Xã hội

Nữ nhà báo Hàn Ni: Bạn đọc “tặng” tôi toàn nước mắt!

21/06/2016, 16:08

Nhà báo Hàn Ni, tác giả loạt bài viết đến vụ quán cà phê Xin Chào gây xôn xao dư luận vừa qua.

15

Nhà báo Hàn Ni thích đọcnhững cuốn sách về nghiệp vụ báo chí

Nhà báo Hàn Ni (PV Báo Sài Gòn giải phóng), tác giả loạt bài viết liên quan đến vụ quán cà phê Xin Chào gây xôn xao dư luận vừa qua. Loạt bài có tác động rất lớn đến xã hội, nhất là khi các cơ quan chức năng vào cuộc rất nhanh chóng. Phía sau loạt bài của Hàn Ni đã đăng tải có nhiều chuyện đẫm nước mắt giờ tác giả mới bộc bạch…

Gần 300 trang hồ sơ “kết tinh” trong một bài báo

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới gặp được Hàn Ni. Trái với tuyến bài điều tra “gai góc” đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Hàn Ni là cô gái xinh đẹp, có nụ cười gợi cảm và trang phục khá sành điệu.

Mở đầu câu chuyện, chị bảo: “Có những đề tài “nuôi” mất cả năm mới xong, nhuận bút chẳng đáng là bao. Nhưng cái sướng của nghề báo là sau bao cực khổ, bài viết được công luận hoan nghênh, những mảnh đời được hàn gắn thì thấy thỏa mãn, thấy được làm nghề thực sự…”.

"Nhiều khi tôi thấy mình như một tổng đài, làm phóng viên viết mảng kinh tế mà nghe nhiều chuyện chẳng liên quan gì đến mảng của mình. Nhưng vì mình cũng là một luật sư nên phải tư vấn cho dân. Rồi cũng có nhiều người gửi tin nhắn, điện thoại, email gợi ý tặng quà, cho tiền. Thậm chí, có người còn bảo chỉ cần đăng vài dòng lên facebook một lần như vậy sẽ nhận được 5-7 triệu đồng. Tôi nói với họ, tôi không làm thuê và tôi không cần số tiền đó."

Nhà báo Hàn Ni

Về loạt bài vụ quán cà phê Xin Chào là người “nổ phát súng” đầu tiên, Hoàng Ni kể, loạt bài này không xuất phát từ đơn thư bạn đọc mà chị biết được qua câu chuyện từ một người bạn làm bác sĩ, người điều trị cho mẹ chủ quán cà phê Xin Chào. Trong buổi trà dư tửu hậu, vị bác sĩ này đã kể và với kinh nghiệm của người làm báo, chị cảm thấy câu chuyện có nhiều uẩn khúc nên vào cuộc. Tuy nhiên, khi tiếp cận thì hồ sơ đã được đưa ra tòa. Lâu nay, báo chí luôn xem hoạt động của cơ quan tư pháp là “vùng cấm”, mà vụ án này đã qua các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, lại đụng chạm đến lãnh đạo thì không hề đơn giản.

Tuy nhiên, đã biết, đã nghe, đã thấy người dân bị oan mà không làm thì sẽ day dứt nên phải làm thôi. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chị đã có bộ hồ sơ với 300 trang giấy đủ bút lục. Để đọc hết và hiểu rõ toàn bộ từng chi tiết trong hồ sơ, chị đóng cửa suốt cả kỳ nghỉ lễ để nghiên cứu. “Tôi gần như không ra ngoài, bày hồ sơ ra khắp phòng, lấy bút xanh, bút đỏ rồi “nốt” vào giấy dán khắp tường. Khi nắm rõ sự việc, chỗ nào còn thắc mắc liên quan đến các chuyên ngành thì tôi gọi điện thoại cho những người bạn học luật làm ở các cơ quan chuyên ngành để hỏi. Rồi chúng tôi cùng ngồi lại, tìm ra cơ sở pháp lý, thậm chí phân công một người giỏi nhất phản biện để làm sáng tỏ vụ án. Tranh luận xong, gần như tôi thuộc làu 300 trang tài liệu mới bắt tay vào viết. Cũng nhờ thức ròng nên tôi sút 2 kg, coi như khỏi phải tập thể dục”, chị cười nói.

Hiểu rõ vụ việc bị phanh phui sẽ đụng chạm tới quyền lợi nhiều người, nên chị cũng hồi hộp lắm. Ngay khi bài báo được đăng, cộng đồng mạng xôn xao, các báo khác vào cuộc. Bạn bè liên tục điện thoại hỏi “mày có sợ không, tình hình ra sao, có sợ trả thù không?…”. “Áp lực là điều đương nhiên, nhưng tôi thử đặt mình vào vị trí người dân, bị oan thì phải đấu tranh cho họ. Còn sợ bị trả thù? Nếu vậy, các cán bộ điều tra cũng sợ bị trả thù thì sao làm án? Nên việc gì mình thấy đúng thì làm thôi!”, chị tâm sự.

Những bài báo gai góc

Vụ quán cà phê Xin Chào không phải là loạt bài đầu tiên Hàn Ni làm có tác động đến dư luận khiến các cơ quan, ban, ngành phải vào cuộc. Cách đây mấy năm, chị từng thực hiện loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” phản ánh các doanh nghiệp bán lẻ, trung tâm thương mại bán hàng không xuất hóa đơn, hàng hóa trôi nổi nhưng lại liên tục báo cáo lỗ, còn được hoàn thuế. Bài viết này đã phá vỡ mối liên kết của cán bộ thuế với một số doanh nghiệp trốn thuế.

Để có được loạt bài đó, chị cũng “nuôi” đề tài cả năm trời. Chị kể, từ khi có ý tưởng đề tài, chị đi tìm hiểu mỗi ngày, tìm đến những người đã làm ở các doanh nghiệp và đã nghỉ để hỏi. Lấy được thông tin rồi nhưng quan trọng là phải kiểm chứng được thông tin chính xác, muốn vậy phải có số liệu từ cơ quan chức năng. Nhưng đời nào các cơ quan chức năng chịu cung cấp để có cơ sở đối chiếu. Nếu thông tin đăng báo không chính xác thì chính nhà báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nên bằng nhiều cách, cuối cùng chị cũng xác minh được các con số mình đang có là chính xác và lúc này loạt bài chính thức được đăng. Khi đó, ngành Thuế vốn là “lãnh địa” hiếm ai dám chạm tới vì tính đặc thù của nó nên bài viết gây xôn xao dư luận. Cũng như vụ quán cà phê Xin Chào, loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” sau đó được nhiều đồng nghiệp ở các báo khác cùng vào cuộc. Chị không còn là người đấu tranh trong cô độc nữa. Và Chính phủ, Bộ Tài chính cũng vào cuộc chỉ đạo các đơn vị làm rõ.

Sau khi bài đăng thì diễn biến sự việc kéo dài, chị phải theo vụ việc suốt nhiều tháng liền. Từ đó, hoạt động thu thuế VAT đã có nhiều cải tiến, hạn chế thất thu cho ngân sách Nhà nước. “Khi ấy, tôi cũng được cơ quan khen thưởng. Nhưng hậu quả thì gần như tôi bị rất nhiều người trong ngành Thuế và doanh nghiệp ghét. Rất may trong ngành cũng có nhiều người ủng hộ mình vì bản thân họ cũng muốn ngành Thuế trong sạch. Tuy nhiên, điều quan trọng tôi nghiệm ra rằng, khi cầm bút mình khách quan thì lâu dần những người từ “không ưa” cũng dần chuyển sang quý mến mình”, chị nói.

Không nhận tiền, mà chọn nước mắt!

Quan điểm làm báo của chị rất rõ ràng, viết bài điều tra chỉ dựa vào chứng cứ, chứ không “đá” vào chuyện đời tư, cá nhân. Do vậy, sau các loạt bài, những cán bộ làm sai bị nhiều người gửi thêm thông tin cá nhân đời tư cho chị nhưng chị không đào sâu thêm.

Sau loạt bài về quán cà phê Xin Chào, ngày nào nhà báo Hàn Ni cũng nhận được cả chồng đơn thư từ khắp nơi gửi về, điện thoại liên tục bận vì nhận các cuộc gọi.

Cũng có người đem hồ sơ đến, đòi gặp bằng được để đưa phong bì. Thấy mình từ chối, mấy chị em ở Ban Từ thiện tiếc “lần sau chị không nhận thì nói họ chuyển cho quỹ từ thiện chị nhé!”. “Làm báo vất vả lắm và cũng chẳng ai giàu được bằng nghề báo. Nếu giàu thì chỉ giàu bạn, giàu mồi quan hệ mà thôi. Nên nếu vì vài ba trăm nghìn hay vài triệu đồng cho loạt bài chẳng thấm vào đâu so với thời gian đằng đẵng hàng tháng, cả năm đi điều tra. Nên người gắn bó với nghề thì hầu hết phải rất yêu nghề. Người yêu nghề viết bài xong sẽ tiếp tục nuôi đề tài khác mà không quan tâm đến việc người ta có cảm ơn mình hay không. Những món quà mà tôi nhận nhiều nhất đó là… nước mắt! Khi người dân bị oan ức tìm đến mình cũng khóc. Khi “gỡ” xong cho họ, mừng quá cũng… khóc. Đôi lúc nghe xong câu chuyện của dân, nếu người ta bị oan mà không bảo vệ được thì tâm trạng tôi rất khổ. Nghề báo là vậy, khó khăn, đau khổ, nguy hiểm… và cũng đầy cám dỗ. Và tôi luôn tâm niệm rằng, muốn bước ra cuộc đời rộng lớn phải xây dựng một nhân cách. Chỉ đơn giản vậy thôi”, chị nói.

* Nhà báo Hàn Ni tốt nghiệp cùng lúc hai trường đại học: KHXH&NV TP.HCM chuyên ngành Báo chí và ĐH Luật, sau đó tiếp tục học thạc sĩ luật. Ngoài nghề báo, chị còn mở Văn phòng luật sư tư vấn pháp luật, bào chữa nhiều vụ án. Hàn Ni được rất nhiều giải thưởng báo chí. Vừa qua, chị xuất bản 2 cuốn sách Viết báo & theo đuổi sự kiện và 25 tình huống pháp lý đời thường. Hàn Ni quê gốc Tây Ninh, hiện chị sống cùng người em gái ở quận Gò Vấp.

* Ngày 19/4, Báo Sài Gòn giải phóng đăng bài “Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự”.

- Ngày 20/4: UBND TP, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo kiểm tra báo cáo sự việc.
- Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dừng hình sự hóa vụ án.
- Ngày 23/4: Viện KSND huyện Bình Chánh rút quyết định truy tố, đình chỉ vụ án đối với ông Nguyễn Văn Tấn.
- Những người khởi tố, truy tố sai ông Tấn bị đình chỉ công tác là: Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh; Ông Nguyễn Văn Tòng, nguyên Viện phó Viện KSND huyện Bình Chánh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.