Xã hội

Nữ PV Giao thông và kỷ niệm khó quên trong “điểm nóng” Đồng Tâm

21/06/2017, 08:07

Tôi chạy tìm một cột loa phát thanh gần đấy, ngồi ngay dưới để gõ những thông tin đầu tiên gửi về tòa soạn.

21

Các phóng viên tác nghiệp tại Đồng Tâm

Những ngày cuối tháng 4/2017, người dân cả nước đều hướng về thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) - nơi đang trở thành điểm nóng về tranh chấp đất đai. Tôi là nữ phóng viên hiếm hoi vào được “điểm nóng” Đồng Tâm, đó sẽ là một kỷ niệm không thể quên trong suốt cuộc đời làm nghề.

Dấn thân vào “điểm nóng”

Dù nắm thông tin sự việc ngay từ những ngày đầu tiên, nhưng đến ngày 19/4, phóng viên của nhiều cơ quan báo chí mới có thể tiếp cận được điểm nóng Đồng Tâm. “9h sáng 19/4, đến đầu thôn Hoành, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một đống đất đá to do người dân đổ ra choán hết mặt đường, chỉ còn một lối nhỏ đủ để đi xe máy hoặc xe đạp. Khẩu hiệu “Nhân dân Đồng Tâm không chống đối Nhà nước” được treo ngay lối vào thôn. Chúng tôi xuất hiện, hàng chục cặp mắt của người dân dò xét. Khi biết chúng tôi là nhà báo với đầy đủ giấy tờ, một số bà con đồng ý cho chúng tôi vào một ngôi nhà cạnh đó để trò chuyện. Tuy nhiên, cũng có một số người nhất quyết buộc chúng tôi phải rời khỏi Đồng Tâm ngay lập tức” - nhà báo Văn Duẩn (báo Người Lao động) kể lại khoảnh khắc đầu tiên có mặt tại Đồng Tâm.

“Không báo chí gì cả. Mời các anh đi cho. Các anh có giấy tờ đầy đủ, chúng tôi không giữ, nhưng các anh không thể ở lại”; “Chúng tôi không còn biết tin ai nữa”… là những câu nói đầy quả quyết mà người dân nơi đây nói với các phóng viên.

Theo nhà báo Văn Duẩn, không khí khi ấy khá căng thẳng, nhưng sau một thời gian bình tĩnh trò chuyện cùng bà con, họ đã bắt đầu mở lòng tâm sự. Đêm đó, bằng mối quan hệ cá nhân, nhà báo Văn Duẩn cùng 3 đồng nghiệp khác đã vào được trong thôn Hoành và là những nhà báo đầu tiên được ngủ lại ở bên trong thôn Hoành, xã Đồng Tâm trong những ngày nóng bỏng. “Đêm đó là một đêm rất dài với những cảm xúc mà tôi ít gặp trong suốt 15 năm làm nghề”, anh Duẩn chia sẻ.

Tác nghiệp trong muôn vàn cảm xúc

Là một phóng viên nữ, nhưng ngay khi nắm bắt được những thông tin từ điểm nóng Đồng Tâm, như nhiều đồng nghiệp khác, tôi cũng nóng lòng muốn trực tiếp xuống với người dân để tìm hiểu thông tin. Được sự đồng ý của toà soạn, tôi cùng vài đồng nghiệp xuống thôn Hoành vào thời điểm khi người dân nơi đây đồng ý thả Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Mỹ Đức, sáng 21/4.

Trên đường xuống hiện trường, chúng tôi liên hệ qua nhiều đầu mối để có thể được “bảo lãnh” vào trong làng. Sau khi trải qua khá nhiều thủ tục để đảm bảo “đúng là nhà báo”, chúng tôi được một số người dân chở vào làng bằng xe máy, trao đổi thông tin với đại diện người dân nơi đây để nắm bắt tình hình, nhóm phóng viên được đồng ý cho vào khuôn viên nhà văn hóa thôn Hoành - nơi đang tạm giữ các cán bộ, chiến sĩ còn lại.

Trong sân nhà văn hóa, nhiều đống gạch đá hỗn độn bên ngoài, một chiếc rạp nhỏ được căng bạt dựng tạm bên góc trái, là nơi mọi người lập nên để làm “chốt canh” những cán bộ bị tạm giữ. Thái độ của người dân vẫn rất căng thẳng, bởi họ chưa hoàn toàn tin tưởng vào các nhà báo được đưa vào. Khi Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Mỹ Đức được đưa ra, chúng tôi được tạo điều kiện có một thời gian trao đổi với người này, trước khi phải rời khỏi nhà văn hóa.

Chiều hôm ấy, chúng tôi lại thấy thôn Hoành khoác tấm áo mới - không còn nóng bỏng, không còn căng thẳng hay ngột ngạt nữa, tất cả lại trở về với vẻ yên bình vốn có. Cùng nhóm đồng nghiệp đi bộ ra khỏi làng để rời Đồng Tâm, chúng tôi thấy lòng nhẹ bẫng khi nhận được những nụ cười, những cái vẫy tay tạm biệt và lời cảm ơn không ngớt của bà con. Lúc ấy là 18h. Sau khi hoàn tất mọi công việc, chúng tôi mới chợt nhớ ra, cả ngày hôm nay vẫn chưa kịp ăn gì…

Trưa hôm đó, trời nắng gắt, không khí oi nồng, nhóm phóng viên ở lại trong nhà một người dân, thậm chí, được người dân nấu cơm cho ăn. Trong bữa cơm ấy, nhiều câu chuyện được sẻ chia và chúng tôi thấy như nghẹn lại khi nghe người dân Đồng Tâm kể về cuộc sống của họ những ngày này. Một phụ nữ khi trò chuyện với tôi đã bật khóc và nói, đây là việc họ không mong muốn, từ ngày bắt giữ cán bộ, họ ăn không ngon, ngủ không yên, nhưng họ không còn cách nào khác vì bị đẩy vào đường cùng. Họ cũng kể nhiều nỗi khó khăn, vất vả khi trong suốt một tuần rõng rã phải bỏ công việc, bỏ gia đình để canh giữ, chăm lo từng bữa ăn cho các cán bộ bị tạm giữ. Thậm chí, người dân chăm chút bữa ăn cho các cán bộ còn hơn cho bữa ăn của mình. Có khi hết gạo, hết cả tiền, cả gà, mọi người phải đi vay để có điều kiện chăm lo cho những người bị mình bắt giữ.

Sáng sớm 22/4, rất đông phóng viên tiếp tục xuống nơi đây, bởi đó chính là ngày Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp xuống đối thoại với dân.

Từ sớm, loa phát thanh đã nhắc đi nhắc lại sự kiện này. Người dân nơi đây hồ hởi, háo hức, nhưng lại bắt đầu cảnh giác và thắt chặt mọi lối ra vào khiến báo chí tác nghiệp khó khăn hơn rất nhiều.

Có một vài phóng viên thân quen đã ăn ở tại đó nhiều ngày được “ưu ái” vào bên trong, số đông còn lại vẫn đứng ở ngoài thấp thỏm. Lối cổng chính duy nhất vào làng được gỡ bỏ mọi chướng ngại vật, dọn dẹp sạch sẽ để đón Chủ tịch thành phố, người dân đứng kín hai bên đường để chào đón. Khi đoàn xe của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về đến nơi, tiếng reo hò vang một góc trời, tiếng vỗ tay rộn rã khắp thôn Hoành.

Tuy nhiên, lúc này, khung cảnh bắt đầu hỗn loạn. Do quá đông người, người dân lại bắt đầu thắt chặt an ninh và không đồng ý cho báo chí vào tác nghiệp vì “có báo đã đưa tin không đúng, chúng tôi không tin tưởng”.

Đi cùng một nhóm đồng nghiệp nam, nhưng khi mọi người đã lọt được vào trong, tôi bị “mắc” lại khi hai người phụ nữ trong làng nhất định không cho vào, vì “không tin báo chí nữa”. Có đôi chút thất vọng, xen lẫn sợ hãi và căng thẳng, nhưng cảm giác ấy chỉ là thoáng qua, điều quan trọng nhất tôi nghĩ đến là làm sao phải vào được trong làng để kịp thời đưa tin.

Giữa đám đông hỗn loạn, tôi nhìn thấy một gương mặt thân quen - là một người đàn ông trung tuổi mà tôi đã từng trao đổi ngày hôm trước. Tôi đến đó và nhờ sự giúp đỡ của người đàn ông ấy, tôi - gần như là phóng viên cuối cùng được vào bên trong.

Đường vào trụ sở xã Đồng Tâm khoảng 1km, tôi cố chạy thật nhanh để kịp đưa tin ngay khi buổi đối thoại bắt đầu. Nhưng khi đến gần, từng lớp người đứng ken đặc, từ trong sân vào đến hội trường nơi buổi đối thoại diễn ra, tôi lại bắt đầu lo lắng không biết làm sao để có vị trí ngồi truyền tải thông tin về toà soạn. Nghe tiếng giới thiệu trên loa phát thanh, tôi chợt nảy ra ý định và nhanh chóng chạy tìm một cột loa phát thanh gần đấy, ngồi ngay dưới đó để gõ những thông tin đầu tiên gửi về tòa soạn.

Buổi đối thoại thành công tốt đẹp, Chủ tịch TP đưa ra nhiều cam kết khiến bà con Đồng Tâm yên lòng cũng là lúc tôi nhận được thông tin người dân sẽ thả toàn bộ số cán bộ, chiến sĩ còn lại. Gấp chiếc máy tính sau khi đã chuyển toàn bộ thông tin về tòa soạn, tôi lại chạy thật nhanh đến khu vực nhà văn hóa thôn Hoành. Việc tác nghiệp nơi đây khó khăn không khác những ngày đầu là mấy, bởi người dân không đồng ý cho chụp ảnh khu vực này.

Khi đoàn làm việc do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung dẫn đầu đến nơi đây, người dân bắt đầu ùn ùn kéo đến, không khí hỗn loạn lại bắt đầu. Phải rất khó khăn, những người có chức trách mới vào được bên trong nhà văn hóa. Chúng tôi, vì muốn ghi nhận những hình ảnh đầu tiên tại nơi tạm giữ các cán bộ, vì quá đông người không thể đứng chụp, đã phải một tay bám trèo hàng rào, một tay cầm máy ảnh, thậm chí, đã bị một người phụ nữ từ trong nhà văn hoá cầm gậy vụt vào tay vì không đồng ý cho chụp ảnh.

Vài tiếng đồng hồ đứng dưới trời nắng nóng, trong không khí ken đặc người, cảm giác như nghẹt thở, nhưng không có phóng viên nào trong chúng tôi bỏ cuộc. Tất cả đều bám trụ đến cùng để theo dõi và ghi nhận những thông tin đắt nhất, chân thực nhất, quan trọng nhất để gửi về toà soạn. Khi các cán bộ chiến sĩ được thả ra, cũng là lúc chúng tôi gần như hoàn thành công việc của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.