Xã hội

Nữ thượng tá gặp 700 vị tướng “đòi” kỷ vật chiến tranh

05/08/2017, 07:32

Có khi đang giữa đêm, có người nhắn đến lấy kỷ vật là bà Trần Thanh Hằng lại tất bật lên đường ngay.

18

Thượng tá Trần Thanh Hằng (thứ 2 từ phải sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

34 năm làm nghề, Thượng tá - Thạc sĩ Trần Thanh Hằng, nguyên cán bộ kiểm kê, sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã gặp gỡ, trò chuyện với hơn 700 vị tướng, sưu tập được hàng nghìn kỷ vật chiến tranh, viết rất nhiều cuốn sách, đề tài khoa học về chân dung các vị tướng anh hùng trong chiến tranh.

In dấu chân trên mọi miền Tổ quốc

Ngay khi vừa tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp, năm 1976, bà Hằng về làm cán bộ kiểm kê khoa học, sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, rồi bắt đầu hành trình sưu tầm kỷ vật chiến tranh từ năm 1994. Bà kể, khi còn làm ở bộ phận kiểm kê, bà thuộc làu tất cả thông tin các hiện vật, kỷ vật chiến tranh. Thậm chí, chỉ cần ai hỏi các kỷ vật để ở đâu, hình dáng thế nào, thông tin ra sao thì bà nhớ ra ngay, như một “cái máy được lập trình sẵn”. Rồi khi bắt đầu quá trình sưu tầm kỷ vật, bà làm việc ấy như có “nam châm” hút vào.

Là người phụ nữ trong gia đình, lại chọn một công việc không hề nhàn hạ, nhưng bà Hằng chưa bao giờ hối hận vì lựa chọn đó. Bà kể, những năm bà vất vả, lăn lộn khắp nơi, chồng bà đang còn trong quân đội cũng thường xuyên đi công tác xa nên bà phải gửi con cho người thân, bạn bè để lên đường. “Tôi mê nghề không phải vì có bổng lộc hay ưu đãi gì lớn lao, nhưng tôi thích. Bởi tôi thấy cuộc chiến tranh Việt Nam quá đặc biệt, mỗi con người, mỗi sự việc có nét rất riêng, tìm ra những điều đặc biệt ấy để ghi lại khiến tôi say mê”, bà Hằng chia sẻ.

Cũng chính vì thế mà đến nay, từ Bắc vào Nam, nơi đâu cũng in dấu chân của bà. Có những chuyến đi bà phải rong ruổi hàng tháng trời, đi cả thứ bảy lẫn chủ nhật, cả ngày lẫn tối, đêm đến ngủ nhờ nhà dân, doanh trại quân đội… Thậm chí, có khi đang giữa đêm, có người nhắn đến lấy kỷ vật là bà lại tất bật lên đường ngay.

“Tôi cũng nhớ mãi câu chuyện khi vào một gia đình chỉ có ông già ốm nằm ở giường, nhưng khi nhìn lên bàn thờ, tôi thấy nhiều huân chương và di ảnh của vợ ông cùng 5 người con đã hy sinh. Cạnh đó là chiếc nồi còn in lẫn màu máu và đất. Ông kể, đó là chiếc nồi vợ ông dùng để nấu cơm nuôi thương binh. Hôm ấy, đang nấu thì địch thả bom, bà ôm nồi cùng thương binh chạy vào hầm, nhưng bom trúng hầm nên bà đã chết, chiếc nồi khi ấy méo mó nhưng in đậm vết máu của bà, hòa lẫn vào đất. Vì thế, ông quý chiếc nồi ấy vô cùng”, bà Hằng trầm ngâm kể lại.

Bà Hằng nói, hôm bà về, không xin được chiếc nồi kỷ vật ấy nhưng 4h sáng hôm sau, cậu con út của ông cụ đã đạp xe hơn 40km, nhễ nhại mồ hôi để đem chiếc nồi cho bà mang về bảo tàng. Bà đã khóc vì xúc động và nhận người đó làm em trai kết nghĩa từ đó đến nay.

Hơn 3 năm thuyết phục để xin một kỷ vật chiến tranh

Trong cuộc đời, sự nghiệp của Thượng tá Trần Thanh Hằng, bà có được “kỷ lục” ấn tượng mà ít ai có: Gặp gỡ, trò chuyện với hơn 700 vị tướng, sưu tập được hàng nghìn kỷ vật chiến tranh, viết rất nhiều cuốn sách, đề tài khoa học về chân dung các vị tướng anh hùng trong chiến tranh... Bà nói, mỗi vị tướng, mỗi anh hùng là một câu chuyện, một cuộc đời. Tất cả đều vô cùng giá trị.

Bộ sưu tập về các vị tướng với bà không chỉ liệt kê tiểu sử, chiến công mà phải kể ra những câu chuyện gắn với cuộc sống của họ như tình yêu, gia đình… Công việc sưu tập của bà bắt đầu từ việc tìm kiếm nhân vật. Bà căn cứ vào danh sách các vị tướng đã có sẵn trong bảo tàng hoặc đến thư viện quân đội, lục tìm mục cáo phó trong các số báo từ năm 1955 đến nay để lấy thông tin về tiểu sử, quê quán. Biệt danh Hằng “cáo phó” có từ đây. 

Đến nay, Thượng tá Trần Thanh Hằng đã nghỉ hưu được 6 năm. Cuộc sống gia đình viên mãn, với hai người con thành đạt khiến bà vững tâm hơn khi dồn tâm huyết cho công việc mình say mê. “Về hưu rồi, nhưng tính ra tôi còn bận hơn lúc đi làm. Ngày thì có khi trông cháu nội, có lúc vẫn tranh thủ lên đường tìm kiếm các kỷ vật chiến tranh. Tối về có khi thức trắng đêm cả tuần để viết sách, làm đề tài khoa học cho bảo tàng”, bà Hằng kể, ánh mắt rạng rỡ niềm vui.

Chia sẻ về kỷ vật khiến bà nhớ nhất, bà nhắc đến câu chuyện “ba vị tướng và một chiếc xe đạp”. Năm ấy, bà xuống Bắc Ninh tìm đến nhà Trung tướng Văn Cương. Ông có chiếc xe đạp quý lắm, được ông cất giữ và lau chùi rất cẩn thận, nhưng ông không tặng lại bảo tàng, vì ông nói đó là kỷ vật quý giá nhất đối với ông.

Đó là chiếc xe đạp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cấp trên trang bị khi T.Ư Đảng điều động ông vào quân đội và giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng quân ủy. Đây cũng là phương tiện duy nhất được Đại tướng sử dụng để thực hiện vận chuyển các tài liệu cách mạng quan trọng đến Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, đóng tại địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng… Sau này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tặng chiếc xe đạp cho người cấp dưới của mình là Trung tướng Đoàn Chương. Và đến năm 1956, Trung tướng Đoàn Chương lại tặng chiếc xe đạp này cho Trung tướng Văn Cương, để ông có thể đạp xe về Bắc Ninh thăm gia đình trong quá trình ông dạy ở Trường Chính trị tại Hà Đông.

“Chiếc xe đạp khi ấy là cả một gia tài quý giá, không chỉ về giá trị vật chất, mà mang ý nghĩa tinh thần lớn lao. Bởi vậy, mà Trung tướng Văn Cương nhất định không cho chiếc xe đạp, còn nói khi nào ông chết thì mới cho. Nhưng sau 3 năm đi lại, trò chuyện, thuyết phục, cuối cùng ông rất cảm động và giao cho tôi chiếc xe đạp mang về bảo tàng”, bà Hằng kể lại.

Cũng có những kỷ vật khiến bà Hằng trào nước mắt. Bà nói, xúc động nhất khi tìm được bức thư của anh Khương Thế Hưng, nhân vật M. trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Chiếc phong bì nhỏ xíu 6,5x8,8cm, làm bằng giấy kẻ ô ly, trên đề Hưng. 736. GM TQTuấn, dưới là tên người nhận Nguyễn Đức Dũng, Binh vận Đức Phổ. Bức thư không bao giờ đến được tay người nhận, vì mặt sau phong bì có dòng chữ viết bằng mực đỏ: “Hưng ơi! Dũng hy sinh rồi, địch càn vừa rút, Dũng lên công sự, địch càn trở lại gặp trong nhà bắn chết. HL”. Tiếp phía dưới là dòng chữ viết bằng mực xanh: “Và bây giờ thì Hoàng Liên, người viết những dòng trên cũng đã hy sinh vì giặc Mỹ bắn chết - 12/69”. Thư được viết hai mặt trên tờ giấy kẻ ca rô, kích thước 9,6x14cm, được gập làm tư, đặt gọn trong chiếc phong bì đã nhuốm màu thời gian. “Trong thư anh ấy còn nhắc đến chị Sơn thì năm sau chị ấy cũng hy sinh. Một lá thư bé nhưng trong đó có 3 người hy sinh”, bà Hằng xúc động.

Một kỷ vật khác cũng làm bà Hằng nhớ mãi là chiếc ca nước làm bằng mảnh xác máy bay của nữ y tá Nguyễn Thị Kim Cương ở Đội điều trị 204 - Tổng cục Hậu cần phục vụ Mặt trận B5. Chiếc ca gắn với bao kỉ niệm vui buồn ở Trường Sơn, với các thương bệnh binh, với mối tình đầu của chị Kim Cương trong suốt những năm kháng chiến. Đấy là chiếc ca nước mà anh Võ Minh, người chồng của chị sau này, tặng trước ngày người yêu vào chiến trường. Chiếc ca kỷ vật ngày trước dùng để phục vụ hàng trăm thương bệnh binh thì giờ đây lại phục vụ đứa con gái bị nhiễm chất độc màu da cam. Vì thế, chị Kim Cương luôn nâng niu, trân trọng nó trong suốt 40 năm. Nhưng khi biết bà Hằng xin về cho bảo tàng, chị đã tặng chiếc ca cùng với tấm ảnh và những bức thư tình thời chiến.

Chiếc ống nhòm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vào khoảng năm 1983, bà Hằng nhen nhóm ý tưởng xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp nên bắt đầu công việc sưu tầm hiện vật về Đại tướng. Rồi một ngày, thư ký của Đại tướng là ông Nguyễn Huyên tìm gặp bà và nhờ sưu tập lại toàn bộ ảnh về Đại tướng. Bà xin ý kiến của Giám đốc Bảo tàng và nhận được sự đồng ý.

Sau quá trình say mê tìm tòi, bà tập hợp được gần 600 bức ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng, đóng thành 6 tập. Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Đại tướng (năm 1991), bà cùng Giám đốc Bảo tàng đã mang bộ sưu tập ảnh sang nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) tặng.

Tiếp đến, từ năm 1990, bà bắt đầu sưu tập và có đến gần 200 hiện vật, tài liệu của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, từ trang phục, điện thoại, cho đến các lá thư… Nhưng hiện vật bà nhớ nhất là chiếc ống nhòm của Đại tướng. Khi chiếc ống nhòm được vợ Đại tướng tặng cho bảo tàng, Đại tướng nói: “Lấy ống nhòm của tôi thì khi tôi muốn đi khắp nơi phải làm thế nào?”.  Thấy thế, bà Hằng nhanh đáp lời: “Con xin ông rồi con sẽ mua cái ống nhòm khác cho ông”. Vậy là Đại tướng đồng ý.

Khi nhắc đến cố Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bà Hằng nhớ ngay đến kỷ niệm khi gặp ông để xin đôi giày ông từng đi. Khi ấy, bà được nghe Đại tướng kể rằng, vì cỡ chân ông hơi khác, nên giày ông phải đặt để đóng mới đi vừa. Và trong hàng chục năm, ông chỉ sử dụng một đôi giày do thợ thủ công đóng. Ông sử dụng giày rất “tiết kiệm”, khiến đôi giày của ông qua các chiến dịch, đã 5 lần phải thay đế, hễ mòn đế là ông đóng lại.

“Hôm trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự, ông còn tiếc lắm. Thế nhưng ông là người rất thấu hiểu nỗi vất vả của nhân viên bảo tàng làm công tác sưu tầm hiện vật, nên đã nhiều lần ông trực tiếp mang những kỷ vật của mình đến tặng bảo tàng. Đó là khẩu súng K59, Bộ Tổng tham mưu trang bị cho Đại tướng khi ông giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Và một lần, đúng ngày 30/4, ông mang đến bộ quân phục đính nguyên quân hàm Đại tướng tặng lại Bảo tàng”, bà Hằng kể lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.