Vận tải

Nữ tiếp viên hàng không nhiễm Covid-19 và lần lên báo “bất đắc dĩ”

22/06/2020, 19:39

Tôi được trải nghiệm đầy đủ, từ khi là F1-người tiếp xúc với bệnh nhân và có nguy cơ cao nhiễm bệnh, rồi bất ngờ trở thành F0 với cái tên BN59.

img
Nữ tiếp viên hàng không Lê Thị Quyên tại thời điểm còn ở trong khu cách ly

Lê Thị Quyên “được” lên báo “bất đắc dĩ” vào chiều tối 16/3/2020 khi cơ quan chức năng công bố cô trở thành bệnh nhân 59, là tiếp viên hàng không đầu tiên của Việt Nam dương tính với Covid-19. Đáng nói, nữ tiếp viên 30 tuổi có kết quả dương tính sau 3 lần xét nghiệm âm tính (trong 8 ngày), một kết quả bất ngờ và gây nhiều hoang mang trong thời điểm đó.

Luôn tin mình sẽ chiến thắng

Cảm giác của chị thế nào khi nhận được tin mình dương tính với Covid-19?

Khi nhận được thông tin, suy nghĩ đầu tiên của tôi là không hiểu bố mẹ sẽ như thế nào nếu biết tin này. Ngay lúc đó, tôi không hề nghĩ gì đến việc mình sẽ ra sao, chỉ thấy thương bố mẹ vô cùng. Tôi đã chủ động gọi điện thoại ngay cho bố mẹ để động viên, an ủi, khẳng định mình sẽ không sao.

Thực sự trước đó, dù đi bay ngay giữa lúc dịch bệnh bùng phát khắp nơi trên thế giới, tôi vẫn luôn nghĩ dịch bệnh ở đâu đó, với ai đó, chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ nhiễm. Đến khi nhận được thông báo, tôi mới thực sự cảm thấy dịch bệnh lây lan nguy hiểm thế nào. Lần vào viện này cũng là lần đầu tiên tôi nằm viện kể từ khi sinh ra.

Có một điều rất lạ là khi nhận được thông tin nhiễm Covid-19 từ bác sĩ cũng như suốt quá trình điều trị sau đó, tôi luôn tin tưởng chắc chắn mình sẽ chiến thắng và thực tế là tôi đã chiến thắng.

Thế còn khi chị quyết định viết đơn xin thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 thì sao?

Tôi không nghĩ quá nhiều về quyết định này. Khi nằm trong viện, tôi đã đọc rất nhiều thông tin và thấy các bác sĩ, chiến sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch thực sự quá vất vả. Tôi nghĩ rằng, mình ở trong bệnh viện và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, từ cơ quan, đồng nghiệp, bạn bè, đến các bác sĩ, y tá điều trị… nên cũng muốn đóng góp một chút gì đó. Hơn nữa, tôi luôn nghĩ là mình sẽ chiến thắng được con virus đó. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đầu hàng. Do đó, tôi cũng không ngại là người thử nghiệm thuốc chữa Covid-19.

Tôi cũng tin, nếu có gì bất trắc xảy ra trong quá trình thử nghiệm thuốc, các bác sĩ sẽ can thiệp kịp thời. Nếu có rủi ro đi chăng nữa, có chăng mình cũng chỉ chịu đau đớn thêm một chút. Mọi người nói tôi dũng cảm, nhưng với tôi, việc đó không quá nặng nề.

“Sau khỏi bệnh là chuỗi ngày kinh khủng”

Chị không lo lắng khi nhận thông tin mình bị dương tính với Covid-19, không ngần ngại trở thành một trong những người đầu tiên thử nghiệm một loại thuốc mới, vậy điều gì mới có thể khiến chị sợ hãi?!

Trước khi ra viện, bác sĩ cũng nói với tôi rằng, đây là con virus rất mới, chưa có nghiên cứu nào cụ thể cả. Hoàn toàn là thông tin từ nước ngoài, những nơi xuất hiện virus sớm hơn Việt Nam, có nhiều người mắc hơn Việt Nam.

Khi ở bệnh viện, tôi không hề suy nghĩ gì nhiều, luôn tin tưởng mình sẽ chiến thắng được virus. Nhưng khi ra viện rồi, tiếp cận nhiều thông tin hơn, tôi mới biết hoá ra mình đã vừa trải qua một điều kinh khủng như thế.

Thời gian tự cách ly ở nhà còn kinh khủng hơn rất nhiều so với thời gian chữa bệnh ở bệnh viện. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình sẽ bị dương tính trở lại, sẽ lây nhiễm cho ai đó, tên của mình sẽ lại xuất hiện trên báo chí... Những ngày đó, tôi đã phải nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý. Có những lúc tôi cảm thấy như mình không thể bắt nhịp được với cuộc sống bình thường, không thể đi bay trở lại.

Sau khi trở về quê, được hưởng bầu không khí trong lành, tự do, tinh thần cũng thoải mái dần lên, tôi bắt đầu quan tâm đến mọi người nhiều hơn, dần dần dám đối diện với mọi người. Tôi cũng có liên lạc với một số bạn cùng điều trị thì mọi người cũng ở hoàn cảnh chung như mình, đều bị sang chấn tâm lý.

Thời điểm đó, chị có đọc những thông tin về việc tiếp viên hàng không bị kỳ thị?

Khi đang điều trị thì tôi chỉ tập trung vào việc chữa bệnh và không nghe quá nhiều thông tin từ bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi ra viện, có nhiều thời gian hơn, cũng là lúc những thông tin đó đến nhiều hơn. Đọc những tin đó, tôi cảm thấy thực sự buồn. Tôi là người phục vụ trên chuyến bay VN54 từ Anh trở về. Đây là chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines có khách dương tính với virus (bệnh nhân 17 - PV). Do đó, phi hành đoàn chuyến bay này cũng là phi hành đoàn đầu tiên phải đi cách ly.

Ba đêm đầu tiên ở khu cách ly, mọi người đều không ngủ được. Trong các group cộng đồng tiếp viên, đồng nghiệp của tôi rất hoang mang. Một người bạn của tôi là mẹ đơn thân, đã rất lo lắng trước chuyến bay, không hiểu chuyến bay của mình có khách nhiễm Covid-19 hay không, mình có bị cách ly hay không? Nếu bị cách ly thì con cái ở nhà sẽ như thế nào? Thời điểm đó, bạn tôi cũng không thể tìm được giúp việc vì người ta cũng sợ dịch bệnh, lại ái ngại khi giúp việc cho một gia đình có người làm tiếp viên hàng không. Cực chẳng đã, bạn phải xin nghỉ bay để ở nhà chăm sóc con. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi lúc đó cũng bị ảnh hưởng, mỗi người một cảnh. Đã thế, chúng tôi còn bị kỳ thị, xa lánh.

Việc mọi người giữ khoảng cách vì lo lắng nhiễm dịch cũng là tâm lý bình thường. Nhưng giá như mọi người nhìn tiếp viên chúng tôi với cái nhìn thông cảm hơn, chia sẻ hơn thì chúng tôi sẽ đỡ áp lực hơn nhiều.

Vậy sau đó chị có nghe thông tin có thêm 2 đồng nghiệp nữa dương tính với Covid-19 sau một chuyến bay đưa người Việt từ nước ngoài về?

Tôi nhận thông tin có thêm 2 nam đồng nghiệp nhiễm dịch khi bản thân đã hoàn toàn khỏi bệnh. Chính thời điểm đó, tôi mới hiểu được cảm giác của người bên ngoài khi nghe tin có một đồng nghiệp dương tính với con virus lạ này.

Phi hành đoàn chuyến bay của tôi mọi người đã trải qua những tháng ngày rất kinh khủng. Nếu như đó là một điều xui xẻo, bản thân mình phải chịu đã đủ rồi, tôi thực sự mong muốn không có thêm một đồng nghiệp nào phải trải qua những tháng ngày như mình đã trải qua.

Tôi đã chủ động liên lạc với các anh, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân, cũng là để động viên, thêm động lực để các anh chữa bệnh. Mỗi khi có một điều gì đó thay đổi, họ đều nói với tôi. Tôi thực sự hạnh phúc khi có thể giúp được một điều gì đó cho đồng nghiệp của mình, khiến họ yên tâm chữa bệnh.

Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc

img
Nữ tiếp viên hàng không Lê Thị Quyên

Chị đã sẵn sàng trở lại với bầu trời chưa?

Tôi đã có 5 năm gắn bó với nghề. Tôi đến với nghề tiếp viên hàng không cũng rất tình cờ bởi vì gia đình không ai làm trong ngành cả. Thời điểm đó, tôi đang làm việc ở một khách sạn. Khi đó bố tôi đọc thông tin tuyển tiếp viên hàng không trên báo và chỉ nói “người ta đang tuyển tiếp viên này”. Ngay lúc đó, tôi chợt nghĩ, sao mình không làm tiếp viên hàng không?

Lúc đó, tôi không hề biết công việc tiếp viên hàng không là như thế nào, chỉ nghĩ đó là công việc được đi đây đi đó nhiều. Và rồi tôi trúng tuyển, gắn bó và yêu nghề lúc nào không biết.

Giờ đây tôi đã sẵn sàng đi bay trở lại, sẵn sàng có mặt trên những chuyến bay đưa người Việt từ nước ngoài về, nếu được phân công. Tôi nghĩ, những gì khó khăn nhất thì mình đã trải qua rồi, tôi biết mình phải tránh những gì, cần làm gì.

Nghĩ lại những tháng ngày đã qua, thực sự chị cảm thấy như thế nào?

Đến thời điểm này tôi thấy mình rất may mắn. Tôi được trải nghiệm đầy đủ, từ khi là F1 - người tiếp xúc với bệnh nhân và có nguy cơ cao nhiễm bệnh, rồi bất ngờ trở thành F0 với cái tên Bệnh nhân 59. Tất cả đã mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc, khó mà diễn tả hết được, trong đó có cả niềm vui, cả nỗi buồn, cả sự cô đơn, tủi thân, cả những vỡ oà hạnh phúc!

Cảm ơn chị!

Chiều tối 16/3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân Covid-19 thứ 59 là nữ tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines, 30 tuổi, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội). Đó chính là Lê Thị Quyên, nữ tiếp viên của chuyến bay VN 0054 từ Anh về Việt Nam ngày 2/3.

Những ngày trong bệnh viện, cảm nhận rõ sự căng thẳng, gồng mình chống dịch của đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu nên cô cũng muốn góp phần nhỏ bé vào công cuộc đó. “Sẵn có con virus lạ trong người”, cô tự nguyện tham gia thử thuốc, dù lúc đó chỉ có số ít bệnh nhân đồng ý thử nghiệm.

Ký tên đồng ý thử nghiệm thuốc xong, Quyên mới báo cho gia đình. Và thật bất ngờ, sau khi sử dụng phác đồ điều trị và thuốc mới từ các y bác sĩ, cô có tiến triển tốt, xét nghiệm âm tính 3 lần và sau đó trở thành một trong những ca bệnh được điều trị khỏi hoàn toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.