Nữ TNXP thời "hậu chiến": Đừng để thiệt thòi kéo dài thêm

11/07/2014, 13:34

Do vướng mắc về thủ tục giấy tờ, đến nay vẫn còn hàng trăm ngàn TNXP chưa được hưởng các chế độ chính sách theo quy định.

Kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2014)


TIN LIÊN QUAN

Già cả, đau ốm, cô Nguyễn Thị Quế là một trong số 55.000 cựu TNXP có hoàn cảnh sống khó khăn
Già cả, đau ốm, cô Nguyễn Thị Quế là một trong số 55.000 cựu TNXP có hoàn cảnh sống khó khăn


Thiệt thòi nhân hai


Làng Lòi, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An - được nhiều người biết đến là một ngôi làng của những cựu nữ TNXP không chồng - giờ đã được đổi tên thành xóm 6. Hơn 30 phụ nữ đơn thân, người đã mất, người về với gia đình, người theo con cái… Xóm 6 giờ có thêm nhiều hộ gia đình mới, nhà cửa khang trang; thành kiến với người phụ nữ không chồng mà có con cũng không còn nặng nề như xưa. Song cuộc sống của nhiều cựu nữ TNXP nơi đây vẫn vô cùng chật vật. 


Nằm cuối ngõ, ngôi nhà của cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Quế không thể tuyềnh toàng hơn: Nhà cấp 4, mái tôn, cửa ra vào trống hoác, giữa nhà chất đống cây lạc khô làm củi đun, bên trái nhà là một chiếc giường, một chiếc bàn gỗ mộc, trên úp ba chiếc bát ăn cơm, hai đôi đũa; bên phải là hai chum đựng thóc. Đồ đạc giá trị nhất trong nhà cô Quế có lẽ là chiếc quạt và nồi cơm điện. “Ông nhà mất đã hơn chục năm nay, nhà có 7 người con, nhưng hai con trai lập nghiệp ở xa, 5 con gái đều lấy chồng, nên già vẫn chỉ có một mình”, cô Quế buồn bã nói và cho biết thêm, nhà cô cũng được một sào ruộng nhưng đau yếu do bị thương khi đang vác đạn qua cầu Đò Vành (Quảng Bình), nên phải nhờ con cháu cả. Cũng may mắn là cô Quế đã hoàn tất được thủ tục, giấy tờ để được khoản trợ cấp hơn 900.000 đồng/tháng.

Sau ba năm phối hợp với các ngành chức năng, Hội cựu TNXP Việt Nam đã giúp giải quyết trợ cấp một lần cho 35.000 cựu TNXP đang sống và 8.500 cựu TNXP đã qua đời; giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 850 cựu TNXP và cho 1.105 người vay vốn để sản xuất, chăn nuôi. Trong tổng số 420.000 cựu TNXP kháng chiến thuộc diện được hưởng chế độ chính sách ưu đãi, đã có 280.000 trường hợp được giải quyết (68%) các chế độ như trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần, liệt sĩ, thương binh và chất độc da cam. 

Nói may mắn là bởi còn rất nhiều cựu TNXP khác chưa từng được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Cách không xa nhà cô Quế là nhà cựu nữ TNXP Bùi Thị Đăng, 66 tuổi, không chồng, không con, 15 - 16 năm nay đi lại khó khăn. Cô Đăng cho biết, năm 1997, sau khi khám thương tật, làm hồ sơ, tỉnh gửi kết quả về huyện nhưng huyện bỏ quên. Năm 2006, cô Đăng gửi thư kiến nghị cho tỉnh, mới biết hồ sơ của mình đã được chuyển về huyện. Tìm đến huyện, được trả lời hồ sơ chưa duyệt, yêu cầu làm lại. Buồn bã, trên đường về nhà, cô Đăng để thất lạc hồ sơ chỗ nào cũng không hay, rồi cũng buông xuôi từ đó đến nay. “Sống chết còn bao lâu nữa mà được hưởng trợ cấp, trong khi thủ tục quá khó khăn, nên tôi đành từ bỏ”, cô Đăng nói. Bố mẹ đều mất sớm, em trai ở xa, đôi khi ghé thăm, đến vụ biếu chị được bát gạo. Những khi ốm đau, cô trông cậy cả vào hàng xóm. Thu nhập chính của cô Đăng là từ việc trông trẻ với mức lương 300.000 đồng/tháng. 

Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Nghệ An Phạm Thị Phòng xác nhận, Nghệ An còn rất nhiều trường hợp chưa được hưởng chế độ chính sách dành cho TNXP. Theo đó, toàn tỉnh có 5.500 người bị thương trong quá trình tham gia lực lượng TNXP, song vẫn còn 1.650 người chưa được hưởng chế độ về thương tật; 13.500 người chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần và thường xuyên; 3.200 người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Hiện 2.516 cựu TNXP có hoàn cảnh sống khó khăn, cần giúp đỡ. 


Tại Thái Bình, Chủ tịch Hội cựu TNXP Thái Bình Hoàng Công Ánh, cho biết, tỉnh có 28.000 TNXP, trong đó 12.000 người làm nhiệm vụ tiền trạm kinh tế sau năm 1975. Đến nay, 10.000 người đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần và hàng tháng, song toàn bộ 12.000 người tham gia tiền trạm kinh tế chưa được giải quyết; 3.000 TNXP chưa được hưởng chế độ trợ cấp độc hại do nhiễm chất độc da cam, dioxin…
 

Sau gần 30 năm hoàn thành nhiệm vụ, cô Bùi Thị Đăng là một trong số hàng vạn người vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp
Sau gần 30 năm hoàn thành nhiệm vụ, cô Bùi Thị Đăng là một trong số hàng vạn người vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp


Quy định còn thiếu thực tế, khắt khe


“Tình trạng như ở Nghệ An, Thái Bình khá phổ biến. Đúng là rất nhiều cựu TNXP chưa được hưởng bất cứ chế độ chính sách gì, từ trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, thương tật, nhiễm chất độc da cam, bảo hiểm y tế, vay vốn ưu đãi…”, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Cao Vãng cho biết. 


Cụ thể, đến nay mới có 33.000/46.000 người được hưởng chế độ thương tật; 4.300/10.000 người được hưởng chế độ dành cho liệt sĩ; 2.309/13.000 người được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam, dioxin; 4.600 con đẻ của TNXP bị hậu nhiễm nhưng mới có 1.600 trường hợp được giải quyết chế độ; 25.520 người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế… 


“Cả tuổi xuân cống hiến nơi chiến trường, phần lớn cựu TNXP trở về quê với hai bàn tay trắng, sức lao động giảm sút, ốm đau, thương tật, nhiễm chất độc da cam. Nữ giới còn thiệt thòi hơn khi nhiều người không lập gia đình, không được thực hiện thiên chức làm mẹ, sống cô đơn không nơi nương tựa, đời sống khó khăn, nhà cửa dột nát… Có tới 55.000 cựu TNXP rơi vào tình cảnh hộ nghèo, rất cần được giúp đỡ”, ông Vãng tâm sự.


Nguyên nhân chậm giải quyết chế độ chính sách cho TNXP, theo ông Vãng, là bởi nhiều quy định chưa sát với thực tế, yêu cầu quá khắt khe với điều kiện của TNXP. Chẳng hạn, để được hưởng chế độ trợ cấp một lần hay trợ cấp thường xuyên, cựu TNXP phải xuất trình được giấy tờ gốc, song qua mấy chục năm chiến đấu, trở về địa phương đến nay, rất nhiều người đã bị thất lạc giấy tờ này. Hay quy định về hưởng trợ cấp đối với cựu TNXP bị nhiễm chất độc da cam, dioxin, TNXP phải hoạt động ở vùng Mỹ rải chất độc từ Quảng Trị trở vào, sau này bổ sung thêm 10 xã thuộc huyện Vĩnh Linh. Song trên thực tế, TNXP làm nhiệm vụ cuối đường Trường Sơn hoặc bên Lào, đều giáp Quảng Trị nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học này qua đường không khí, nước uống, nhưng nếu chiếu theo quy định cũng không thuộc diện được trợ cấp…


“Với vai trò là nhân chứng lịch sử, hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, Hội Cựu TNXP Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng. Song, còn nhiều quy định chưa sát với thực tế cần được điều chỉnh, để hàng trăm ngàn cựu TNXP bớt đi những thiệt thòi, có điều kiện hơn trong chăm lo sức khỏe, đời sống, xứng đáng với những đóng góp, hi sinh thầm lặng mà lớn lao cho công cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Anh Liên tha thiết.

Thảo Nguyên
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.