Xã hội

Nữ nhà báo điều tra và nỗi ám ảnh tốt, xấu

21/06/2016, 09:04

Phóng viên điều tra cần có khả năng nhập vai... mấu chốt thành công vẫn là sự kiên trì và tỉnh táo.

14

Nhà báo Thu Trang

Nữ phóng viên điều tra chia sẻ: Hãy coi người tốt, việc tốt là chuyện bình thường. Sợ nhất là khi người ta coi tiêu cực là bình thường, không nhận ra đúng - sai, sẽ rất dễ làm những việc độc ác khó lường!

Ám ảnh với những đề tài không bao giờ kết thúc

Với tốc độ “xê dịch” liên tục nên khó khăn lắm tôi mới hẹn gặp được nữ nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ TP.HCM) vào một ngày tháng 6 nắng đổ lửa. Theo chị, nghề viết điều tra đòi hỏi tính kiên trì, càng công phu lại càng an toàn. “Có nhiều đề tài mất công điều tra hàng tháng trời lại trở về con số 0. Thế nhưng cũng lắm lúc đề tài này chưa kết thúc lại phát sinh vụ việc khác. Nhiều khi cũng khó lý giải, chỉ có thể nói bởi chữ “duyên”, nữ nhà báo nhẹ nhàng chia sẻ.

Ví như vụ Thâm nhập lò gạch thổ phỉ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Thu Trang phải đeo bám mấy tháng trời, từ năm này qua năm khác song tới nay vẫn chưa thực sự kết thúc. Đây chính là đề tài nảy sinh trong khi chị tìm hiểu “đường dây chạy viên chức” từ tháng 9/2015.

“Cũng buồn, nhiều vụ việc đã đi tới cùng, nhưng vẫn có cảm giác bất lực. Có lúc nghĩ không làm nghề nữa bởi càng trong sáng, càng nghiêm túc với công việc, kết quả nhận được lại bạc bẽo, lạc lõng...”, chị tâm sự.

"Ngay sau khi vụ lò gạch thổ phỉ lên báo, nhiều người trong đó có cả đồng nghiệp gọi điện ngỏ ý làm cầu nối để thỏa thuận với tôi xí xóa vụ việc song đều bị từ chối. Chấp nhận đi tới cùng vụ việc cũng có nghĩa mình chấp nhận đánh đổi, mất đi nhiều mối quan hệ."

Nhà báo Thu Trang

Bản lĩnh là vậy, yêu nghề là thế song nhiều lần nữ nhà báo bị cảm giác thất bại đè nặng không phải vì năng lực kém, mà bởi gặp nhiều sự vô cảm. Theo Thu Trang, khá nhiều vụ việc nêu trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã “bơ” đi không trả lời. Những người liên quan đều bị thuyên chuyển công tác, thậm chí khởi tố song lại tại ngoại... vụ việc chìm vào quên lãng, đâu lại vào đấy giống như kiểu “ném đá ao bèo”! Cụ thể, vụ việc 185 giáo viên bị thôi việc, sau khi loạt bài điều tra về đường dây chạy viên chức, đa phần đối tượng liên quan đều đã nghỉ hưu, phủi bỏ trách nhiệm. “Sau này cũng có tổ chức thi lại song tôi vẫn nhận được phản ánh muốn đỗ thì vẫn phải “chạy”… Nhiều giáo viên buộc chấp nhận bỏ nghề đi làm công nhân. Nhiều người không xin được việc vẫn nhắn tin cho tôi, tiếp tục gửi đơn kêu cứu… nhưng họ đâu biết rằng, mình chỉ là một nhà báo, mình chỉ biết nêu sự việc chứ không phải là người giải quyết!”.

Không ít lần nữ nhà báo bị tổn thương, ám ảnh từ chính số phận nhân vật trong bài viết. Đó là khi chị đưa đứa bé được giải cứu khỏi “địa ngục trần gian” đi nghỉ mát, như một món quà bù đắp phần nào nỗi khổ cực mà cháu từng trải qua. Thế nhưng, trên đường đưa cháu trở về quê, Trang phát hiện số tiền để trong xe đã không còn nguyên vẹn. Khi biết rõ cháu bé lấy tiền của mình, chị đã bật khóc như chưa từng đau khổ hơn thế. “Tôi không trách đứa bé mà khóc vì bất lực khi đã cứu cháu khỏi môi trường bạo hành nhưng lại không thể nuôi nấng trong môi trường tốt hơn… Một thời gian dài sau tôi vẫn bị ám ảnh, phải gồng mình cố quên đi. Đó là nỗi khổ ám ảnh bởi đề tài chưa bao giờ kết thúc…”, Thu Trang nói.

Đấu tranh tiêu cực, chấp nhận sự cô đơn

Thu Trang chia sẻ, phóng viên điều tra cần có khả năng nhập vai, hóa thân, tùy cơ ứng biến mọi lúc, mọi nơi song mấu chốt thành công vẫn là sự kiên trì và tỉnh táo… Được ví là nghề “buôn quan hệ”, nghề báo cũng là nghề có điều kiện nhận hối lộ. Thừa nhận nghề báo không bao giờ đủ sống, song Thu Trang luôn tự đặt câu hỏi: Làm sao để sự xuất hiện của mình không khiến người khác và chính bản thân mình thất vọng? Trước những khó khăn của cuộc sống, cơ hội nhận món quà lớn về vật chất, khiến ai cũng phải suy nghĩ. Từ chối như thế nào đã là nghệ thuật song với nữ phóng viên điều tra đôi khi cách từ chối nhận hối lộ cũng là một đề tài.

“Ngay sau khi vụ lò gạch thổ phỉ lên báo, nhiều người trong đó có cả đồng nghiệp gọi điện ngỏ ý làm cầu nối để thỏa thuận với tôi xí xóa vụ việc song đều bị từ chối. Chấp nhận đi tới cùng vụ việc cũng có nghĩa mình chấp nhận đánh đổi, mất đi nhiều mối quan hệ. Nhiều khi mình cảm thấy cô đơn nhưng suy nghĩ lại, nếu sự cô đơn ấy khiến tâm hồn mình được thanh thản, không hối hận thì tôi vẫn chọn cách sống như thế. Không sao cả, mọi sự việc sẽ qua đi, ai hiểu thì họ vẫn luôn ở bên mình”, nữ nhà báo quả quyết.

Nhiều người bảo tôi… điên

Sau rất nhiều cuộc điều tra, từng nhận được rất nhiều lời đe dọa song chỉ tới vụ việc vạch mặt đường dây chạy viên chức tại Sóc Sơn, nữ nhà báo mới thực sự biết “sợ” khi đối tượng đòi mạng sống của các thành viên trong gia đình. “Sự việc đã đi tới cùng nhưng đối tượng vẫn không chịu nhận ra đúng - sai. Có những người đã quen sống trong môi trường nhiều tiêu cực, ắt họ sẽ coi tiêu cực là điều bình thường. Lúc này họ trở nên độc ác, nguy hiểm tới mức mình không thể lường trước việc gì sẽ xảy ra”, Thu Trang lý giải. Sau một hồi cân nhắc, chị quyết định công bố thông tin đe dọa và những đối tượng liên quan tới cơ quan điều tra. Kết quả, sau thời gian ngắn, chị đã nhận được cuộc gọi từ chính đối tượng đã đe dọa mình, mong muốn được xin lỗi. “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại - đó là quan điểm sống và làm việc của mình, tôi không bao giờ dồn ai vào chân tường”, Thu Trang nói.

Nhà báo Thu Trang, cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng với những loạt bài gây rúng động: Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian (2010); Sự thật nhận nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề (9/2014); Thâm nhập đường dây cán bộ hải quan câu kết “trộm” hàng vi phạm (4/2015); Thâm nhập sòng bạc năm sao cho người Việt, Thâm nhập lò gạch thổ phỉ (3/2016); Với loạt bài “Cò” viên chức giáo dục lộng hành ở Hà Nội (9/2015) Thu Trang vừa nhận giải Nhì báo chí TP HCM 2016.

Khi được hỏi tại sao lại thích chọn những vấn đề gai góc, tiêu cực để thực hiện trong khi mình là phận chân yếu tay mềm”? Thu Trang cười: “Tôi còn khỏe hơn khối đàn ông.Nhiều khi chỉ ước mình là người phụ nữ mong manh yếu đuối… bởi đôi khi quá nhanh nhẹn xốc vác… nên làm mình vất vả”. Trang quan niệm, những gương người tốt, việc tốt vẫn còn rất nhiều và hãy coi đó là chuyện bình thường trong xã hội, để họ được tiếp tục làm việc thiện. Sợ nhất khi cái tiêu cực, cái xấu lại được coi là chuyện bình thường. “Nhiều người bảo tôi điên. Tôi lại nghĩ đơn giản là được làm những gì mình thích, sống ngay thẳng như vốn con người của mình. Trong một đề tài điều tra, tôi chỉ quan tâm tới ba điều: Nhân vật, tác phẩm và thông điệp chứ không hề nghĩ tới những mục tiêu to tát như “đấu tranh tiêu cực làm trong sạch xã hội. Tất cả đều là những thứ xa xôi!”, Trang chia sẻ.

Nói về sự lựa chọn giữa nghề nguy hiểm với gia đình, Thu Trang trầm giọng: “Đã làm nghề báo, không có lựa chọn, nhiều khi thực hiện những đề tài bình thường cũng có thể xảy ra tai nạn, chưa cần phải làm điều tra. Nếu lúc nào cũng nghĩ tới sự an toàn bản thân và gia đình mà không dám thể hiện chính kiến, không làm nghề đàng hoàng thì không còn là mình nữa. Tôi cũng không muốn bố mẹ, con cái nhìn tôi như một kẻ hèn nhát”.

Gần 20 năm gắn bó với “nghề nguy hiểm”, tới nay cũng đã ngấp nghé tuổi 40 nhưng nữ nhà báo cho biết, chị chưa có dự định nào cho bản thân. “Tôi là người sống khá lập dị, có những lúc không có nhu cầu giao tiếp, chỉ muốn lắng mình nghe tiếng lá rơi, chim hót ngoài vườn… Vậy nên nếu lúc nào đó cảm thấy đủ điều kiện để sống như thế thì sẽ nghỉ làm báo”…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.