Hỏi - Đáp

Nữ sinh viên vứt con đẻ trong khe tường sẽ bị xử lý thế nào?

21/08/2020, 14:41

Luật sư cho rằng, tùy vào hậu quả, người mẹ vứt con đẻ trong khe tường có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

img
Hiện trường em bé sơ sinh bị bỏ rơi ở Gia Lâm

Liên quan đến sự việc bé sơ sinh không mảnh vải che thân, còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi giữa khe tường hẹp ở khu nhà trọ số 45, Đào Nguyên, Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), ngày 21/8, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã xác định được người mẹ và cũng là người vứt bỏ cháu bé.

Theo đó, người mẹ này được xác định là sinh viên một trường đại học trên địa bàn. Công an hiện đang tiếp tục làm rõ vụ việc.

May mắn, sau khi bị vứt bỏ, một nữ sinh trọ ở đó nghe tiếng trẻ nhỏ khóc dai dẳng cả ngày đã đi tìm và rọi đèn pin, phát hiện cháu bé nằm giữa khe tường của hai căn nhà. Người dân đã khoan tường để đưa cháu bé ra ngoài.

Cháu bé được xác định là bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn, nặng khoảng 2,2 kg đã đưa đến trạm y tế thị trấn Trâu Quỳ cắt rốn và đưa lên Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm sơ cứu. Sau đó, bé sơ sinh này được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để chăm sóc, điều trị.

Hành vi nhẫn tâm vứt bỏ con đẻ vừa chào đời xuống khe tường nhà của người mẹ đang bị dư luận lên án. Nhiều ý kiến cho rằng, người mẹ sinh con ra không nuôi được có thể đưa lên chùa hoặc cho ai đó nuôi dưỡng, việc vứt bỏ con cần phải bị xã hội lên án và pháp luật trừng trị thích đáng.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc vứt bỏ cháu bé ở vị trí ít người biết và rất khó mới có thể giải cứu cháu bé thì không những là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn gây bất bình trong dư luận xã hội. Vì vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Công ước nhấn mạnh trẻ em là đối tượng được hưởng các quyền chăm sóc đặc biệt. Từ đó đến nay trẻ em Việt Nam đã được hưởng những quyền cơ bản, được chăm sóc, giáo dục và được quyền sống một cuộc sống hạnh phúc”, luật sư Bình nói.

Theo luật sư Bình, để cụ thể hóa việc bảo vệ trẻ em, chúng ta đã ban hành Luật Trẻ em năm 2016, luật này quy định nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi, bỏ mặc con của mình.

Ngoài ra Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu người mẹ không thuộc trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con của mình trong 7 ngày tuổi, dẫn đến đứa trẻ chết, căn cứ vào động cơ, lỗi, người mẹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, ở trường hợp này, như báo chí phản ánh, cháu bé đã được đưa đi cấp cứu và tính mạng đã được đảm bảo thì người vứt bỏ cháu bé sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Cụ thể, người mẹ sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng vì đã bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.