải vô địch môn lặn.

Trong số các cuộc thi lặn mà Galina tham dự, cô đã lọt vào “mắt xanh” của một giám đốc sản xuất phim đang tìm kiếm nữ vận động viên để đóng thế cho bộ phim “Amphibian Man” (Người cá) sản xuất năm 1961.

Nhờ chuyên môn cao cùng vẻ ngoài phù hợp, Galina đã được chọn. Sau này, “Amphibian Man” trở thành bộ phim viễn tưởng, quay dưới nước, ăn khách nhất của Xô Viết thời hậu Stalin. Lần đầu tiên, một bộ phim Xô Viết đã thu hút được số lượng khán giả vượt ngưỡng 60 triệu người.

Dù sau bộ phim này, Galina không dấn thân vào sự nghiệp phim ảnh nhưng đây lại chính là bước đệm đưa Galina đến với công việc chính là huấn luyện cá heo quân sự.

Năm 1967, Galina chuyển tới Sakhalin (hòn đảo lớn nhất ở Nga) và mở một trung tâm dạy lặn đầu tiên. Một ngày, có một thủy thủ gõ cửa nhà Galina với lời mời bất ngờ, đó là làm việc tại trung tâm nghiên cứu cá heo của Hải quân Nga tại thành phố Sevastopol.

Khi đó, Hải quân Nga đang tìm kiếm một người biết về cá heo, có thể làm việc dưới nước và thể lực tốt.

Không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ, Galina lập tức nhận lời, chuẩn bị chút hành lý và đưa con trai nhỏ tới căn cứ quân sự ở Vịnh Kazachya.

Những ngày tháng “ăn, ngủ” cùng cá heo

img

Bà Galina Shurepova thưởng cho cá heo hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Trung tâm Phim Quốc gia thế kỷ XXI

Ở thời điểm cuối năm 1960, Mỹ đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu những năng lực tiềm ẩn của các loài động vật có vú phục vụ cho các nhiệm vụ quân sự.

Còn với Liên Xô, tuy họ được cho là những người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng này nhưng vì nhiều lý do nên tiến trình nghiên cứu chậm và kết thúc chóng vánh, không có kết quả.

Rốt cục, tới thời điểm đó, vẫn chưa có ai tại Liên Xô biết làm thế nào để huấn luyện cá heo quân sự và chưa có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này.

Nhận nhiệm vụ khó nhằn, thời gian đầu, Galina không biết bắt đầu từ đâu, chỉ dành toàn bộ thời gian miệt mài bơi lội, lặn ngụp dưới nước và quan sát hành vi của cá heo. Bà mẹ một con bơi nhiều đến mức sụt còn 45kg.

Một ngày, bất ngờ phát hiện cá heo chú ý tới hành động gạt rong biển để lấy đường bơi của mình và bắt chước theo, Galina đã thưởng một chú cá để xem phản ứng. Cứ mỗi lần chú cá heo bắt chước, Galina lại thưởng cá để tương tác.

Galina cũng thử nghiệm ném đồ vật như quả bóng và cá heo đã học cách bắt giống hệt những chú cún. Chúng còn làm theo một số cử chỉ, phản ứng theo hiệu lệnh của con người.

Cứ vậy, Galina và con trai sống trong 1 túp lều nhỏ bên bờ biển dưới một chế độ huấn luyện nghiêm khắc của quân đội, ngày đêm quan sát hoạt động của một chú cá heo để nghiên cứu cách huấn luyện.

Sau một thời gian, Galina đã được tuyển dụng vào Hải quân Liên bang Xô Viết với vai trò nữ thợ lặn đầu tiên và thực hiện một nhiệm vụ được xếp hạng tối mật.

Nhờ có sự góp sức của Galina, năm 1967, Viện Đại dương học đầu tiên của quân đội Liên Xô được thành lập tại Vịnh Kazachya và quân đội Nga đã mua về khoảng 50 chú cá heo mũi chai. Chỉ ba năm sau, đã có hàng chục học viện khoa học khác tham gia vào dự án.

40 năm gắn bó

img

Bà Galina Shurepova đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong huấn luyện cá heo. Ảnh: Trung tâm Phim Quốc gia Thế kỷ XXI

Đến nay, các chương trình nghiên cứu cá heo quân sự tại Nga đã rất phát triển.

Theo nhà huấn luyện quân sự hàng đầu tại Viện Đại dương học ở Sevastopol - Vladimir Petrushin, Nga đã bắt đầu huấn luyện từ cá heo tới hải cẩu để thực hiện một số nhiệm vụ canh gác, tuần tra; loại bỏ những kẻ địch xâm nhập; phát hiện vật thể đặc biệt dưới nước.

Nhiệm vụ “loại bỏ” kẻ địch xâm nhập có nghĩa là cá heo được huấn luyện để xé rách mặt nạ lặn của địch và kéo người đó lên mặt nước.

Ông Lev Mukhametov, người cai quản một nhóm cá heo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã phải thốt lên hai từ “ấn tượng” khi nhớ lại những buổi huấn luyện cá heo tập tìm kiếm kẻ địch ở Sevastopol.

Ông Mukhametov kể: “Cá heo được đặt bên trong lồng dọc bờ biển. Nhờ vào sóng siêu âm tự nhiên, thậm chí khi đang ở trong chuồng khóa kín, những con cá heo khổng lồ vẫn có khả năng phát hiện vật thể lạ dưới mặt nước ở khoảng cách nửa cây số.

Sau khi phát hiện vật thể bơi dưới nước, chúng ấn vào một bàn đạp chuyên biệt, ngay tức khắc, có tín hiệu báo động. Kế tiếp, cá heo ấn vào một bàn đạp khác để mở cửa lồng rồi lao đến và vô hiệu hóa kẻ xâm phạm”.

Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, bà Galina đã đạt được những thành tựu xuất sắc, một số kỹ thuật huấn luyện của bà vẫn được sử dụng trong các trại cá heo ngày nay.

Sau 40 năm gắn bó, do ảnh hưởng của quá trình bơi lội quá mức, bà đã phải thay khớp gối, phải sử dụng nạng và qua đời ở tuổi 78 vào năm 2017.

Theo trang National Geographic, cá heo có khả năng tìm kiếm bất bại trong môi trường đại dương, vượt trội so với những công nghệ tiên tiến nhất do con người sáng tạo ra.

Cá heo có thể thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, kể cả ở gần bờ, nơi có tiếng sóng và nhiều tàu di chuyển qua lại tạo ra nhiều tiếng ồn.

Cá heo sử dụng sóng âm (sonar) rất tốt. Chúng có thể phát ra hàng loạt sóng âm đến các vật thể trong môi trường xung quanh rồi thu nhận tiếng vang dội ngược lại. Đây được gọi là khả năng định vị sóng âm đặc biệt của cá heo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.