Lối sống

Nữ phóng viên khỏa thân bị quay lén được bồi thường 1.200 tỷ đồng

11/03/2016, 08:27

Nữ phóng viên Erin Andrews của kênh thể thao Fox Sports vừa được bồi thường 55 triệu ÚD (1.200 tỷ đồng).

2 Nữ phóng viên Erin Andrews tại phiên xử
Nữ phóng viên Erin Andrews tại phiên xử ngày 7/3 vừa qua

 4 phút kinh hoàng

Andrews, 37 tuổi, bị Michael David Barrett quay lén qua lỗ cửa phòng khách sạn Nashville Marriott tại Nashville, bang Tennessee vào năm 2008. Vào tháng 7/2009, đoạn video Andrews không mặc quần áo bị quay lén được tải lên mạng và nhanh chóng lan truyền trên internet.

Andrews cho biết, vụ quay lén đã khiến cô bị trầm cảm, sợ hãi và lo lắng mỗi khi thuê phòng khách sạn kể từ đó. “Bạn sẽ chẳng thực sự nhận ra 4 phút dài bao lâu cho đến khi đó là những hình khỏa thân của bạn”. Kể từ vụ việc trên, cô trở nên thận trọng tới nỗi  thậm chí còn kiểm tra điều hòa xem có bị đặt camera quay lén trong phòng khách sạn hay không.

Andrews cho biết, một trong những thời khắc khó khăn nhất là xuất hiện đồn đại rằng cô cố tình tung video để nổi tiếng. Andrews đã kiện Barrett và hai công ty (West End Hotel Partners, Windsor Capital Group) sở hữu, điều hành khách sạn Nashville Marriot, yêu cầu bồi thường 75 triệu USD. Ngày 7/3, bồi thẩm đoàn tại Nashville quyết định, Barrett phải chịu 51% trách nhiệm, các chủ sở hữu khách sạn Nashville Marriott gánh 49% trách nhiệm. Điều đó đồng nghĩa với việc Barrett phải bồi thường cho Andrews 28 triệu USD, hai công ty quản lý khách sạn Nashville Marriott chịu 27 triệu USD tiền bồi thường.

Andrews đã bật khóc và ôm các luật sư cùng gia đình khi phán quyết trên được công bố. Trong một tuyên bố được đăng tải trên Twitter sau đó, cô đã cảm ơn bồi thẩm đoàn, nhóm pháp lý của cô và gia đình. “Tôi xúc động trước sự động viên của tất cả các nạn nhân từ khắp thế giới. Sự ủng hộ của họ giúp tôi có thể đứng dậy và chống lại những người mà công việc của họ là phải bảo vệ sự an toàn, an ninh và sự riêng tư của mọi người”.

Sẽ tồn tại đến khi chết

Barrett, một nhân viên bảo hiểm tại Chicago, thừa nhận rằng anh ta đã cố tình nhắm vào Andrews và rằng anh ta làm thế để kiếm tiền, bởi Andrews quá nổi tiếng. Barrett đăng tải video nhạy cảm của Andrews lên mạng sau khi trang web giải trí TMZ từ chối trả tiền mua nó.

Kể từ khi phiên tòa về vụ việc của Andrews chính thức diễn ra hôm 23/2, video cảnh khỏa thân của cô vẫn là một trong những chủ đề tìm kiếm hàng đầu trên Google và đến giờ nó vẫn có thể được tìm thấy trên nhiều trang web khiêu dâm. Có hơn 300 triệu tìm kiếm cho video này và 17 triệu lượt xem.

Nhưng vì sao video này vẫn xuất hiện trên mạng sau nhiều năm kể từ khi Andrews phát hiện ra nó lần đầu tiên? Trong một cuộc phỏng vấn với Chương trình Good Morning America, Andrews cho biết, cô đã có bản quyền đối với đoạn video, nhưng cũng không giúp cô gỡ bỏ nó hoàn toàn khỏi internet. Bản thân Andrews thừa nhận: “Nó vẫn ở trên internet và sẽ vẫn ở đó cho đến khi tôi chết”.

Tháng 6/2015, Google công bố chính sách mới cho phép nạn nhân các vụ tấn công mạng yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh và video đã được đăng tải mà không có sự cho phép của họ. Nhưng đây không phải là biện pháp hoàn hảo.

Carrie Goldberg, một luật sư chuyên phụ trách các vụ kiện liên quan đến sex và quyền riêng tư trên internet cho biết, gần như không thể gỡ bỏ tất cả video một khi nó đã được đăng tải trên internet. “Ngay cả khi nếu bạn có thể gỡ bỏ nó khỏi mọi trang web, bất cứ ai đã từng nhìn thấy nó đều có thể tải một bản về máy tính của họ và đăng tải lại bất cứ lúc nào”.

Thông điệp cho dịch vụ khách sạn

Nhiều khả năng, vụ việc này sẽ trở thành một án lệ cho các vụ việc tương tự về sau. Luật sư của khách sạn cho rằng chỉ mình Barrett phải nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Bruce Broillet, luật sư đại diện cho Andrews nói với các thành viên bồi thẩm đoàn rằng, chủ khách sạn và những người điều hành khách sạn phải chịu trách nhiệm vì đã không đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình. Điều thiết yếu cho các khách sạn là phải đảm bảo an toàn cho khách của mình.

Các khách sạn phải lường trước được rằng, kẻ trộm hay những kẻ tấn công có thể đột nhập vào phòng của khách, cũng như phải lường trước những hành động xâm phạm quyền riêng tư hay nhìn trộm trong phòng của khách, và trong toàn bộ khách sạn. Khách sạn phải có các biện pháp an ninh chặt chẽ và phải có bảo vệ, camera để giám sát ở sảnh, hành lang, lối đi và các khu vực chung. Nhân viên khách sạn phải được đào tạo nghiệp vụ hợp lý để có thể phát hiện các vụ việc đáng ngờ.

Cụ thể là trong vụ việc của Andrews, nhân viên Nashville Marriott đã để lộ số phòng của cô trên điện thoại bàn tại quầy lễ tân và cũng không hề cảnh báo cho Andrews khi Barrett đòi thuê phòng bên cạnh phòng của cô. Vấn đề an ninh được đảm bảo như thế nào khi mà không ai phát hiện ra Barrett đứng bên ngoài và quay lén qua lỗ trên cửa phòng của Andrews?

Bà Terry Applegate, thành viên bồi thẩm đoàn nói rằng phán quyết trên gửi một thông điệp tới ngành kinh doanh khách sạn rằng “ngành này cần cẩn trọng, coi việc bảo đảm an toàn và riêng tư là điều hệ trọng nhất”.Vụ kiện của Andrews khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự an toàn và riêng tư trong các khách sạn, còn các chủ khách sạn và người điều hành khách sạn thì lo ngại về các hình phạt mà họ sẽ phải đối mặt nếu họ không đảm bảo được điều đó cho khách hàng của mình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.