Đời sống

Nữ nhà báo bị ung thư truyền nghị lực sống cho người cùng cảnh ngộ

21/06/2019, 07:02

Nữ nhà báo Trần Thị Cẩm Bào từng là cây bút kỳ cựu của Tạp chí Tri thức Công nghệ đang chữa bệnh ung thư nhưng vẫn hành động vì bệnh nhân khác..

img
Chị Cẩm Bào (ở giữa)

Những ngày này, “chiến binh” Trần Thị Cẩm Bào - nữ nhà báo từng là cây bút kỳ cựu của Tạp chí Tri thức Công nghệ đang quằn mình đau đớn trải qua đợt truyền hóa chất thứ 71 điều trị di căn của căn bệnh ung thư vú. Thế nhưng, những giọt nước mắt chỉ lặng lẽ rơi khi chị nhắc đến những số phận không may mắn khác.

Nằm trên giường bệnh vẫn đau đáu các dự án thiện nguyện

Tôi đến thăm chị Cẩm Bào vào một chiều mưa cuối tháng 5. Trong phòng điều trị nằm trên tầng 5 BV Ung bướu Hà Nội, lần này, chị nằm lặng trên giường, không còn nhanh nhẹn như thời gian trước đó.

Tuy nhiên, góc bàn sát giường bệnh của chị vẫn để chiếc máy tính. “Sắp Tết thiếu nhi rồi, mà nhiều bệnh nhi còn thiếu thốn, thiệt thòi lắm em ạ. Chị nhớ mãi ánh mắt của bệnh nhi chị gặp trong BV K Tân Triều và lời nói “con chưa bao giờ được uống sữa tươi”. Nên không nhiều nhặn gì nhưng chị cùng anh em trong Nhóm từ thiện Ưu đàm mong được mang đến cho lũ trẻ những hộp sữa. Không biết có còn tự tay mình làm được điều đó không”. Nhắc đến điều đó, đôi dòng nước mắt chị rơm rớm bờ mi.

Trong cuộc trò chuyện, chị Bào luôn nhắc đến những người đồng bệnh, đến những thiệt thòi mà họ gánh; và nhắc đến những dự án từ thiện chị đã, đang và tiếp tục làm hay cả những dự án mới hình thành ý tưởng mà chị mong mỏi sẽ cùng nhóm từ thiện thực hiện trong tương lai không xa. Ví như “cần kêu gọi ủng hộ thêm giường bạt, quạt mát cho bệnh nhân và người nhà, giúp họ bớt cực trong những ngày nằm điều trị bệnh tại viện”…

Cùng cảnh ngộ, lăn lộn, sát cánh với các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư, chị Bào càng thấu hiểu những thiếu thốn mà họ phải chịu đựng đằng đẵng trong những ngày điều trị tại viện.

Và đó cũng là căn nguyên của những dự án từ thiện: “Trao xe lăn nhận nụ cười”, “Thư viện Tóc”, “Góc cười cuộc sống”, “Dòng sữa mát, ngát lời yêu thương”, “Một bức tranh, triệu niềm tin, nghìn hi vọng”, “Tất ấm mùa đông”… được chị cùng nhóm Ưu đàm ấp ủ rồi ra đời.

Nhắc đến căn bệnh “không mời mà đến” của mình, chị Bào chia sẻ: “Đó là một ngày cuối năm 2012, khi đang tắm, mình chợt thấy ngực phải có một vết hồng. Lúc đầu, nghĩ do tắm nước ấm, kỳ cọ kỹ nên để lại vết, nhưng suốt mấy ngày, vết hồng ấy không hề mất đi. Khi đó, chị hiểu rằng, đó có thể là một dấu hiệu không bình thường của cơ thể. Ngay sau đó, chị đi khám khắp nơi và nhận về một kết quả mà nhiều người ví nó giống như một bản án “tử”: Ung thư vú giai đoạn 2 có 10/20 hạt di căn và thể bộ 3 âm tính”.

Cũng từ đó, hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư được chị đối mặt, không trốn tránh, không bi lụy.

Khát khao sống truyền cảm hứng cho đồng bệnh

Từ đáy lòng mình, em rất thương chị ấy! Em biết chị ấy trước và sau bị ung thư đều khó khăn! Chị ấy ẩn sau bên trong là con người yếu đuối nhưng bình thường chị rất vui vẻ, truyền cảm hứng cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Nhưng mỗi khi bệnh bùng phát là chị gọi điện dù cố giấu cảm xúc nhưng em hiểu chị lo lắng, hoang mang rất nhiều. Điểm nổi bật của chị Cẩm Bào là có niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và khoa học, không dao động. Và không bao giờ chịu đầu hàng. Vì thế, dù truyền hóa chất, mệt mỏi nhưng vẫn thấy chị ở đâu đó gặp gỡ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác. Có lẽ việc làm ấy lại giúp cho chị Cẩm Bào quên đi những u uất và tăng sức lực! Đó là điều quan trọng giúp chị trải qua nhiều đợt truyền hóa chất.
BS. Thân Văn Thịnh,
BV Ung bướu Hà Nội


Từng trải qua quá trình chống chọi với căn bệnh ung thư “thập tử nhất sinh” nên hơn ai hết, chị Cẩm Bào thấu hiểu sâu sắc những rào cản tâm lý, sự buông bỏ và đầu hàng bất cứ lúc nào của những bệnh nhân ung thư. Chị tâm sự: “Mình cũng từng trải qua cú sốc, hụt hẫng khi lần điều trị hóa chất. 10-18 ngày sau khi thức dậy thấy đầu mình đã hoàn toàn không còn một sợi tóc nào. Mà giai đoạn đó, thấy đầu trọc là bị kỳ thị ghê lắm. May mắn mình có ông xã, có gia đình luôn sát cánh và cảm thông”.

Đã từng gặp không ít chị em khi nhận tin mắc ung thư cũng là lúc cuộc hôn nhân tan vỡ vì chồng ruồng bỏ. Thậm chí, nhiều bệnh nhân vượt qua điều trị và ra viện với một sức khỏe ổn định nhưng sau 3 tháng thì cấp cứu, tai biến và tử vong vì lý do sang chấn tâm lí khi biết tin chồng ngoại tình... chị Cẩm Bảo nghẹn giọng: “Không phải ai cũng cảm thông, sẵn sàng chia sẻ, dám cùng người bạn đời của mình đối chọi với căn bệnh quái ác này”.

Cũng vì chứng kiến quá nhiều khốn khó của người cùng cảnh ngộ nên suốt thời gian vừa điều trị bệnh cho chính mình, chỉ cần dứt cơn đau chị lại có mặt bên những người bạn lạ có, quen có. Đôi khi là dành cho nhau lời thăm hỏi, hay vài lời khuyên về cách chăm sóc bệnh. Có lúc lại là một món quà nhỏ mà chị là người kết nối giữa các nhà hảo tâm với các bệnh nhân ung thư… nhưng một điều chắc chắn, nơi nào chị đến, nơi đó lại rộn vang tiếng cười và thêm niềm hi vọng mới.

Chị Cẩm Bào thổ lộ: “60% sức khỏe của bệnh nhân ung thư được quyết định bởi tâm lý. Vì thế, điều tôi mong mỏi nhất người nhà các đồng bệnh của tôi hãy luôn yêu thương, trân quý họ đến hơi thở cuối cùng”. Mỗi ngày được gặp những người đồng bệnh vượt lên được căn bệnh ung thư, họ tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh viện, sống khoa học và nở nụ cười chính là niềm động viên lớn lao đối với chị Cẩm Bào.

Lần này nhập viện, căn bệnh ung thư vú của chị đã di căn vào vùng ổ bụng và xương hàm, rất nặng nề khiến sức khỏe chị đi xuống nhiều. Nằm trên giường bệnh, chị Bào cho hay: “Mình không quan trọng số lượng ngày sống, mà chỉ quan trọng ý nghĩa và chất lượng của một ngày sống. Do vậy, còn một ngày sống, chị luôn mong mỏi những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vơi đi nhọc nhằn”.

Với tâm niệm ấy, suốt những năm qua, dù bản thân mang bệnh, nhưng người phụ nữ này vẫn luôn mạnh mẽ, truyền nghị lực sống cho những bệnh nhân ung thư khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.