Xã hội

Nước hồ Tây được xả "đúng quy trình" vào sông Tô Lịch

23/07/2019, 16:27

Đó là khẳng định của ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội tại buổi họp báo Thành uỷ chiều ngày 23/7.

img
Ông Lê Tự Lực, Phó Chánh văn phòng UBND Tp. Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo

Chiều 23/7, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Lê Tự Lực, Phó chánh Văn phòng UBND Tp. Hà Nội đã thông tin làm rõ việc xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch, ảnh hưởng đến việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano - Bioreactor của đoàn chuyên gia Nhật Bản.

Theo ông Lực, khi đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty CP đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) xin thử nghiệm và tự bố trí kinh phí xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, một ô nước hồ Tây bằng công nghệ riano-Bioreactor, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị liên quan đã làm việc với đơn vị thử nghiệm, chấp thuận cho đơn vị tổ chức thử nghiệm, yêu cầu thực hiện các nội dung cụ thể.

Tại buổi làm việc này, phía Hà Nội cũng lưu ý đơn vị thử nghiệm về đặc thù nước thải Hà Nội, sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục, là chủ lưu thoát nước chính của thành phố khi có mưa và xả nước điều tiết hồ Tây khi có nguy cơ úng ngập khi thử nghiệm.

Trả lời một số câu hỏi của phóng viên về việc phối hợp, thông tin giữa đơn vị vận hành xả nước với hồ Tây và đơn vị thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Chúng tôi đã phối hợp tạo điều kiện tối đa cho đơn vị thử nghiệm về con người, thuyền, điện, mặt bằng, làm việc với chính quyền địa phương.

img
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo

Khi làm việc, chúng tôi đã cảnh báo với đơn vị thử nghiệm rằng việc thử nghiệm vào mùa mưa có thể ảnh hưởng bởi mùa mưa nước ở chính sông Tô Lịch cũng dâng lên và khi xả nước Hồ Tây.

“Đoàn chuyên gia Nhật đều khẳng định không ảnh hưởng gì cả. Chúng tôi còn nhắc là sao thử nghiệm ngay từ đầu nguồn, khi cửa cống xả thì chịu áp lực lớn nhưng họ vẫn khẳng định không ảnh hưởng”, ông Võ Tiến Hùng cho hay.

Theo quy trình xả nước, khi dự báo có mưa lớn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã kiểm tra và thông báo xả nước mức độ từ từ, chỉ xả 1 cửa A mở 40% hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc đang thực hiện. Khi mở chỉ đạt xấp xỉ quây chứ không tràn qua, sau đó đóng cửa.

"Ngày 15/7 mưa lớn, toàn bộ nước mưa ở khu vực thí điểm tràn các quây, phía đoàn chuyên gia Nhật bảo do xả trôi mất vi sinh. Chúng tôi chỉ phối hợp, việc họ nói vậy chúng tôi không có căn cứ nào cả. Khi thử nghiệm cần có hội đồng khoa học, đánh giá khách quan, có chuyên gia khoa học.

Ngày 22/7, Công ty đã mời đơn vị thử nghiệm đến đánh giá sau 2 tháng thử nghiệm, họ thừa nhận việc xả nước là khách quan đảm bảo chống ngập theo đúng quy định của thành phố. Đồng thời, họ thừa nhận đã nóng vội, không nghiên cứu kỹ lưu lượng nước, thời điểm mưa. Lý do ảnh hưởng là do lỗi của họ không đánh giá hết", ông Hùng khẳng định.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bác thông tin “Công ty Thoát nước Hà Nội phá kết quả thử nghiệm” nhằm “tranh công việc”.

Ông Hùng cho biết, hiện Công ty chưa tham gia gì trong việc xử lý sông Tô Lịch. “Hiện chúng tôi đề nghị họ nghiên cứu đặt vị trí ở giữa sông Tô Lịch, người ta thử nghiệm 300m đầu, nếu thành công, thành phố phê duyệt thì phải chuyển tiền cho họ, chứ không phải họ cho không kết quả thử nghiệm mà chúng ta lại phá”, ông Hùng nhấn mạnh.

Còn với thông tin những năm trước không xả nước hồ Tây, tự nhiên năm nay lại xả, ông Võ Tiến Hùng cho biết: Việc xả nước hồ Tây là việc làm thường xuyên của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội từ trước đến nay, tuân thủ đóng quy định để đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa, chống úng ngập, không phải làm việc làm cá biệt.

Ngoài tạo cảnh quan thì hồ Tây tham gia điều tiết nước rất lớn. Nếu hồ Tây không xả nước thì ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Châu Long, Phan Đình Phùng, Thuỵ Khuê, đường Hùng Vương.

Năm 2015, hồ Tây có 3 lần đóng mở; năm 2016 có 4 lần đóng mở điều tiết nước; năm 2018 có 3 lần đóng mở.

“Các số liệu này đều được ghi lại trong quá trình vận hành có sự giám sát của Sở Xây dựng. Các số liệu đóng, mở đều được lưu vào máy tính trong 5 năm. Các số liệu rất công khai, người dân cũng đều có thể nắm bắt được chứ không chỉ chuyên gia”, ông Võ Tiến Hùng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.