Xã hội

“Nữ tướng” thuyền đua Đà Nẵng vượt biển vòng quanh thế giới

27/02/2016, 07:57

Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper 2015 - 2016 được mệnh danh nguy hiểm nhất hành tinh...

6

Nữ thuyền trưởng huyền thoại Wendy Tuck của đội thuyền buồm Đà Nẵng - Nguồn: clipperroundtheworld.com

Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper 2015 - 2016 được mệnh danh nguy hiểm nhất hành tinh là thách thức không nhỏ cho các thủy thủ nam, với nữ giới càng thêm khắc nghiệt. Thế nhưng, đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam) lại được lèo lái bởi “nữ tướng” mang quốc tịch Úc.

“Nữ tướng” huyền thoại

Dáng người to đậm, bà Wendy Tuck, (50 tuổi, quốc tịch Úc) - Thuyền trưởng đội đua Đà Nẵng thường trực nụ cười trên môi. Thế nhưng sự thân thiện, dịu dàng ấy sẽ tan biến ngay khi bà cầm lái con thuyền giữa đại dương cuộn sóng bằng tất cả sự kiên cường, rắn rỏi.

Wendy kể trong chặng đến Đà Nẵng, đoàn đua đi qua vùng áp thấp nhiệt đới, biển động rất mạnh. Những con sóng cao đến 5m liên tục vỗ mạn thuyền, ập lên người các thủy thủ. Với vai trò thuyền trưởng, bà có trọng trách nặng nề khi đưa ra hàng loạt giải pháp, kế sách đảm bảo thuyền hoạt động ổn định, hiệu quả, đánh giá đúng hướng gió, lướt sóng phù hợp.

- Ít ai biết mẹ bà Wendy từng đến Đà Nẵng trong chuyến công tác quốc tế. Ước mơ một lần đến thành phố biển này được bà hiện thực hóa trong vai trò Thuyền trưởng con tàu mang tên nước chủ nhà Đà Nẵng, Việt Nam. “Chúng tôi đã yêu Đà Nẵng ngay từ khi mới “chạm” vào”, bà Wendy nói.

- Cuộc đua Thuyền buồm Vòng quanh Thế giới Clipper là cuộc đua thuyền buồm trên đại dương dài nhất thế giới và cũng được coi là một trong những sự thử thách sức bền khó khăn nhất trên hành tinh. Với độ dài 40.000 hải lý (khoảng 75.000 km) và gần một năm để hoàn thành (tháng 8/2015 đến tháng 7/2016), cuộc đua bao gồm 12 đội đua thi đấu với nhau trên đoàn thuyền lớn nhất thế giới với các thuyền đua dài 70 foot (khoảng 21,3m).Cuộc đua Clipper ra đời vào năm 1996 bởi ngài Robin Knox-Johnston, người đầu tiên đi thuyền buồm liên tục khắp thế giới trong những năm 1968-1969. Mục đích của ông là giúp bất cứ ai, bất kể kinh nghiệm đi biển như thế nào, cũng có thể có cơ hội để cảm nhận được sự hồi hộp của việc đua thuyền trên biển. Đây là sự kiện duy nhất của thể loại này dành cho các thủy thủ nghiệp dư.

“Khi đi vòng phía Nam Philippines tiến lên hướng Bắc (vào biển Đông), gió mạnh cuốn từng đợt sóng khiến thuyền lắc dữ dội. Tôi kêu gọi các thủy thủ đặc biệt cẩn trọng, bám chắc vị trí công việc, phối hợp đưa thuyền lướt qua từng đợt sóng. Có lúc thuyền nghiêng đến 60O, lưng tôi kề sát mặt sóng, lắc lư mạnh. Tôi phải dùng dây cáp bảo vệ đu lên cột buồm, buộc chặt các sợi dây nối buồm với cột thép vào nhau”, giọng “nữ tướng” đội Đà Nẵng đầy kinh nghiệm.

Khi đã căng lại buồm, bà Wendy hạ dây xuống thì áo khoác lại vướng vào móc khóa dây thừng khiến bà đu đưa liên tục giữa không trung. Các đồng đội định trèo lên giúp nhưng nữ thuyền trưởng hét lớn “không được rời vị trí, tiếp tục bẻ lái tối đa sang mạn phải”. “Một lúc sau, tôi quay lại thì thấy bà ấy đã cởi phăng áo khoác, đu xuống mạn thuyền”, bà Katarina, thuyền viên thuyền Đà Nẵng cho hay.

Nhớ lại chặng đua từ Sydney đi Hobart (Úc), nơi thuyền Đà Nẵng về nhất, bà Wendy vẫn rùng mình. Bà cho biết, đó là chặng ngắn nhất trong cuộc đua nhưng cũng cam go nhất bởi thuyền phải lách qua cả rừng mỏm đá nhô cao sát vịnh biển nước Úc.

Xuất phát vị trí thứ 4 ở Cảng Sydney, thuyền Đà Nẵng giương buồm lướt trên mặt biển êm ả. Khoảng 4 tiếng sau, đoàn đua bắt đầu vào “mê cung” đá ngầm và núi đá nhọn hoắt nhô lên mặt nước. Theo lời bà Wendy, các đội đều xác định đi vòng ra xa vịnh nhất để tránh thuyền va vào đá. Vừa cầm lái, vừa cầm ống nhòm quan sát, bà nảy ra ý định cho thuyền lách qua giữa “mê cung” để tạo lợi thế dẫn đầu khi đoàn đua vòng lại.

“Đó là một quyết định mạo hiểm”, bà Wendy kể, “Thời gian là không đủ cho sự đắn đo. Qua ống nhòm, tôi thấy có 1 luồng biển đủ rộng giữa các hòn đảo nhỏ, sóng không quá lớn và nếu đi qua được thì chúng tôi sẽ vươn lên dẫn đầu. Không chần chừ gì nữa, tôi bẻ lái sang phải, tách đoàn. Cả đội ngỡ ngàng và cho rằng nó như 1 sự đánh cược. Thuyền quá dễ mắc cạn nhưng tôi vẫn quyết tâm, hò hét liên tục cổ vũ tinh thần đồng đội”.

“Chúng ta cần một sự đột phá cho cả hành trình”, nữ thuyền trưởng hét lớn. Cả đội không ai bảo ai, cùng nhau vào vị trí. Mọi ánh mắt tập trung cao độ. Những bàn tay nắm chặt. Con thuyền nhỏ bé lần lượt lướt qua các rặng đá có thể nhìn rõ dưới đáy biển. Và khi thoát ra, bà Wendy bẻ lái 1 lần nữa sang phải, nhập lại vào đoàn đua, nhưng là với vị trí tiên phong.

Cập cảng Hobart đầu tiên trong niềm hân hoan khôn tả, đội Đà Nẵng càng sướng rơn khi biết mình vừa phá kỷ lục về thời gian hoàn thành chặng Sydney - Hobart. Đó là kỷ lục do ông Robin Knox-Johnston, người sáng lập cuộc đua tạo ra hơn 10 năm trước. “Từng chai Sâmpanh bật tung chưa bao giờ được hào sảng đến thế với kết quả đầy tự hào”, bà Wendy chia sẻ.

7
Thuyền Clipper Đà Nẵng, Việt Nam tiến vào sông Hàn - Ảnh: Tấn Việt

Nữ nhi “trị” biển cả

Bà Wendy không chỉ là người phụ nữ Úc đầu tiên dẫn dắt một đội đua của Cuộc đua Clipper mà còn được các thuyền viên mệnh danh “thủy thủ huyền thoại”. bà có kinh nghiệm hơn 10 năm đảm nhiệm vai trò huấn luận viên đua thuyền và là thuyền trưởng đặc quyền của Hiệp hội du thuyền Hoàng gia Úc khiến nhiều người trầm trồ. Trong các chặng đua, những quyết định, hành động của bà luôn khiến đồng đội và thủy thủ thuyền khác bái phục.

Ông Peter Thornton (41 tuổi, quốc tịch Anh), thuyền trưởng thuyền GREAT Britain nhận xét, dù là nam giới, nhưng ông không thể không ngả mũ trước sự can trường, gan dạ hiếm thấy của vị nữ thuyền trưởng 50 tuổi.

“Đó là chặng Brasil đi Nam Phi trong cuộc đua năm 2014, đoàn đua vòng xuống phía Nam Đại Tây Dương, gần xích đạo. Chúng tôi gặp 1 cơn bão, gió không quá lớn nhưng cũng đủ khiến các thủy thủ rát mặt. Khi đó thuyền của bà ấy đi song song với chúng tôi, mũi thuyền nhô cao vì sóng lớn. Tôi nhìn qua thấy bà Wendy bị sóng hất văng xuống biển, nhưng tay vẫn bám vào mạn thuyền. Bà liên tục xua tay khước từ sự trợ giúp của đồng đội, gào lên bảo mọi người giữ chắc hướng đi. Phải đến 15 phút sau thì bà tự trèo lên thuyền và tiếp tục cầm vô-lăng. Chặng đó thuyền của bà chỉ về thứ 7 nhưng chúng tôi đều chúc mừng như thể bà đã là nhà vô địch”, ông Peter kể.

Sống cùng chồng và 2 con tại Úc, gia đình bà Wendy có 1 trang trại đủ lớn để nuôi sống gia đình, nuôi dưỡng ước mơ “trị biển” của bà. Mỗi năm bà chỉ về nhà được 1 tháng là lại lên đường cho cuộc đua mới. Nỗi nhớ nhà luôn thường trực khiến bà đôi lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng những lời động viên từ chồng giúp bà vững tâm hơn trong từng thử thách. “Anh ấy là người hiểu rõ tôi nhất. Biết tôi đôi lúc yếu lòng nhưng tình yêu với thuyền buồm đã ăn vào máu. Anh luôn khuyến khích tôi tiếp tục làm thuyền trưởng để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người và các con”, bà xúc động kể.

Clipper luôn được mệnh danh “nguy hiểm nhất hành tinh”, nhưng theo ông Robin Knox-Johnston, 40% thủy thủ tham gia cuộc đua năm nay là nữ giới. Trong đó có người lớn nhất 71 tuổi. Và ấn tượng nhất với ông trong 10 năm qua của hành trình Clipper chính là Wendy Tuck, nữ thuyền trưởng huyền thoại.

Chia sẻ với báo giới ngay tại Đà Nẵng, ông Robin cho biết: “Về bà Wendy thì thật sự không ngôn từ nào diễn tả hết. Tôi từng chứng kiến bà ấy bị thương hay rơi xuống biển lúc đua, nhưng chưa khi nào thấy bà tỏ ra nản lòng. Ngay cả bây giờ, quyết định táo bạo trong chặng Sydney - Hobart của bà ấy vẫn khiến tôi không tin nổi. Kỷ lục của tôi bị phá vỡ nhưng tôi cảm thấy tự hào vì có bà ấy trong cuộc đua. Đội Đà Nẵng đã rất may mắn khi được 1 người phụ nữ tài ba dẫn dắt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.