Hồ sơ tài liệu

Núi đổ sập nơi Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, Trung Quốc lo lắng

26/04/2018, 06:52

Núi Mantap tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên bị sập khiến Trung Quốc lo ngại phơi nhiễm phóng xạ.

Kim

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây tuyên bố từ bỏ thử nghiệm hạt nhân (ảnh minh họa)

SCMP dẫn nguồn 2 nhóm nhà khoa học của Trung Quốc cho hay, ngọn núi tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên đã bị sập, đặt Trung Quốc và các quốc gia láng giềng trước nguy cơ bị nhiễm xạ ở mức độ chưa từng thấy. 

Một nhà nghiên cứu còn cho rằng, có thể vụ sập núi sau 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân là lý do khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ngừng thử hạt nhân và đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Trong số 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, 5 lần thử nghiệm gần nhất đều diễn ra dưới chân núi Mantap thuộc bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở phía Tây Bắc nước này.

Nhóm nghiên cứu do nhà địa chất học Wen Lianxing (thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc) dẫn đầu cho rằng, vụ sập núi này là hệ quả của cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân ở đường hầm sâu 700m dưới đỉnh núi tháng 9/2017. 

Theo các nhà nghiên cứu, bụi phóng xạ có thể thoát ra ngoài qua các lỗ và khe nứt ở nơi núi bị sập.

"Cần phải tiếp tục theo dõi nguy cơ rò rỉ các vật chất phóng xạ do vụ tai nạn gây ra", nhóm nghiên cứu này nhận định.

bãi thử hạt nhân Triều Tien

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên

Núi Mantap được Triều Tiên coi là địa điểm lý tưởng để thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân ngầm vì độ cao hơn 2.100m trên mực nước biển và địa thế thích hợp độ dốc nhẹ, có khả năng chịu những tác động lớn về cấu trúc.

Bề mặt của Mantap không hề có dấu hiệu bị ảnh hưởng sau 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân trước năm 2017. Tuy nhiên, quả bom với sức công phá 100 kiloton trong vụ thử ngày 3/9/2017 đã khiến đá xung quanh bị "bốc hơi" với sức nóng chưa từng thấy và để lại một khoảng không có đường kính lên tới 200m.

Kết luận về việc núi Mantap bị sập được đưa ra sau khi nhóm của ông Wen phân tích dữ liệu thu thập từ gần 2.000 trạm nghiên cứu địa chất.

Một nhóm nghiên cứu khác của Cơ quan Nghiên cứu Động đất Jilin (Trung Quốc) cũng đi tới kết luận tương tự. Theo nhóm này, không chỉ một phần đỉnh núi bị sập mà còn xuất hiện một "ống khói", tạo điều kiện cho bụi phóng xạ thoát ra từ trung tâm thử nghiệm.

Trước đó, một số tin tức lan truyền về nguy cơ rủi ro cho khu thử nghiệm Punggye-ri bắt đầu từ khi nhà địa chất hàng đầu Triều Tiên Lee Doh-sik tới Cơ quan Nghiên cứu Động đất Jilin khoảng 2 tuần sau cuộc thử nghiệm hồi tháng 9/2017 và bí mật gặp các nhà khoa học cấp cao của Trung Quốc.

Mặc dù mục đích cuộc gặp không được tiết lộ nhưng 2 ngày sau, Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ không thử nghiệm hạt nhân trên đất liền nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.